(LĐ online) - Hòa trong không khí ấm áp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, sáng 10/2 (mùng 6 tháng Giêng) đông đảo người dân địa phương và du khách đổ về Làng Mông trên đỉnh núi Tà Ngào (thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) cùng vui hội đầu Xuân. Đây là lễ hội đầu Xuân được cộng đồng người dân tộc Mông và các dân tộc anh em như Tày, Nùng, Dao, Mường… đang sinh sống tại thôn 10C (xã Lộc Thành) duy trì, bảo tồn suốt 15 năm qua vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
(LĐ online) - Hòa trong không khí ấm áp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, sáng 10/2 (mùng 6 tháng Giêng) đông đảo người dân địa phương và du khách đổ về Làng Mông trên đỉnh núi Tà Ngào (thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) cùng vui hội đầu Xuân. Đây là lễ hội đầu Xuân được cộng đồng người dân tộc Mông và các dân tộc anh em như Tày, Nùng, Dao, Mường… đang sinh sống tại thôn 10C (xã Lộc Thành) duy trì, bảo tồn suốt 15 năm qua vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Ngay sau giờ khai Hội nhiều trò chơi dân gian mang đậm truyền thống văn hóa của các dân tộc phía Bắc đang sinh sống tại thôn 10C đã lần lượt được diễn ra thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia vui hội, tranh tài. Đó là các trò chơi như tung còn, đâm bù nhìn, leo cột mỡ, múa khèn, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, nhảy dây, cõng nhau vượt cạn, cướp cờ, bịt mắt bắt vị và ném cù…
Ông Nông Văn Cửu - Bí thư chi bộ thôn 10C - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chia sẻ: “Thôn 10C hiện hơn 200 hộ, với gần 900 nhân khẩu. Toàn thôn có 9 dân tộc anh em đang sinh sống như Mông, Tày, Nùng, Dao, Mường, K’Ho, Khơ Me, Hoa và người Kinh. Sau 15 năm tổ chức, Lễ hội đầu xuân thực sự là ngày hội vui tươi, bổ ích và mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phía Bắc đang sinh sống tại Làng Mông. Chúng tôi thật sự rất vui mừng khi ngày càng có nhiều du khách thập phương và cả nước ngoài đến trẩy hội khi mỗi độ Tết đến, xuân về”.
*Cùng với Làng Mông, thì sáng 10/2 (mùng 6 tháng Giêng), tại thị trấn Phước Cát (huyện Cát Tiên) cũng đã khai Hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Ngày hội xuống đồng - Lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Tày, Nùng đang sinh sống tại huyện Cát Tiên) mừng Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Mặc dù thời tiết khá nóng nực, oi bức nhưng vẫn thu hút hàng ngàn người dân địa phương và du khách về vui Xuân, trẩy hội.
Lồng Tồng nghĩa là xuống đồng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, hội Lồng Tồng còn có các tên gọi khác là Hội cầu mưa hay Hội cầu mùa của các dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc. Lễ hội Lồng Tồng được bà con Tày, Nùng tổ chức ở Cát Tiên có 2 phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu bằng việc rước các mâm Tồng (mâm lễ) từ tổ dân phố của thị trấn Phước Cát về trung tâm sân vận động để tổ chức lễ cúng tạ ơn trời, đất. Các mâm Tồng là các sản vật của địa phương như gà luộc, thịt heo quay lá mắc mật, xôi, bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, bánh khẩu si, ngũ quả, hoa, gạo, rượu và nước lá chanh, trứng vịt luộc được nhuộm đủ màu để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như múa khăn, múa quạt, ném còn, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt đập heo đất, đẩy gậy... tạo nên một không khí vui nhộn của ngày đầu Xuân năm mới. Tiếp đó là những điệu hát then đàn tính mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng đã mang lại một không khí vui tươi, rộn ràng đầu Xuân năm mới.
|
Đồng đảo người dân về vui xuân trẩy hội Lồng Tồng |
|
Thiếu nữ làng Mông múa khai hội đầu xuân |
|
Trai làng Mông múa khèn vui hội đầu xuân |
|
Hát then đàn tính “đặc sản” của lễ hội Lồng Tồng |
|
Bà con Tày, Nùng chuẩn bị mâm cúng tạ ơn trời, đất |
|
Đồng đảo trai làng Mông tranh tài ném còn vui hội, cầu mau |
|
Bịt mắt bắt vịt |
|
Cõng nhau vượt cạn |
|
Đồng đảo người dân và du khách đếm vui hội làng Mông |
|
Leo cột mỡ |
|
Nhảy bao bố |
|
Qủa còn được tung vào vòng xoan cao hơn 10 m |
|
Thi kéo co |
|
Du khách nước ngoài vui hội làng Mông |
|
Không gian lễ hội Lồng Tồng |
KHÁNH PHÚC