Món bánh khảo ngày Tết của người Tày

05:02, 08/02/2019

(LĐ online) - Trước Tết độ một tuần, tôi nhận cuộc gọi điện thoại của bà Lục Thị Kim, Bí thư Chi bộ Thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm: "Tết nhớ ghé Thôn 12 ăn bánh khảo cho biết hương vị Tết của người Tày nhé!".

(LĐ online) - Trước Tết độ một tuần, tôi nhận cuộc gọi điện thoại của bà Lục Thị Kim, Bí thư Chi bộ Thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm: “Tết nhớ ghé Thôn 12 ăn bánh khảo cho biết hương vị Tết của người Tày nhé!”.
 
Món bánh khảo được gói ghém cẩn thật trông khá đẹp mắt
Món bánh khảo được gói ghém cẩn thật trông khá đẹp mắt
Tất nhiên, với một lời mời như thế, tôi không có lý do gì để từ chối cả. Mồng 4 Tết, tôi có mặt ở nhà bà Kim. Biện bày mâm cỗ thết đãi khách xong, bà Kim xởi lởi: “Năm nay, việc tưới nước cho cây cà phê ở Lộc Ngãi đến sớm hơn năm trước, nên những ngày cận Tết Nguyên đán mọi người khá bận rộn. Tuy vậy, bà con vẫn cố gắng thu xếp công việc, dành thời gian làm những phong bánh khảo dâng lên bàn thờ tổ tiên. Bởi người Tày quan niệm, mâm cỗ thờ cúng tổ tiên ngày Tết nhất thiết phải có bánh khảo. Nhà nào không có bánh khảo, vì bất cứ lý do gì, thì coi như nhà đó không có Tết, chưa có Tết”.
 
Theo bà Kim, việc biện những chiếc bánh khảo lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên mình, ông bà mình. Chính vì tính quan trọng đó mà người Tày mặc nhiên thừa nhận bánh khảo là bánh Tết của dân tộc Tày. Bà Nguyễn Thị Tuyên, người hầu như Tết nào cũng tự tay làm bánh khảo, cho biết: “Trông bánh khảo giản dị vậy, chứ làm ra nó lại vô cùng cầu kỳ. Nếu tính cả quy trình, từ công đoạn đầu tiên đến khâu hoàn thiện, phải trải qua khoảng 10 bước: chọn gạo, rang gạo, xay bột, hạ thổ, giã đường, làm nhân, vò bột, vào khuôn, ra khuôn, gói bánh... Mỗi một bước trong quy trình tốn khá nhiều công sức và thời gian, vì bánh khảo có yêu cầu về độ tỉ mỉ, cầu kỳ rất cao”.
 
Vẫn lời bà Tuyên, người Tày còn dùng loại bánh này để làm quà biếu dịp Tết, cũng như thết đãi khách quý đến nhà chơi trong những ngày đầu Xuân. Bánh khảo của người Tày có thể để lâu tới vài tháng mà vẫn không thiu, không mốc. Do đó, bánh khảo còn được coi là lương thực khô của người Tày. Ra giêng, người Tày thường mang theo bánh này ăn chống đói, mỗi lần đi làm rẫy xa về nhà cơm nước không tiện. “Những cặp vợ chồng người Tày mới cưới, ngày Tết về thăm bên ngoại, đồ lễ ngoài cặp bánh chưng, con gà trống thiến, chai rượu, còn phải có gói bánh khảo mới được coi là đủ bộ”, bà Kim cho biết thêm. 
 
Thật may, khi tôi đến chơi Tết nhà bà Kim, con gái của bà Kim - chị Hoàng Thị Hảo - cũng vừa cùng chồng mới cưới về thăm nhà mẹ đẻ. Câu chuyện ngày đầu năm mới vì thế càng thêm rôm rả, tôi lại có thêm sự trải nghiệm phong tục đón Tết của người Tày. 
 
Bên tách trà nóng rẫy, bên những miếng bánh khảo do chính tay chị Hảo cắt, bên những câu chuyện yêu thương, mọi người cùng nhau thưởng thức bánh khảo, nhấp ngụm trà và nghe lòng ấm lại. Mùi ngọt thơm của bột gạo nếp rang, vị bùi của vừng, vị ngậy của đường phèn, vị thanh của vani... có trong bánh khảo quả thật đậm đà, khiến cho tôi chợt nhận ra tính cộng đồng trong mâm cỗ Tết của người Tày rất sâu đậm. Mùi vị béo ngậy, thơm bùi của từng miếng bánh khảo gợi ra trước mắt mọi người về hương sắc mùa Xuân, về tình đoàn kết cộng đồng, về niềm vui lao động... 
 
TRỊNH CHU