Ngôi nhà của những yêu thương

11:02, 27/02/2019

Ngay dưới chân đèo Prenn, ở xã Hiệp An - Ðức Trọng, trong một Cô nhi viện đã hoạt động gần 12 năm nay, có 47 em nhỏ sinh sống và lớn lên từ "ngôi nhà của những yêu thương" này.

Ngay dưới chân đèo Prenn, ở xã Hiệp An - Ðức Trọng, trong một Cô nhi viện đã hoạt động gần 12 năm nay, có 47 em nhỏ sinh sống và lớn lên từ “ngôi nhà của những yêu thương” này.
 
Trong Cô nhi viện Lục Hòa
Trong Cô nhi viện Lục Hòa

Mỗi hoàn cảnh - một cuộc đời
 
Có tới 47 em sinh sống nơi đây và mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong số đó không ít trẻ có chung một điều rất đáng thương: bị bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng mẹ.
 
Như bé H chẳng hạn. Ba tháng trước đây, một người dân địa phương trong lúc đi làm rẫy trên núi đã nghe tiếng khóc của một đứa trẻ. Đi lần đến, người này đã phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi trong tình trạng còn nguyên dây rốn. Cháu bé lập tức được bế về trụ sở UBND xã, những người trong xã sau đó đã đưa cháu đến nhờ Cô nhi viện Lục Hòa nuôi nấng. 
 
Bỏ rơi trên núi lâu, bé H hầu như khản tiếng, nhiễm lạnh, bị viêm phổi nặng. Cô nhi viện Lục Hòa đã đưa cháu đến bệnh viện, không quản ngại ngày đêm chăm sóc, đến nay giai đoạn khó khăn nhất đã qua, trên đôi má xanh xao đã có màu hồng và bụ bẫm, biết cất tiếng cười với mọi người. 
 
Trong cô nhi viện này, bên cạnh H còn có 2 em khác cũng bị người thân bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng đều được chăm từng miếng ăn, lo từng tấm áo, lời ru đêm về từ đôi bàn tay của các sư cô nơi đây.
 
“Là nhà tu thì đâu ngại gì chuyện khó nhưng sợ nhất là lúc các em nhỏ tuổi như thế bị bệnh, lúc đó mọi người ai cũng ăn không ngon, ngủ không yên, phải thay nhau đưa cháu đi bệnh viện, thức đêm chăm sóc các em và chỉ mong các cháu mạnh khỏe trở lại. Thà mình người lớn biết đường chịu cực chịu khổ chứ nhìn các em vậy không chịu được” - Sư cô Thích nữ Hạnh Lễ, người quản lý cô nhi viện chia sẻ.
 
Cũng có không ít những trường hợp các em đã đến tuổi nhận biết được mọi thứ, biết cha biết mẹ, biết người thân nhưng vì hoàn cảnh bất khả kháng phải vào đây tá túc. Như Nguyên Phước chẳng hạn, năm nay 14 tuổi, cha mẹ chia tay nhau cách đây 3 năm, mỗi người đi mỗi ngả, cháu không ai nuôi, người thân khó khăn, túng quẫn nên phải gửi cháu vào đây. Những ngày đầu vào, em luôn lặng lẽ ngồi một góc, rất lâu mới hòa nhập vào đời sống trong cô nhi viện. Đến nay Nguyên Phước đã biết chia sẻ công việc với mọi người, ngày ngày đi học, lúc rảnh cùng làm việc nhà, quét nhà, quét sân, nhặt rau, trông coi các em nhỏ tuổi hơn mình.
 
Đặc biệt, trong 47 trường hợp này, có 3 trường hợp là trẻ em người dân tộc thiểu số. Đó là 3 anh em ruột người K’Ho gồm K’Thế và K’Trần đều 4 tuổi, em gái K’Doan 3 tuổi, người ở Đức Trọng. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi, cả 3 em được bà ngoại cưu mang nhưng nhà ngoại nghèo, bà lại lớn tuổi không đủ sức chăm sóc các cháu nên gửi vào đây. 
 
Những ngày đầu mới đến, cả 3 anh em còn rụt rè, nhưng đến nay đã nói tiếng Kinh rất sõi, biết hát biết múa, cả ngày chạy nhảy khắp nơi và đang chờ ngày đến tuổi đi học. Thỉnh thoảng 3 em lại được bà ngoại đến thăm, ở lại với cháu cả ngày. 
 
“Thì các cháu cũng như mọi thành viên nơi đây, được chăm sóc, yêu thương, được sự dạy dỗ tận tình, cùng sinh hoạt chung với nhau như người một nhà” - Sư cô Hạnh Lễ cho biết.
 
Ðược học hành đến nơi
 
Cô nhi viện Lục Hòa cách thành phố Đà Lạt chỉ chừng 15 km, nằm trên một ngọn đồi cao của xã Hiệp An (Đức Trọng) có quang cảnh bao quanh rất đẹp, giữa một vùng xóm làng thanh bình với các vườn rau hoa, cà phê, sau lưng là dãy núi Voi cao với những vạt rừng thông xanh ngắt.
 
Nơi đây, từ năm 2006, sư cô Thích nữ Tâm Hạnh đã đứng ra lập một cơ sở nuôi trẻ mồ côi hay còn gọi là Cô nhi viện Lục Hòa với mong ước giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh quanh mình. Ban đầu Cô nhi viện Lục Hòa chỉ là một mái ấm nhỏ cho khoảng 10 em bé mồ côi quanh vùng, nhưng cho đến nay đã mở rộng cửa đón  47 trường hợp và có 7 nữ tu hàng ngày đứng ra chăm sóc.
 
Sở dĩ cô nhi viện này mang tên Lục Hòa là vì theo sư cô Tâm Hạnh, trong giáo lý đạo Phật, “Lục” là 6, “Hòa” là hòa thuận, vui vẻ với nhau trong mọi công việc của cuộc sống. Lục Hòa là sáu phương pháp thể hiện nhân cách sống của một con người có đạo đức, đem lại sự hòa thuận, yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ chia sẻ cho nhau, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm trong cuộc sống.
 
Cô nhi viện Lục Hòa được duy trì chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của những nhà hảo tâm, từ thiện trong vùng, trong và ngoài tỉnh. Với các ni sư quan niệm rằng của ít lòng nhiều, bất cứ sự đóng góp nào cho cô nhi viện cũng đều quí giá, có người tặng rau, có người tặng gạo, tặng sách vở. Hàng ngày, các sư cô bên cạnh việc chăm sóc các em còn dành thời gian để làm một mảnh vườn rau xanh tự trồng rất nhiều các loại rau để cung cấp cho cô nhi viện trong các bữa ăn hằng ngày. 
 
Theo sư cô Hạnh Lễ, dù nguồn lực có hạn, số lượng các em khá đông, phải cố gắng rất nhiều để duy trì cuộc sống và sinh hoạt cho các em nơi đây, nhưng trước những hoàn cảnh đáng thương cô nhi viện vẫn luôn mở cửa. Như trong năm 2018, số lượng các bé được nhận vào đây đông hơn so với năm trước và năm nay có đến 7 em vào lớp 1; toàn bộ các em còn lại cũng cắp sách đến trường, một số em lớn hơn đã vào đại học và cao đẳng trong nước.
 
“Cô nhi viện đang làm hết sức để các em thực sự có một mái ấm gia đình, được học hành đàng hoàng để sau này trở thành một công dân tốt của xã hội” - sư cô Hạnh Lễ khẳng định.
 
GK - PT