Bằng những việc làm giản dị, cụ thể trong xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu; họ là những gương sáng đời thường, góp phần xây dựng quê hương Đam Rông ngày càng phát triển và đổi mới.
Bằng những việc làm giản dị, cụ thể trong xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu; họ là những gương sáng đời thường, góp phần xây dựng quê hương Đam Rông ngày càng phát triển và đổi mới.
|
Bà con Đam Rông hòa vào khí thế xây dựng quê hương. Ảnh: V.Tâm |
Gần 15 năm thành lập huyện Đam Rông cũng là chừng đó thời gian ông K’ Bàng, ở thôn Bob Lé, xã Phi Liêng gắn bó với vai trò Ban công tác Mặt trận thôn. Mười lăm năm là quãng thời gian chưa dài so với một đời người, nhưng với ông, qua chừng đó thời gian đã làm cho ông biết từng ngõ ngách, nắm trong lòng bàn tay từng hộ khá giả, nghèo đói hay khó khăn. Ông cho rằng, để nắm bắt được tâm tư của từng hộ dân phải đi từng ngõ, gõ từng nhà động viên Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động con cháu đến lớp học cái chữ, thanh niên trong thôn chạy xe máy phải đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trong thôn. Mỗi gia đình phải thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình để làm cho cuộc sống ngày càng ấm no hơn. Trước đây, các phong tục tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi ở thôn Bob Lé vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng kinh tế gia đình, môi trường ở địa phương. Với cương vị là cán bộ mặt trận thôn, ông phải thường xuyên đến từng nhà động viên bà con không thách cưới, người mất không để lâu trong gia đình. Thôn Đạ Sơn, xã Đạ K’Nàng có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của Nhân dân đến thời điểm này đã khá hơn trước nhưng vẫn còn khó khăn. Thế nhưng từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã tích cực hiến đất, cây trồng, công lao động để xây dựng các công trình dân sinh. Riêng trong năm 2018, từ khi khởi công tuyến đường 200 vượt sông Đạ K’Nàng qua xã Phi Liêng và đường vào thác Nếp, Nhân dân đã hiến được 1ha đất canh tác cây cà phê và đóng góp ngày công để làm đường bê tông nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Ngoài ra, người dân còn đóng góp được hàng chục triệu đồng để lắp đặt điện thắp sáng tại các tuyến đường trong thôn. Có được kết quả đó, có một phần đóng góp không nhỏ của ông K’Yang, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đạ Sơn trong việc tuyên truyền Nhân dân tích cực thực hiện.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) huyện Đam Rông; những năm trở lại đây, triển khai phong trào thi đua gương người tốt, việc tốt đã có hàng trăm mô hình dân vận khéo tiêu biểu tại các khu dân cư, thôn xóm trên địa bàn huyện Đam Rông. Trong đó, nổi bật có các mô hình sáng - xanh - sạch đẹp tại thôn Liên Hương, xã Đạ R’sal và thôn Đạ K’nàng, xã Đạ K’nàng; mô hình xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu tại xã Đạ M’rông; các mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng tại các địa phương trên địa bàn huyện; mô hình tiếng kẻng an ninh, bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các thôn có tình hình an ninh trật tự phức tạp đã phát huy hiệu quả... Ghi nhận về những đóng góp của các tổ chức, cá nhân, vừa qua, UBMTTQVN huyện Đam Rông đã biểu dương, khen thưởng 20 gương người tốt, việc tốt tiêu biểu trong hội nghị tổng kết công tác mặt trận. Đây là việc làm thiết thực, kịp thời nhằm động viên tinh thần của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp để xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Quốc Hương, UVBTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đam Rông, chia sẻ: “Về việc tổ chức phát động các phong trào thi đua trong năm 2018, chúng tôi đã tập trung vào hai nội dung lớn. Đó là xây dựng các mô hình ở khu dân cư và trên cơ sở xây dựng các mô hình ở khu dân cư để lựa chọn các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các tầng lớp nhân dân để tôn vinh 88 gương điển hình này”.
Những tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình dân vận khéo được xây dựng tại địa bàn dân cư đã và đang góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, từng bước đưa huyện Đam Rông giảm nghèo nhanh và bền vững.
VĂN TÂM