Với những ai lần đầu đến với Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học của Đông Nam Á, hệ thống động thực vật phong phú sẽ cuốn hút tâm trí, tạo những ấn tượng khó quên.
[links()]
Với những ai lần đầu đến với Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà, nơi được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học của Đông Nam Á, hệ thống động thực vật phong phú sẽ cuốn hút tâm trí, tạo những ấn tượng khó quên. Còn chúng tôi đến với rừng Bidoup - Núi Bà để trực tiếp được nghe câu chuyện của những người “gác rừng” cần mẫn bám trụ ở các trạm canh rừng để giữ cho rừng mãi xanh, cho hoa vẫn nở và cho muôn loài nhảy nhót hát ca.
Kỳ 1: Gần đường mà xa ngõ
Người ta vẫn nhắc nhiều tới đỉnh Bidoup và trên đỉnh ấy có cây Pơ mu di sản trên 1.300 năm tuổi. Nhưng ít ai biết rằng, ngay trên đường lên tới cây Pơ mu có trạm kiểm lâm cũng mang tên Bidoup nằm ở lưng chừng núi bên kia dòng Ða Nhim. Bao lần mưa lớn, lũ lên, Trạm Bidoup bị chia cắt nhưng những người kiểm lâm ở đó vẫn hoàn thành nhiệm vụ “gác rừng”.
|
Ghé trạm kiểm lâm như đã thành thói quen khi bà con đi tuần tra rừng ở Bidoup |
Ðường lên trạm
Từ cổng VQG nằm trên địa bàn xã Đa Nhim, Trạm phó Nông Phúc Anh (37 tuổi) đã có mặt từ sáng sớm để đón chúng tôi vào Trạm Bidoup. Trên xe anh kiểm lâm trẻ lỉnh kỉnh nào rau dưa, thịt cá. Thấy chúng tôi nhìn, anh cười bảo: “Kiểm lâm vào trạm như phụ nữ đi chợ về vì đường ra vào vất vả lắm nên ai cũng tranh thủ mua đồ ăn vào cho cả trạm”. Có vẻ hơi phân vân với việc chúng tôi tự điều khiển xe máy vào trạm, anh liền hỏi “xe các bạn đổ đầy xăng chưa?”. Câu hỏi ấy báo hiệu với chúng tôi rằng trước mắt là con đường đầy gian khó.
Từ ngoài đường 723 đoạn qua xã Đạ Chais, gần đến trung tâm xã có con đường đá rẽ vào hướng Trạm Bidoup. Đoạn đường chỉ hơn 10 km nhưng thời gian vượt qua sao mà dài thế! Nhất là với những tay lái lần đầu “đánh vật với đường rừng” như chúng tôi. Được biết, con đường này trước đây người ta làm để chở vật liệu vào xây dựng thủy điện. Vậy nên được đổ đá lớn để cho xe trọng tải nặng di chuyển. Dự án không thành, thứ còn lại chỉ là con đường gập ngềnh, lổm nhổm đá. “Đi số 1, liên tục giậm phanh bằng chân phải, chân trái chống, thả lỏng tay lái để tự nhiên điều khiển theo địa hình” là bài học đầu tiên mà người kiểm lâm trẻ nhưng có tới hơn 15 năm sống và gắn bó với rừng chỉ cho chúng tôi. Có những đoạn không thể đi vì đá lớn ngổn ngang, dễ trượt, đổ xe như chơi, vì vậy chúng tôi phải băng cắt rừng thông mà đi. Những rễ thông già nổi ụ lên mặt đất chẳng khác nào đàn trăn khổng lồ đang dùng thân mình ngăn chặn những bánh xe tiến vào rừng. Vật vã sau những lần xuôi dốc đá, vượt rừng thông chằng chịt rễ khiến xe ròng lên xóc xuống, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy dòng Đa Nhim nơi thượng nguồn và Trạm Bidoup “treo” lưng chừng đồi bên kia sông.
Mấy năm trước, nhờ nỗ lực của VQG và sự giúp đỡ của các dự án, đã có cây cầu treo được bắc qua sông. Nhưng nước lũ năm nào về, ngày một hung dữ, chiếc cầu treo mỏng manh không thể bám trụ, cuốn theo con nước phía thượng ngàn, để rồi giờ đây, phương tiện qua sông là chiếc bè được kết bằng những chiếc thùng phi. Bè được kéo dọc theo sợi dây thép lớn mà kiểm lâm cố định ở gốc cây hai bên bờ sông. Vừa kéo bè anh Phúc Anh vừa chỉ cho chúng tôi chiếc giỏ nhựa bị đợt lũ gần đây làm mắc trên ngọn cây cao nhất trên bờ sông và bảo rằng: “Có lúc nước lũ dâng cao, những hàng cây lớn hai bên bờ đều bị nhấn chìm, rác trôi về mắc cả trên ngọn cây còn đó”.
Cứ tưởng kéo bè thật đơn giản nhưng lại là bài học đầu tiên của kiểm lâm khi được luân chuyển về Trạm Bidoup. Bởi phải kéo sao thật khéo để vào bờ mà bè không va phải đá ngầm thực sự không hề dễ dàng chút nào. Đã thế, còn phải kéo giỏi, vì không chỉ đưa kiểm lâm mà còn có cả bà con qua sông để đi tuần tra rừng.
Vừa cập bờ, đưa tay kéo chúng tôi từ bè lên, anh Nguyễn Thành Phương - kiểm lâm viên “bật mí” : “Những đêm mưa lớn, nước lũ lên nhanh, nhiều lần bè trôi mất, anh em phải làm lại cực lắm. Mùa lũ về, Đa Nhim như biến thành một con sông khác hẳn, dữ dằn, hung hãn, đỏ ngầu trông cứ như con mãnh thú đói khát sẵn sàng nuốt chửng những chuyến bè qua sông. Trạm bị chia cắt hoàn toàn, anh em phải trụ lại nhiều ngày liền với cá khô, mì gói và rau rừng. Nhà gần mà thành xa, có chuyện gì cần kíp cũng không thể về với gia đình được”.
|
Kéo bè là bài học đầu tiên của kiểm lâm khi luân chuyển về Trạm Bidoup |
Trạm Bidoup quản lý hơn 7 ngàn ha rừng nhưng chỉ có 3 kiểm lâm. Ngoài ra còn quản lý 157 hộ và 3 đơn vị nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Vừa đưa chúng tôi qua sông, chiếc bè quay trở lại đón bà con qua để đi trực cháy. Anh Cil Ha Mốc (38 tuổi) nhà ở thôn Đưng Ksi, xã Đa Chais, Tổ trưởng Tổ nhận khoán số 80 gồm 16 hộ nói: “Bà con mình mỗi lần đi rừng đều ghé qua trạm. Vừa trao đổi công việc với mấy anh kiểm lâm rồi lại lên đường tuần rừng, phòng cháy rừng”. Đó là lý do anh em ở trạm lấy những gốc rễ cây già làm thành bộ bàn ghế đơn giản đặt giữa sân để bà con ngồi “vì tập tính của bà con mình là thích sưởi nắng vào sáng sớm”, kiểm lâm Phương nói.
Bước vào cao điểm mùa khô, bà con nhận khoán đi tuần tra cháy rừng khoảng 3 ngày đến 1 tuần, bởi có những khu vực rừng xa giáp tận Ninh Thuận, Khánh Hòa. Chính vì vậy, những ngày này, lọt thỏm giữa đại ngàn hoang vu, nhưng con đường qua Trạm Bidoup như rộn ràng hơn hẳn.
Những người không có tết
Trước cổng Trạm Bidoup có cây mận đã nở hoa trắng, mùa xuân đang hiển diện nơi đây. Song, đối với kiểm lâm của trạm, mùa xuân gõ cửa cũng là mùa cao điểm trực cháy rừng.
Trên con đường tuần tra hướng lên đỉnh Bidoup, trong câu chuyện với chúng tôi, anh Phúc Anh kể về những ngày đầu “bỡ ngỡ từ phố thị sôi động vào rừng yên vắng”. Đó là những ngày mà thấy thời gian trôi dài dằng dặc, luôn luôn xuất hiện suy nghĩ, phân vân giữa ở hay về. “Cũng đã nhiều lần viết xong đơn xin nghỉ việc nhưng có lẽ cái duyên với rừng đã níu giữ mình lại”, Phúc Anh bộc bạch. Thế rồi thời gian trôi qua, đến nay đã mười mấy năm tuổi trẻ gắn chặt với rừng, chất chứa bao kỉ niệm của những chuyến đi rừng miệt mài. Phúc Anh đã băng qua hết những ngóc ngách của rừng ở Bidoup, cùng bà con chia ngọt sẻ bùi trong bao đêm hoang vắng nơi rừng thẳm mà thấy thân thương nên cứ bám riết với đỉnh cao Bidoup.
|
Rời trạm Bidoup, bà con đi trực cháy rừng |
Ở Trạm Bidoup, đêm đêm xen tiếng chuyện trò của mấy anh em chỉ có tiếng gió lùa rin rít trên mái. Thứ âm thanh mà bất cứ ai mới vào đây cũng thấy ái ngại. Nhưng với những người quen rừng thì “vậy là bình yên lắm rồi”. Vì ngày mưa gió, cả khu rừng chẳng khác nào con thú gầm rú lao thẳng vào căn nhà nhỏ của kiểm lâm Trạm Bidoup. Trong câu chuyện với chúng tôi, kiểm lâm Phương đã kể về câu chuyện tình dang dở. Bởi đặc thù công tác ở rừng triền miên, khi người ta hối hả về nhà sum vầy ăn tết thì các anh vẫn làm nhiệm vụ. Ở đây smartphone gần như bất lực, chỉ có điện thoại “cục gạch” lên ngôi. Nhưng cũng phải leo lên con dốc cách trạm chừng 500 m mới “dò” ra sóng điện thoại. Nên có những ngày bận rộn hay mưa gió không thể leo dốc để tìm sóng điện thoại và đó là một trong những lí do khiến cô gái anh yêu thương “rẽ bước sang ngang” cất bước theo chồng. Vậy nên, năm nay ngoài 30 tuổi, tình yêu của anh Phương vẫn chỉ có những cánh rừng bạt ngàn, hoang vu. Tâm tình là vậy nhưng khi được hỏi nếu có cơ hội làm một công việc khác ở thành phố, các anh chỉ lắc đầu cười và bảo rằng “lỡ yêu rừng rồi, nên nếu phải về thành phố đánh vật với bụi đường, khói xe thì sẽ nhớ rừng lắm”.
VQG Bidoup - Núi Bà là một trong hai mươi tám VQG nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. VQG có diện tích 70.038 ha; trong đó, diện tích có rừng chiếm hơn 91%. So với các VQG ở Việt Nam, giá trị của Vườn là kéo dài liền mảnh với 300.000 ha nhờ liên kết với các VQG và khu bảo tồn xung quanh. Tính đa dạng hệ sinh thái của Vườn là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam với nhiều kiểu hệ sinh thái khác nhau: rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình 20.850 ha; rừng kín hỗn giao cây lá rộng - lá kim 14.038 ha; rừng thưa cây lá kim á nhiệt đới 20.614 ha; rừng lùn đỉnh núi 402 ha; rừng rêu và kiểu sinh thái khác. Hiện đã ghi nhận 1.945 loài thực vật có mạch thuộc 180 họ; trong đó, 91 loài đặc hữu, 205 loài quý hiếm, bị đe dọa có tên trong Sách đỏ hoặc Danh lục đỏ. Có 111 loài động vật có vú thuộc 28 họ; trong đó, 88 loài quý hiếm, bị đe dọa có tên trong Sách đỏ hoặc Danh lục đỏ; 301 loài bò sát và 78 loài lưỡng cư...
Quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VQG. Có nhiều bộ phận trong tổ chức bộ máy của VQG cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, Hạt kiểm lâm VQG là một trong những đơn vị nòng cốt, trực tiếp thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng. Với đặc thù phát triển của VQG, lực lượng kiểm lâm còn tham gia hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, tham gia các hoạt động trồng rừng, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng và tham gia phát triển du lịch sinh thái trong VQG.
Hiện nay, Hạt kiểm lâm của VQG có 65 người, công tác tại 10 trạm kiểm lâm. Ngoài ra, Hạt có 1 đội kiểm lâm cơ động và 1 tổ kiểm khuyển (chó nghiệp vụ).
|
(CÒN NỮA)
N.NGÀ - T.HIỀN