Chỉ sau hơn 3 tháng hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của Trung tâm đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi phương thức làm việc, tạo thêm động lực cho đội ngũ công chức, viên chức, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Nhân dịp đầu xuân 2019, bà Phạm Thị Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng đã dành thời gian chia sẻ với Báo Lâm Đồng về những thay đổi đáng chú ý trong 3 tháng đầu Trung tâm đi vào hoạt động.
PV: Thưa bà, người dân và doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính (TTHC) có thể cảm nhận Trung tâm Phục vụ hành chính công hoạt động có điểm gì mới so với mô hình một cửa của các sở, ban, ngành trước đây?
|
Bà Phạm Thị Minh Hiền |
Bà Phạm Thị Minh Hiền: Qua 3 tháng Trung tâm đi vào hoạt động, từ kết quả bước đầu có thể khẳng định ngay sau thời gian ngắn hoạt động, mô hình Trung tâm thể hiện được tính ưu việt, vượt trội so với mô hình một cửa tại các sở, ban, ngành trước đây. Hiệu quả là mức độ hài lòng của người dân, tổ chức từng bước được nâng lên rõ rệt.
Tôi ví dụ, trước tháng 9/2018, vẫn còn tình trạng một số đơn vị sở, ban, ngành chậm xây dựng quy trình công bố, công khai bộ TTHC mặc dù văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực. Do đó dẫn tới tình trạng Bộ phận một cửa phải nhận hồ sơ giấy của người dân và tổ chức vì không có quy trình điện tử trên hệ thống để tiếp nhận hồ sơ.
Chính vì vậy, trong 9 tháng đầu năm 2018, có 30.664 hồ sơ trễ hạn của 17 đơn vị sở, ban, ngành và chiếm tỷ tệ 25,98%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hồ sơ trễ hạn cao do cán bộ, công chức chưa thực hiện đúng quy trình liên thông; cán bộ, công chức vẫn kiêm nhiệm việc, vừa xử lý hồ sơ trên hệ thống và trên giấy; hệ thống bị lỗi, đường truyền không ổn định bị mất điện đột ngột;... Đặc biệt có 4 đơn vị không sử dụng hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tiếp nhận xử lý hồ sơ.
Trong khi đó, từ khi Trung tâm đi vào hoạt động, chúng tôi đã áp dụng Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến do Sở TT&TT tỉnh cung cấp để triển khai đồng bộ cho toàn tỉnh đã giúp tin học hóa quy trình giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên toàn tỉnh. Người dân có thể thực hiện cùng lúc TTHC với nhiều sở, ngành; lựa chọn được việc nhận kết quả một lần nhiều TTHC trực tiếp tại trung tâm hoặc nhận tại nhà qua dịch vụ bưu chính; giúp tiết giảm đáng kể về thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Về quy trình giải quyết hồ sơ TTHC luôn được công khai, minh bạch. Từ giải quyết đến trả kết quả qua 3 kênh giám sát cơ bản: Giám sát của doanh nghiệp, người dân (công khai kết quả giải quyết TTHC trên cổng một cửa điện tử); giám sát của các sở, ban, ngành (qua phối hợp) và công chức làm việc tại Trung tâm giám sát lẫn nhau.
Riêng về các tổ chức, công dân đến giao dịch về thủ tục hành chính đều được tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo, thân thiện. Việc nhận kết quả hồ sơ kịp thời, đúng hẹn, công khai, minh bạch và được giám sát việc thực hiện theo đúng quy trình giải quyết TTHC. Giảm đáng kể tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn so với 9 tháng đầu năm 2018.
PV: Như vậy, các chỉ số giải quyết TTHC trên địa bàn đã có sự thay đổi rõ nét?
Lấy sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân làm thước đo đánh giá
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/10/2018. Trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng đặt tại tầng một, tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh và được bố trí giao dịch 21 lĩnh vực, cùng hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với công chức thực hiện thủ tục hành chính.
Về nguyên tắc, Trung tâm là đầu mối thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Đặc biệt, Trung tâm lấy sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân làm thước đo đánh giá kết quả tổ chức hoạt động và kết quả thực thi công vụ của công chức, viên chức. Đảm bảo giải quyết TTHC theo phương châm “Tận tình - Chính xác - Kịp thời”.
|
Bà Phạm Thị Minh Hiền: Kết quả hoạt động của Trung tâm có nhiều chỉ số CCHC rất khả quan. Sau 3 tháng đi vào hoạt động, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm đã có sự thay đổi tích cực, rõ nét, nổi bật là tỷ lệ giải quyết quá hạn trên hệ thống một cửa đã giảm 16,11% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Tính từ ngày 1/10/2018 đến 31/12/2018, Trung tâm đã thực hiện tiếp nhận mới 37. 535 hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử. Tổng số hồ sơ đã giải quyết là 38.221 hồ sơ, trong đó: giải quyết trước hạn là 30.098 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 78,75%); giải quyết đúng hạn là 4.349 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 11,38%); giải quyết quá hạn là 3.774 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 9,87%).
Ngoài ra, mặc dù chưa được trang bị phần mềm để kết nối dữ liệu giữa Trung ương và địa phương nhưng Trung tâm đã kịp thời theo dõi, tổng hợp, báo cáo số liệu tiếp nhận và giải quyết TTHC của các đơn vị sử dụng phần mềm nghiệp vụ.
Tổng số hồ sơ tiếp nhận mới từ ngày 1/10/2018 đến ngày 31/12/2018 là 41.294 hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã giải quyết là 42.959 hồ sơ, trong đó: giải quyết đúng hạn là 7.996 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 18,61%); giải quyết trước hạn là 31.133 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 72,47%); giải quyết quá hạn là 3.830 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 8,9%).
Điều quan trọng nhất là người dân và tổ chức tới liên hệ công việc đều có đánh giá rất tích cực, hài lòng và chúng tôi coi đây là thước đo chính thể hiện hiệu quả hoạt động của Trung tâm theo đúng tinh thần của Nghị định 61/2018/NĐ-CP.
PV: Ngoài kết quả đáng khích lệ, sau 3 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm gặp phải khó khăn, hạn chế ra sao?
Bà Phạm Thị Minh Hiền: Khó khăn và hạn chế còn khá nhiều. Trước hết, về hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến chưa được các sở, ban, ngành áp dụng đồng bộ và khai thác hết chức năng của hệ thống. Như Thanh tra tỉnh, Ban Dân tộc, do một số đặc thù tiếp nhận hồ sơ nên chưa sử dụng hệ thống hay như Sở Nội vụ sử dụng hệ thống còn hạn chế và một số đơn vị chưa triển khai hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị trực thuộc.
Vẫn còn tình trạng các đơn vị chuyển hồ sơ điện tử và hồ sơ giấy chưa đồng bộ dẫn tới tồn tại một lượng hồ sơ trễ hạn ảo trên hệ thống và tình trạng trễ hạn hồ sơ do thao tác chậm trên hệ thống.
Hiện tại, hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến chưa kết nối, chưa chia sẻ thông tin với 5 hệ thống đang vận hành tại Trung tâm: hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung (lltp.moj.gov.vn), cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn), hệ thống quản lý giấy phép lái xe (máy chủ đặt tại Sở Giao thông Vận tải), hệ thống đầu tư quốc gia nước ngoài, hệ thống việc làm lao động; công tác bàn giao hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả thực hiện chưa nghiêm túc;...
Ngoài ra, do Trung tâm mới đi vào hoạt động nên chưa cung cấp được các dịch vụ hỗ trợ cần thiết về pháp lý, thanh toán phí, lệ phí, nộp thuế, phiên dịch tiếng nước ngoài, sao chụp, in ấn tài liệu trong khi tổ chức và người dân đến làm việc tại Trung tâm thực sự có nhu cầu. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 vẫn ở mức thấp so với yêu cầu.
|
Người dân tới làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công Lâm Đồng. Ảnh: C.Thành |
PV: Mục tiêu, nhiệm vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công thời gian tới là gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Minh Hiền: Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chính trong thời gian tới để Trung tâm hoạt động đạt hiệu quả cao hơn nữa. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách TTHC; giảm thiểu tỷ lệ hồ sơ giấy; nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC, tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết hồ sơ TTHC; Tăng tỷ lệ hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 được xử lý trực tuyến với mục tiêu tiếp tục tăng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đến thực hiện TTHC tại Trung tâm...
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, chúng tôi đang đề xuất UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo xây dựng phương án bố trí quầy giao dịch cho các đơn vị thuộc ngành dọc như Thuế, Bảo hiểm xã hội, Công an, Ngân hàng,... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức đến giao dịch tại Trung tâm. Đồng thời, mong muốn các sở, ban, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
PV: Xin cám ơn bà!
CHÍNH THÀNH (thực hiện)