Anh em Trạm Liêng Ka đón chúng tôi khi từ Bidoup trở về bởi đường vào Liêng Ka "khó vô cùng khó". Theo lý giải của người dân địa phương, "Liêng Ka" nghĩa là "thác cá", bởi mang tên gọi ấy là vì trạm được đặt sâu trong rừng - nơi có dòng thác nhỏ nhiều cá sinh sống.
[links()]
Nếu không có dân thì khó giữ được rừng
Anh em Trạm Liêng Ka đón chúng tôi khi từ Bidoup trở về bởi đường vào Liêng Ka “khó vô cùng khó”. Theo lý giải của người dân địa phương, “Liêng Ka” nghĩa là “thác cá”, bởi mang tên gọi ấy là vì trạm được đặt sâu trong rừng - nơi có dòng thác nhỏ nhiều cá sinh sống.
|
Đường vào Trạm Liêng Ka đã khó, đường đi tuần tra rừng của các anh còn gian nan hơn nhiều |
Giữa bạt ngàn rừng sâu
Liêng Ka là trạm kiểm lâm nằm giữa rừng đúng nghĩa. Bởi từ ngoài cổng Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà vào đến trạm gần 20 km, sâu nhất so với 9 trạm còn lại. Đi hết đoạn đường, qua địa phận đặt trụ sở hành chính vườn là quãng đường gian khó và thật sự là thử thách với hơn 5 km đường sình lầy. Đường nằm dưới tán rừng già, dù trời đương nắng chói chang vẫn không xuyên qua được các lớp lá. Cộng với việc khu vực quanh Trạm Liêng Ka quanh năm có sương mù dày đặc nên chẳng cần phải trời mưa mà chỉ cần trời chưa tan sương là xe cũng không thể di chuyển được. Anh Cao Đình Tích - Trạm phó Trạm Kiểm lâm Liêng Ka, nói: “Anh em kiểm lâm ở Trạm bốn mùa bánh xe quấn xích”. Kiểm lâm viên Trần Đức Cường nói đùa thêm: “Vào mùa mưa, nếu được cho chạy xe một mình về thăm nhà thì cũng bó tay”.
Nếu đường lên Bidoup phải “thuận theo tự nhiên” để tránh đá, rễ thông nổi cuộn trên mặt đất, thì đường vào Liêng Ka anh em kiểm lâm điều khiển xe phải ghì chặt để xe không bị trơn trượt, tuột khỏi tay người lái. Hình ảnh những tấm lưng của các anh oằn theo những cú trượt của bánh xe nhưng vẫn dặn “tuyệt đối không đặt chân xuống nhé, nếu không té gãy chân cả hai đấy”. Tôi nghiêm túc tuân thủ lời dặn ấy nhưng quả thật trong lòng vừa âu lo trong từng cú rung lắc, vừa thương người cầm lái vô cùng.
Đường vào trạm đã khó một, đường tuần tra của kiểm lâm giữa bạt ngàn rừng núi nơi đây càng khó khăn hơn gấp bội. Kiểm lâm viên Đức Cường vẫn nhớ như in những ngày bước vào nghề, lần đầu đi rừng vào mùa mưa, vắt bám vào chân cả mươi con mà rùng mình vì sợ nhưng chẳng dám kêu, vì “mình là đàn ông mà”. Riết rồi vắt cũng thành quen bởi thứ “vũ khí” bọc muối dưới chân tránh vắt búng từ dưới đất lên, nhét bông vào tai tránh vắt “nhảy dù” trên lá cây xuống. Có những đợt tuần tra kéo dài cả tuần, xếp thức ăn, đồ đạc gọn gàng trong ba lô, mang theo la bàn, bản đồ và cứ thế miệt mài tiến sâu vào rừng. Tối đâu dựng lều, mắc võng nghỉ ở đó. Đêm sương núi thấm ướt lưng áo để rồi sáng dậy tiếp tục đi. Diện tích rừng giáp ranh được chú trọng tuần tra nhiều nhất nên có khi đi xuyên rừng qua tận Khánh Hòa, Đăk Lăk, Ninh Thuận.
Chúng tôi vào Trạm Liêng Ka đã có dịp được theo chân anh Dong Gul Ha Bình lên Tiểu khu 59 để xác định tọa độ dựng chòi gác chống cháy rừng, cho chúng tôi trải nghiệm “giao thông rừng thẳm” hiếm hoi trong đời. Đi ngang qua cánh rừng thông đã lên cao xanh, anh Bình bảo: Đấy là cánh rừng mà 20 năm trước vợ chồng anh cùng những thanh niên trẻ của buôn làng đã trồng. Trạm Liêng Ka gồm 4 thành viên, quản lý trên 7 ngàn ha rừng và 243 hộ dân thuộc 16 tổ giao nhận khoán. Ở trạm này người trẻ nhất như anh Cường cũng đã có 10 năm gắn bó với nghề, còn Ha Bình là người kỳ cựu nhất khi có tới 24 năm gắn bó với rừng nơi đây.
Tâm trí người kiểm lâm già
Trời mưa lâm thâm, cả khu rừng tĩnh mịch, thi thoảng nghe tiếng cành gãy, tiếng lá chạm nhau và đôi ba tiếng chim chóc gì đó làm những câu chuyện “gan ruột” của người kiểm lâm già càng thêm bồi hồi. Là một trong số ít những kiểm lâm là người DTTS ở VQG, anh Bình luôn cảm thấy mình là người may mắn, hạnh phúc khi được trọn đời sống với rừng quê hương. “Ngày trước là đứa trẻ theo cha đi rừng, mình chỉ yêu rừng bằng tình yêu rất bản năng. Sau này nhận khoán trồng rừng, rồi được làm kiểm lâm, rừng đã nuôi cả gia đình mình, cho 4 đứa con được học hành đầy đủ. So với bà con mình may mắn và hạnh phúc hơn nhiều, vì thế mỗi khi Vườn giao cho mình việc thuê bà con trồng rừng mọi chế độ mình đều cố gắng giao sớm, giao đủ cho bà con để hợp tác với VQG”.
Kiểm lâm đi trực cháy, đi tuần tra rừng cùng các hộ nhận khoán là người dân tộc thiểu số là thường xuyên, nhưng chính người đồng bào mới là “thầy dạy” kỹ năng đi rừng cho kiểm lâm. Đấy có thể là những việc đơn giản như cách ngủ bên đống lửa. Bởi khi ngủ mà quay lưng, hay quay mặt vào đống lửa thì chỉ một lúc thôi sẽ nóng không chịu được mà phải quay đôi bàn chân hướng vào đống lửa, chân ấm là cả người sẽ ấm. Cách ngủ này còn có thể sưởi ấm cho nhiều người thay vì một người che chắn hết bếp lửa giữa đêm lạnh, rừng hoang. Mỗi chuyến đi như thế việc tiết kiệm thức ăn như một nhiệm vụ tất yếu. Bởi để mang được thức ăn vào rừng phải mất rất nhiều mồ hôi, công sức nên không có bất cứ một miếng thức ăn thừa nào được vứt đi cả, dẫu chỉ là mẩu cơm cháy. “Bà con hay kiểm lâm đi rừng đều chủ động mang thức ăn. Đến nơi đốt lửa dựng lều, ai có gì góp nấy. Góp gạo, góp thức ăn vào bữa cơm thân thương nơi rừng già. Khu vực rừng thuộc Trạm Liêng Ka quản lý không phải vùng có nhiều gỗ quý nhưng đây lại là một trong những vùng có tính đa dạng sinh học cao của VQG. Nhưng dù ở rừng có đặc điểm như thế nào, dù lực lượng kiểm lâm có được trang bị tân tiến tới đâu thì nếu không có dân thì cũng khó giữ rừng” - anh Bình khẳng định. Thương bà con thì bà con quý lại. Nên anh Ha Bình và nhiều kiểm lâm khác vẫn kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện kiểm lâm cho bà con chai nước mắm, lọ đường, viên thuốc cảm thì bà con mang khoai, mang bắp, mang chuối… cho kiểm lâm. Có vị lãnh đạo ngành kiểm lâm ở VQG khi về hưu, bà con nhớ đã tự gom tiền lại làm bữa tiệc liên hoan có thịt nướng, có rượu cần để chia tay trong tình cảm trọn nghĩa ân tình.
Đã 24 năm cá mắm, lạc khô luân chuyển khắp lượt các trạm kiểm lâm ở VQG Bidoup - Núi Bà, trong Dong Gul Ha Bình vẫn nguyên tình yêu mãnh liệt với nghiệp giữ rừng. Đó cũng là lý do anh hướng con trai mình học ngành lâm nghiệp. Và dù hai cha con ở hai đơn vị công tác khác nhau, nhưng tựu chung lại vẫn là chung sức cùng nhau giữ rừng.
Liêng Ka về đêm gió rét mướt. Bên ấm trà nóng là những câu chuyện về gia đình hay những câu chuyện vui các anh sưu tầm được. Như đột nhiên nhớ ra, anh Cường nói, “lại sắp tết rồi”. Dễ đến 10 năm qua chưa lần nào về quê Nghệ An ăn tết bởi xuân về cũng là khi kiểm lâm bước vào những tháng ngày tuần tra cao điểm cùng bà con chống cháy rừng. Chúng tôi như lặng đi theo đôi mắt dõi về xa xăm của anh Cường...
Chúng tôi không thể rời Liêng Ka vào sáng hôm sau đúng như dự định, bởi tận 10h sáng sương mù vẫn còn dày đặc. Phải đến tận qua trưa mới có thể rời đi trong nhọc nhằn khó khăn, để lại sau lưng bạt ngàn rừng xanh ôm trọn Liêng Ka và những người đàn ông canh rừng ở đó nhỏ bé, đơn côi vào lòng núi thẳm.
(CÒN NỮA)
N.NGÀ - T.HIỀN