Xa cách những dãy núi quê hương Hoàng Liên, Tả Phìn hàng ngàn cây số, có một làng Dao nhỏ nhắn, ấm áp dưới chân núi Tà Đùng, ngọn núi phân cách hai tỉnh Lâm Đồng - Đắk Nông. Nhắc tới làng Dao, dân cư xã Tân Thanh, Lâm Hà đều chung một lời khen: họ lao động chăm chỉ, sống đoàn kết. Phong tục riêng của người Dao vẫn được giữ gìn, hòa chung với nếp sống chung của cả cộng đồng.
Xa cách những dãy núi quê hương Hoàng Liên, Tả Phìn hàng ngàn cây số, có một làng Dao nhỏ nhắn, ấm áp dưới chân núi Tà Đùng, ngọn núi phân cách hai tỉnh Lâm Đồng - Đắk Nông. Nhắc tới làng Dao, dân cư xã Tân Thanh, Lâm Hà đều chung một lời khen: họ lao động chăm chỉ, sống đoàn kết. Phong tục riêng của người Dao vẫn được giữ gìn, hòa chung với nếp sống chung của cả cộng đồng.
|
Ông Lý Văn Nghị xem sách Dao Nôm |
Phó Chủ tịch xã Tân Thanh Nhữ Văn Hiếu đưa chúng tôi tới thăm gia đình ông Lý Văn Nghị, một người cao tuổi của bản Dao, một trong những người đầu tiên tới định cư ở thôn Bằng Sơn, xã Tân Thanh. Trên giấy tờ, làng Dao là Xóm 3, thôn Bằng Sơn nhưng cái tên “làng Dao” đã trở nên rất quen thuộc.
Làng Dao có hơn 80 hộ, tới định cư ở Bằng Sơn rải rác từ năm 1994-1995. Ông Nghị kể, người Dao rời quê hương từ Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng…, tìm tới vùng Tân Thanh định cư. Ban đầu, dân cư phải cuốc từng gốc tranh, giành từng củ mì với thú rừng. Gấu, sói vẫn lảng vảng quanh làng, phụ nữ chỉ cần chập tối là không dám ra khỏi nhà. Với bàn tay chăm chỉ và sự hỗ trợ của chính quyền, làng Dao hôm nay đã khang trang, điện sáng bừng xóa dần đêm đen. Cánh đồng lúa nước ngay trước làng được cấy lúa sản lượng cao, giúp người Dao no đủ quanh năm. Cây cà phê là cây trồng chính, là cây giúp người Dao xây nhà, mua xe, cho con cái đi học, cho làng Dao khang trang như hôm nay.
Kinh tế ổn định, người Dao sống quần tụ vẫn giữ được những nét truyền thống của tộc người sống nơi nhưng ngọn núi cao. Ông Lý Văn Nghị vừa giở cuốn sách cổ của người Dao, vừa giảng giải cho người bà con trong xóm ngày xấu ngày tốt. Cuốn sách được viết bằng tiếng Dao Nôm, tương tự tiếng Hán Nôm của người Kinh xưa. Trong đời người Dao, mỗi sự kiện quan trọng đều phải xem ngày tốt, ngày xấu. Từ cưới vợ, làm nhà, ma chay cúng quảy đều được ghi lại trong cuốn sách. Ông Nghị biết tiếng Dao Nôm nên đã trở thành “pho sách sống” của làng, có việc gì cần bà con đều đến nhờ cậy. Ông Nghị bảo, ở Tân Thanh người Dao sống quần tụ thành làng nên còn giữ được phong tục, tập quán cha ông truyền lại. Triệu Thị Xuân, cô gái Dao làm dâu ở làng Dao 11 năm chia sẻ, ở trong làng nhiều phong tục còn được lưu giữ, nhất là phong tục tết. Người Dao ăn tết Âm lịch cùng với cả cộng đồng nhưng có nhiều điểm thuộc về truyền thống được cả làng giữ gìn và thực hiện. Trên bàn thờ của nhà người Dao đều được trang trí viền bằng những dải giấy màu cắt hình kỷ hà. Xuân bảo, người Dao gọi là “chây”. Theo phong tục, vào ngày tết, người đàn ông trong gia đình sẽ cắt những dải “chây” bằng giấy màu để thay cho dải “chây” cũ đã bạc màu sau một năm. Tùy từng dòng họ, “chây” được quy định màu và hình trang trí. Như nhà chồng Xuân, “chây” chỉ cắt ba màu vàng-đỏ-tím, nhiều nhà lại là màu xanh-vàng… Không chỉ trang trí bàn thờ, các dải “chây” còn được cắt dán trước cửa nhà, cửa bếp, chuồng heo, chuồng gà, chuồng trâu bò… Xuân chia sẻ, những con vật cũng cùng con người trải qua một năm. Khi con người đón tết thì cũng cắt “chây”, trang trí chuồng heo, chuồng gà để các vật nuôi biết là năm mới đến, cùng vui với cả nhà. Về món ăn thì người Dao không có quá nhiều món ăn lạ vào ngày tết. Nhưng có món bánh chưng truyền thống mà vào năm mới nhà người Dao nào cũng gói là bánh chưng gù. Không giống bánh chưng vuông, bánh tét dài như người Kinh; bánh chưng của người Dao nhỏ hơn, có hình dáng tựa ngọn đồi nên có cái tên là “bánh chưng gù”. Và gia đình nào cũng nấu rượu ngô để mời bà con, bè bạn một chén nhỏ khi đến nhà nhau chúc tết. Và ngày tết, cũng như ngày cưới, là ngày người Dao diện những bộ đồ truyền thống của dân tộc mình. Rực rỡ với những yếm, khăn, với những chi tiết chạm bạc khéo léo, trang phục truyền thống của người Dao như sáng bừng lên trong nắng cao nguyên.
|
Trang phục người Dao đỏ ở Tân Thanh, Lâm Hà |
Phó Chủ tịch xã Nhữ Văn Hiếu nhận xét, bà con làng Dao thôn Bằng Sơn rất chăm chỉ lao động, tuân thủ pháp luật và hăng hái đóng góp xây dựng cộng đồng. Cùng chung sống trong cộng đồng nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Cil, Sán Dìu, Tày, Nùng, bà con người Dao đã góp thêm một sắc màu riêng, đem lại sự đa dạng của vùng đất cao nguyên Tân Thanh, xây dựng một làng Dao bình yên bên ngọn Tà Đùng.
DIỆP QUỲNH