Thị trấn yên bình giữa ngàn khơi

09:02, 28/02/2019

Có một nơi bình yên như thế. Mặc cho nắng gió khắc nghiệt, mặc cho sóng biển gào thét… bầu trời ở đây vẫn xanh và những con người ở đây vẫn lạc quan, yêu đời. Thị trấn của những con người ngày đêm bám biển khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam. 
 

Có một nơi bình yên như thế. Mặc cho nắng gió khắc nghiệt, mặc cho sóng biển gào thét… bầu trời ở đây vẫn xanh và những con người ở đây vẫn lạc quan, yêu đời. Thị trấn của những con người ngày đêm bám biển khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam. 
 
Thời gian vui chơi của con trẻ trên đảo Trường Sa. Ảnh: Đ.T
Thời gian vui chơi của con trẻ trên đảo Trường Sa. Ảnh: Đ.T

Từ cảng Cam Ranh, vượt hành trình gần 300 hải lý, chúng tôi đến với thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) - khi không khí đón xuân đang rộn ràng khắp các nẻo đường. Giữa cái nắng chói chang, tại một góc của hòn đảo xinh đẹp này là những ngôi làng vốn bình dị như bao ngôi làng ven biển khác trên dải đất hình chữ S. 
 
Thị trấn bình yên với những ngôi nhà rất đỗi giản dị. Ở một ngôi làng mà điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình không quá chênh lệch, sống trong những ngôi nhà không quá khác biệt và ngoài tình làng nghĩa xóm, bao đời nay họ cùng các chiến sĩ nơi đây vẫn hàng ngày bám biển, giữ đảo. 
 
Ông Trần Văn Quyển - Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Bao đời nay người dân thị trấn Trường Sa luôn bám biển, giữ đảo để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Họ tích cực lao động sản xuất, sống có tình làng nghĩa xóm, phát huy những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
 
Hàng ngày, những người đàn ông vẫn ra khơi theo nghề chài lưới, còn những người phụ nữ ở nhà cần mẫn vá lưới và trồng rau, nuôi lợn. Khi nắng chiều vụt tắt, họ lại thong dong đạp xe chở những đứa nhỏ dạo trên những con đường rợp bóng cây để tận hưởng làn gió biển mặn mòi. Cuộc sống ở đây cứ thế trôi đi từ ngày này qua ngày khác, không ồn ào, vội vã… Anh Lâm Ngọc Vinh (36 tuổi) ở thị trấn Trường Sa cho biết: Sống ở thị trấn Trường Sa là một vinh dự lớn lao của con dân đất Việt. Bản thân tôi rất tự hào về điều đó, chính vì vậy hằng ngày, hằng giờ chúng tôi cố gắng lao động sản xuất để ổn định kinh tế gia đình, góp một phần nhỏ công sức để khẳng định chủ quyền biển, đảo của nước ta. 
 
Những đứa trẻ lớn lên ở Trường Sa, hồn nhiên và mạnh mẽ như những cơn sóng biển. Hàng ngày được đến trường vui chơi, học tập và được trang bị những kỹ năng để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió. Lớp học ở đảo Trường Sa rất đặc biệt, từ những em bé mầm non 3 tuổi cho đến cô cậu học sinh lớp 4, lớp 5 đều được học chung một lớp. Đây là năm đầu tiên thầy giáo Bằng Hữu Tình tình nguyện đến đảo Trường Sa công tác. Với thầy việc được “gieo chữ” ở nơi đầu sóng ngọn gió vừa là niềm vinh dự, vừa là một trách nhiệm vô cùng nặng nề. Hiểu rõ được sứ mệnh của mình, người thầy giáo trẻ này đang dành tất cả những gì tốt nhất cho công việc ươm mầm tri thức ở đảo Trường Sa. 
 
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên chất lượng cuộc sống của người dân thị trấn Trường Sa không ngừng được cải thiện. Máy lọc nước biển được đầu tư khiến câu chuyện thiếu nước ngọt giờ đây không còn là nỗi lo quá lớn đối với những cư dân trên đảo. Điện cũng đã về đến từng nhà nhờ hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời khiến vùng quê này như “bừng sáng”. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, cán bô,̣ chiến sĩ trên đảo, nên trong những năm qua, thị trấn Trường Sa được đầu tư đồng bộ nhiều thiết bị y tế hiện đại chẳng thua gì đất liền.  Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho cư dân và cán bô,̣ chiến sĩ trên đảo, nơi đây còn trở thành “điểm tựa” của những ngư dân đi biển. Không ít trường hợp ngư dân gặp hiểm nguy đã được cứu sống kịp thời nhờ các thiết bị chuyên dụng hiện đại với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa có tay nghề cao tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. 
 
Cũng giống như bao ngôi làng khác trên đất Việt, trên hòn đảo xinh đẹp này có một ngôi chùa linh thiêng. Chùa Trường Sa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cư dân cũng như cán bô,̣ chiến sĩ trên đảo. Thầy Thích Tâm Tánh - Trụ trì chùa Trường Sa cho biết: Ngôi chùa chính là điểm tựa tinh thần, là chốn tâm linh mà mọi người tìm đến để cầu mong sự chở che, cầu mong sóng yên, biển lặng, cầu mong hòa bình, an yên. Không chỉ có vậy sự hiện hữu ngôi chùa này như “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền không thể chối cãi ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc. 
 
Đảo Trường Sa hôm nay được phủ kín bởi màu xanh từ những tán cây bàng vuông, cây tra, cây phong ba, bão táp. Những loài cây này không chỉ giúp người dân ở đây chắn gió, chắn bão mà còn như là biểu tượng về khát vọng vươn lên mãnh liệt để chiến thắng sóng gió, hiểm nguy. 
 
Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đẹp đẽ, bình dị nhưng cũng đầy sức sống tại nơi cách đất liền hàng trăm hải lý, với chúng tôi Trường Sa luôn rất gần, rất thân thuộc như bao làng quê khác của Việt Nam. Nơi ấy, hàng ngày vẫn có tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng học bài ê a, tiếng gà gáy ban trưa… Những âm thanh đó hòa cùng với tiếng sóng biển rì rào gợi cho ta khung cảnh về một làng quê bình yên!
 
ÐỨC TÚ