Chuyện những người "gác rừng" (kỳ 3)

09:02, 26/02/2019

Ðó là cách kiểm lâm các trạm vẫn nói đùa khi nhắc tới Trạm Ðạ Long. Bởi trong hướng dẫn đường đi cho chúng tôi, các anh cứ nhắc đi nhắc lại "Theo đường Trường Sơn Ðông vào xã Ðưng K'Nớ, qua trung tâm xã cứ tiếp tục đi mãi, đi mãi đến lúc nào không đi được nữa thì đó là nơi đóng chân của Trạm Ðạ Long".

[links()]
Ở tận cuối con đường
 
Ðó là cách kiểm lâm các trạm vẫn nói đùa khi nhắc tới Trạm Ðạ Long. Bởi trong hướng dẫn đường đi cho chúng tôi, các anh cứ nhắc đi nhắc lại “Theo đường Trường Sơn Ðông vào xã Ðưng K’Nớ, qua trung tâm xã cứ tiếp tục đi mãi, đi mãi đến lúc nào không đi được nữa thì đó là nơi đóng chân của Trạm Ðạ Long”.
 
Tận cuối đường Trường Sơn Đông là nơi đóng chân Trạm Đạ Long
Tận cuối đường Trường Sơn Đông là nơi đóng chân Trạm Đạ Long

Nơi rừng chưa yên ả
 
Trạm Đạ Long cách trung tâm xã 17 km và cách Đà Lạt hơn 75 km. “Ngày chưa có đường Trường Sơn Đông, cán bộ trong trạm ra trung tâm vườn ở Đa Nhim hay trụ sở chính ở Đà Lạt có khi mất cả ngày. Bây giờ đỡ rồi nhưng cũng mất gần 4 tiếng”, ông Lê Văn Hương nói.
 
Trạm hiện có 3 thành viên quản lý 8 ngàn ha bởi vậy mỗi lần đi tuần tra thường mất cả tuần. Đi tuần bằng đường rừng và cả bằng cano theo đường thủy. Hiện có hơn 300 hộ thuộc xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương và xã Đạ Long, huyện Đam Rông nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thuộc khu vực Trạm Đạ Long quản lý. Những ngày gần cuối tháng 1, các trạm kiểm lâm phối hợp cùng các đơn vị liên quan chi trả tiền giao nhận khoán cho bà con. Nếu như công việc này được tiến hành trong một ngày ở các trạm khác thì Trạm Đạ Long bao giờ cũng cần tới hai ngày: Một ngày ở xã Đưng K’Nớ còn một ngày nữa tại xã Đạ Long. Đường đi qua Đạ Long của kiểm lâm là vòng tới trạm 10 thuộc VQG Chư Yang Sin - Đak Lak gửi xe ở đó và đi xuồng qua Đạ Long. 
 
Trạm Đạ Long được mệnh danh là xứ sở của ruồi vàng, bởi sáng sớm và chiều tối ruồi vàng sẽ bay ra như ong. Chỉ cần hở da thì ngay lập tức chúng sẽ in dấu “ghé thăm”. Phát hiện ruồi vàng chích, cần nặn ngay máu độc ra ngoài để không bị ngứa và để lại sẹo. Anh em Trạm Đạ Long đã truyền cho chúng tôi kinh nghiệm giúp các anh đi qua nỗi ám ảnh ruồi vàng.
 
Trạm Ðạ Long hiện đang là trạm có cơ sở vật chất thiếu thốn nhất trong tất cả các trạm thuộc Hạt Kiểm lâm VQG. 
 
Khu ngủ, nấu nướng cho đến công trình phụ đều được dựng tạm bợ bằng ván mỏng. Khu vực quản lý của Trạm Đạ Long luôn nóng bởi tình trạng di cư tự do, săn bắt thú rừng, phá rừng làm rẫy của các dân tộc thiểu số phía Bắc và tình trạng đòi về làng cũ của bà con các DTTS tại chỗ.
 
Chúng tôi có mặt ngay tại Tiểu khu 26, 27 thuộc địa phận quản lý Trạm Đạ Long - nơi mà cách đây gần 3 năm về trước, nạn đòi về làng cũ của bà con đã diễn ra vô cùng căng thẳng. Dân vận, tuyên truyền là hai hoạt động mũi nhọn được tiến hành vào thời điểm đó để tránh được những căng thẳng với bà con. Và lực lượng kiểm lâm Trạm Đạ Long thời điểm đó trở thành “cán bộ làm dân vận” nòng cốt. Để đảm bảo hoạt động của các trạm, Hạt Kiểm lâm VQG Bidoup - Núi Bà thường luân chuyển kiểm lâm giữa các trạm. Thời điểm đó, anh Dơng Gul Ha Bình làm việc tại Trạm Đạ Long. Đứng trên đỉnh đồi cao thuộc Tiểu khu 59 khu vục quản lý Trạm Liêng Ka hôm nay anh vẫn nhắc lại chuyện vào lán từng hộ, tuyên truyền, vận động, thuyết phục giải thích cho bà con ở Tiểu khu 26, 27. “Tao nhớ mặt mày rồi, lúc mày đi làm sẽ bị phục kích và giết chết”, những lời đe dọa nặng nề như thế vẫn không làm những người kiểm lâm như Ha Bình chùn bước. Thời điểm đó, khi công tác tuyên truyền, vận động bà con rời đi đang diễn ra, VQG cùng lúc đưa 10.000 cây thông vào trồng trên diện tích đó. Trên con xe Win 100 của anh Bình, 300 hom thông giống đã vào cắm rễ tươi xanh trên Tiểu khu 26, 27. Thời gian trôi qua, vùng đất ấy thông đã lên xanh nhưng vẫn chưa yên ả. 
 
 Theo anh Lê Minh Chương - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đạ Long: “Đây là khu vực tập trung dân di cư tự do của các dân tộc phía Bắc vào, nhất là dân tộc Mông, nên tập quán săn bắn thú rừng và việc phá rừng làm rẫy của họ đe dọa rất lớn đến rừng. Đặc biệt, việc đốt cỏ tranh dụ thú (thú luôn thiếu muối nên đốt tro mặn sẽ có tác dụng dụ thú rất tốt) còn đe dọa đến tình trạng cháy rừng cũng như sự đa dạng của động, thực vật tại khu vực này. Còn các dân tộc gốc Tây Nguyên vẫn chưa nhận thức rõ và có những kế hoạch, mục tiêu rõ ràng trong phát triển kinh tế nên tâm tư vẫn muốn quay về làng cũ, gây khó khăn cho kiểm lâm trong thực hiện nhiệm vụ”. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà Trạm Đạ Long sau bao lần luân chuyển cán bộ vẫn luôn có kiểm lâm là người DTTS gốc Tây Nguyên. Sau anh Ha Bình, hiện kiểm lâm viên Cil K’Huy - con trai của “đôi mắt giữ rừng” Cil K’Rế ở LangBiang đang tiếp tục làm nhiệm vụ ở nơi này.
 
“Mười ngày nữa anh về”
 
Ăn gió, nằm sương, ngủ rừng, xuyên núi nên tính cách những người gác rừng cũng “vạm vỡ” đến lạ kỳ. Đó là sự hào sảng, bộc trực, khảng khái, mạnh mẽ rất đàn ông. Trước thiên nhiên họ không hề nhỏ bé. Cây mục đưa chân đạp đổ để người sau đỡ tai nạn. Ghì chặt tay lái leo dốc, đổ dốc mà gân xanh hằn rõ lên tay vẫn lái xe vững chãi băng rừng. Xắn tay chân lên chi chít vết vắt cắn, ruồi vàng, có những vết còn chưa kịp khô máu nhưng vẫn xắn tay thịt gà, xào rau, nhóm lửa nấu cơm thiết đãi khách. Miệng cười xuề xòa bảo: “Đàn ông mà lại còn ở rừng thì lấy đâu ra gọn gàng ngăn nắp”, vậy nhưng khu bếp ăn, khu làm việc, phòng ngủ được phân định rõ ràng, ngăn nắp. Trên chiếc bàn đặt ngoài hiên trạm lúc nào cũng có nước chè xanh hái từ cây trồng ở trước sân, hay nước trà, còn có cả cà phê vợ hái vườn nhà tự rang xay mang vào cho anh em cùng uống. 
 
Nơi Trạm Đạ Long đóng chân, duy nhất có một điểm bán tạp hóa cách trạm chừng 2 km về phía xã là có sóng điện thoại đủ để những chiếc điện thoại “cục gạch” gọi và nhắn tin. Vô tình chứng kiến cuộc gọi của vị trạm trưởng trẻ tuổi về nhà. Sau câu trả lời “chắc khoảng 10 ngày nữa anh về” là tiếng thở dài nhè nhẹ của chị vợ, nhưng anh chỉ kịp giải thích “việc nhiều phải ở lại làm” rồi con sóng lại lạc đi làm cuộc nói chuyện gián đoạn. 
 
Và có lẽ không chỉ Trạm Đạ Long, mà với những trạm kiểm lâm khó khăn, xa xôi như Liêng Ka, Bidoup, những người đàn ông ở đó đã nhiều lần trấn an vợ, vỗ về người yêu rằng “mười ngày nữa anh về”. Nhưng hết “mười ngày này” này lại tiếp “mười ngày nữa”, những người đàn ông ấy vẫn tạm gác chuyện gia đình, bỏ qua những ồn ào của cuộc sống ngoài kia để ở nơi sâu hun hút thầm lặng gác cho rừng mãi xanh.
 
N.NGÀ - T.HIỀN