Mặc dù hàng năm diện tích rừng trồng mới không phải nhỏ, song tốc độ tàn phá rừng và lấn chiếm đất rừng lại lớn hơn nhiều. Theo đó, Nghị quyết đề ra về tăng độ che phủ rừng của Đức Trọng chắc chắn sẽ không đạt trong khi chỉ còn gần nửa nhiệm kỳ nữa để thực hiện.
Mặc dù hàng năm diện tích rừng trồng mới không phải nhỏ, song tốc độ tàn phá rừng và lấn chiếm đất rừng lại lớn hơn nhiều. Theo đó, Nghị quyết đề ra về tăng độ che phủ rừng của Đức Trọng chắc chắn sẽ không đạt trong khi chỉ còn gần nửa nhiệm kỳ nữa để thực hiện.
|
Nhiều diện tích rừng giao cho các doanh nghiệp bị người dân lấn chiếm |
Nhiều diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, trong thời gian qua, tình trạng phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép còn xảy ra; đặc biệt là tại các doanh nghiệp thuê đất để triển khai dự án. Việc triển khai kế hoạch trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện trồng xen cây rừng trong những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, nên tỷ lệ độ che phủ rừng có tăng nhưng rất chậm, nhiều khả năng không đảm bảo tiến độ theo nghị quyết đã đề ra. Một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án còn buông lỏng trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, để rừng bị tàn phá, khai thác trái phép và lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp, chế tài để xử lý các doanh nghiệp khi để rừng bị phá thuộc dự án đầu tư của mình.
Qua rà soát, thống kê, diện tích đất trống đảm bảo các tiêu chí để thực hiện công tác trồng rừng tập trung của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn Đức Trọng hầu như rất ít. Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014, diện tích còn lại khá manh mún, nhỏ lẻ, không đủ để thiết kế trồng rừng. Tính đến nay, hạng mục trồng rừng tập trung, rừng vành đai chỉ thực hiện được 11,45 ha/500 ha, tương đương 2,29% và chỉ thực hiện được trên những diện tích đất trống nhỏ lẻ giáp với nương rẫy. Riêng thực hiện trên diện tích nương rẫy giáp với rừng không được sự đồng thuận của người dân.
Đối với hạng mục trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích bị lấn chiếm: Hiện nay đã hết mùa trồng rừng, tuy nhiên kết quả trồng xen cây lâm nghiệp chưa đạt yêu cầu. Theo tổng hợp của các đơn vị chủ rừng, đến nay diện tích đã vận động và cam kết thực hiện chỉ đạt gần 955/3.000 ha chỉ tiêu được giao, đạt 31,82% kế hoạch. Trong đó, các xã Ninh Gia, Phú Hội, Liên Hiệp, Hiệp An, Hiệp Thạnh, Đa Quyn… tiến độ triển khai rất chậm.
Các đơn vị chủ rừng vẫn chưa củng cố, thiết lập hồ sơ chặt chẽ trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp. Công tác giải tỏa, thu hồi lại đất vẫn chưa được xử lý kiên quyết, hầu hết những diện tích giải tỏa đến nay đã bị tái lấn chiếm. Vì vậy, những hồ sơ thiết kế phương án trồng rừng sau giải tỏa do các đơn vị thực hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định, phê duyệt.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc của chính quyền địa phương chưa được thường xuyên và cương quyết dẫn đến tình trạng một số hộ nhận cây nhưng không tiến hành trồng. Có trường hợp nhận cây về trồng không đúng vị trí do đơn vị chủ rừng thiết kế, mà chủ yếu trồng trên diện tích mới lấn chiếm. Ngoài ra, đối với những trường hợp đã vận động, cam kết nhưng không thực hiện trồng xen của năm 2016, 2017, hiện nay vẫn chỉ mang tính răn đe, chưa có chế tài xử lý cứng rắn. Dù đã tuyên truyền, vận động trong năm 2018 nhưng những trường hợp này vẫn có thái độ chây lỳ, không chấp hành chủ trương.
Hiện nay, Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và san ủi mặt bằng để kịp thời chỉ đạo xử lý. Đồng thời, tập trung tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng và phát triển rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán hàng năm.
Khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra
Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ độ che phủ rừng thấp như: Các chủ rừng chưa củng cố, thiết lập hồ sơ chặt chẽ trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm; công tác giải tỏa thu hồi đất lấn chiếm chưa kiên quyết dẫn đến tình trạng bị tái lấn chiếm; công tác trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích bị lấn chiếm chưa đảm bảo, triển khai chuẩn bị hiện trường trồng rừng còn chậm, tỉ lệ trồng, tỷ lệ cây sống chưa đạt so với kế hoạch; một số hộ dân không chấp hành chủ trương trồng xen cây rừng, chủ yếu trồng bờ lô, bờ thửa nên ảnh hưởng đến mục đích nâng cao độ che phủ; số diện tích đã trồng nhưng chưa đủ thời gian để tính độ che phủ (từ 4 - 5 năm kể từ thời điểm trồng)…
Kết quả, đến nay, Đức Trọng đã trồng mới được 755,31 ha rừng, trồng xen diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là 2.700 ha; trồng xen trên 97 ha đất lâm nghiệp và trồng rừng vành đai 5,7 ha (riêng trong năm 2018, kế hoạch trồng rừng vành đai là 500 ha, trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích bị lấn chiếm là 3.000 ha).
Theo đó, qua nửa nhiệm kỳ, tỷ lệ che phủ rừng của Đức Trọng đạt 31,2%, đầu nhiệm kỳ là 30,7%, tăng 0,5% trong vòng 3 năm (Nghị quyết đề ra là 42%). Như vậy, trong thời gian còn lại, huyện Đức Trọng phải nỗ lực nâng độ che phủ rừng tăng thêm hơn 10% (tương đương với hơn 10.000 ha rừng) mới đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Điều này được nhìn nhận là rất khó đạt kết quả. Mặc dù vậy, theo lãnh đạo huyện Đức Trọng, trong thời gian tới, huyện sẽ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên và chăm sóc rừng trồng hiện có với diện tích 28.272 ha; tiếp tục trồng rừng tập trung trên diện tích đất trống không có cây tái sinh 978 ha; thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh hoặc trồng bổ sung đối với diện tích 703 ha đất trống có cây tái sinh nhằm nâng cao chất lượng rừng, đảm bảo thành rừng và có độ che phủ rừng. Trong những năm 2019, 2020, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng rừng và trồng xen cây lâm nghiệp với diện tích 2.229,04 ha làm tiền đề cho nhiệm kỳ tiếp theo độ che phủ đạt 42%.
PHONG VÂN - HÀ THANH