Nhà giáo Lâm Đồng đổi mới, sáng tạo trong dạy và học

09:02, 15/02/2019

Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" được các Công đoàn cơ sở (CĐCS) ngành Giáo dục triển khai nhằm động viên và tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo tự học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp. Từ đó đáp ứng yêu cầu giảng dạy, thực hiện tốt dân chủ, kỷ cương, nề nếp, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. 

Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được các Công đoàn cơ sở (CĐCS) ngành Giáo dục triển khai nhằm động viên và tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo tự học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp. Từ đó đáp ứng yêu cầu giảng dạy, thực hiện tốt dân chủ, kỷ cương, nề nếp, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh. 
 
Đội ngũ nhà giáo nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy”. Ảnh: V.H
Đội ngũ nhà giáo nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy”. Ảnh: V.H
Ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục (CĐGD) tỉnh Lâm Đồng cho hay: Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được thực hiện gắn liền với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do CĐGD Việt Nam phát động. Đối với Lâm Đồng, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động và 2 năm triển khai phong trào thi đua đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CB, NG, NLĐ) trong ngành đều tích cực tự học, tự hoàn chỉnh mình, hoàn thành chương trình cao đẳng, đại học, trên đại học với nhiều hình thức học tập. Qua Cuộc vận động, nhiều giáo viên đã học tập và làm theo đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác, tích cực tham gia các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn trong ngành, nâng cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp.  
 
“Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn, quán triệt và thực hiện từng bước có hiệu quả như tuyên truyền, tổ chức đăng ký thi đua, đăng ký thành lập tổ, nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” ở các tổ chuyên môn trong các đơn vị, trường học. Qua đó nhằm động viên, chia sẻ để đội ngũ NG  giúp nhau thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, sáng tạo, đổi mới nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”. Kết quả, có 617 đơn vị thành lập tổ, nhóm NG giúp nhau cùng phát triển, hơn 12.000 cá nhân và gần 3.000 nhóm đăng ký thực hiện có hiệu quả. Tiêu biểu như CĐCS trường THPT: Bùi Thị Xuân, Huỳnh Thúc Kháng, Chuyên Thăng Long, Xuân Trường, Tây Sơn, Chi Lăng, Trần Phú, Đống Đa, Đức Trọng, Lương Thế Vinh, Lâm Hà, Chu Văn An, Chuyên Bảo Lộc...; CĐCS các trường học thuộc Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố: Đà Lạt, Di Linh, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Đạ Huoai, Bảo Lộc, Đam Rông, Cát Tiên...
 
Đồng thời, nhiều sáng kiến kinh nghiệm, sáng kiến cải tiến sư phạm, phong trào làm và sử dụng đồ dùng dạy học tiếp tục được phát huy và được nhiều CB, NG, NLĐ đăng ký tham gia hưởng ứng. 10 năm qua, toàn ngành có hơn 55.000 giải pháp hữu ích, sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại khá trở lên. 
 
Cùng với đó, nhiều NG có kế hoạch tự học và ý chí vươn lên rèn luyện kỹ năng, phương pháp tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ và nghệ thuật sư phạm. Trong giai đoạn 2013 - 2018, CĐGD các cấp đã phối hợp với chuyên môn bố trí sắp xếp và tạo điều kiện thuận lợi cho CB, NG, NLĐ  được học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; khuyến khích đoàn viên tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và đẩy mạnh học tập đạt chuẩn và vượt chuẩn đào tạo. Trong 10 năm, đã có gần 30.000 lượt NG, NLĐ được học tập, nâng cao trình độ và có gần 2.000 NG  tham gia học vượt chuẩn đào tạo.  
 
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh. Một số giáo viên đã xây dựng riêng trang web, facebook... được dùng để chia sẻ các kinh nghiệm giảng dạy, các bài giảng điện tử nhằm nâng cao tay nghề, đổi mới phương pháp dạy học. Các đơn vị trường học đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ thiết kế giáo án điện tử, bài giảng E-learning; tập huấn sử dụng phần mềm VNPT school; tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi trên mạng như thi Olympic Tiếng Anh (IOE), giải Vật lý trên mạng, thi giải toán trên Internet (Violympic), thi Tin học Văn phòng Quốc tế, thi Olympic đạt kết quả cao...
 
“Hiện nay, hầu hết giáo viên đã ứng dụng CNTT trong việc soạn giảng và các hoạt động phục vụ chuyên môn. Sự sáng tạo của giáo viên là biết ứng dụng CNTT và các thiết bị hiện đại làm thay đổi phương pháp dạy học, từ đó chất lượng và hiệu quả dạy học được cải thiện, trình độ nhận thức và kỹ năng thực hành của học sinh được nâng lên. Tiêu biểu như Trường THPT Chuyên Thăng Long từ  năm 2010 đến năm 2018 có 189 học sinh giỏi quốc gia, 82 giải Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh, 27 giải cấp Quốc gia và 1 giải Quốc tế; THPT Chuyên Bảo Lộc từ năm 2012 đến năm 2018 có 793 học sinh giỏi (văn hóa, hùng biện, IOE, Tin học Trẻ, Tin học VP, Violympic) cấp tỉnh, 176 cấp khu vực, 55 cấp quốc gia, 1 giải quốc tế... Việc đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động dạy học và quản lý giáo dục nhằm góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, Chủ tịch CĐGD tỉnh Lâm Đồng Ngô Văn Sơn cho biết thêm. 
 
VIỆT HÙNG