Gặp ông khi xuân về, người đàn ông vừa tròn "lục thập hoa giáp" (60 tuổi) đang sẵn sàng cho những chuyến lên đường vào buôn người Mạ. Ông Ngô Ðình Hiếu, Việt kiều Mỹ nhưng đang sinh sống và làm việc ở xứ trà B'Lao tự nhận "Tôi yêu B' Lao và đam mê nghiên cứu về người Châu Mạ".
Gặp ông khi xuân về, người đàn ông vừa tròn “lục thập hoa giáp” (60 tuổi) đang sẵn sàng cho những chuyến lên đường vào buôn người Mạ. Ông Ngô Ðình Hiếu, Việt kiều Mỹ nhưng đang sinh sống và làm việc ở xứ trà B’Lao tự nhận “Tôi yêu B’ Lao và đam mê nghiên cứu về người Châu Mạ”.
|
Ông Ngô Đình Hiếu vẫn mong mỏi những chuyến đi tìm hiểu văn hóa của đồng bào Châu Mạ |
Sinh năm 1949, sang Mỹ định cư năm 1981, hầu hết tuổi thanh xuân ở Huế, ông Hiếu bảo trước đó chỉ biết B’Lao qua bài viết của những nhà thơ, nhạc sỹ, những bức ảnh sương khói và những ngọn trà búp thơm ngát trong chén trà sớm. Định cư ở Florida, năm 2000, một người bạn ngỏ ý mời ông về Tâm Châu làm việc và ông nhận lời, nhận lời vì lòng nhớ quê xa, nhận lời như một cuộc khám phá vùng đất mới. Và ông đã gắn chặt với đất Bảo Lộc như một định mệnh.
Làm công tác phụ trách về văn hóa dân tộc của Công ty trà Tâm Châu, ông Hiếu có dịp đi đây đó khắp vùng đất Bảo Lộc, Bảo Lâm. Và trong những chuyến đi tìm hiểu về văn hóa trà, ông tình cờ phát hiện ra đam mê của mình: văn hóa của người Châu Mạ bản địa. Nhưng ngôi nhà dài cũ kỹ, những bài ca dài dằng dặc trong đêm lạnh, những ché, chiêng, bát ăn cơm, gùi đựng cá, dĩa bắt cá, cây ná bắn chim…thu hút ông và ông Hiếu bước vào cuộc chạy đua với thời gian. Chạy đua để sưu tầm những hiện vật cổ, cũ của người Châu Mạ, chạy đua với thời gian để ghi lại những bài hát cổ từ người già, chạy đua với thời gian để ghi lại, lưu lại những phong tục, tập quán của một trong những sắc dân chủ nhân của vùng Nam Tây Nguyên.
Ông Hiếu kể, có những chuyến điền dã ông lặn lội cả tháng trời ở những buôn Châu Mạ xa nhất. Cùng ăn, cùng ở, cùng uống rượu từ một cần trúc, ông có được lòng tin, sự quý mến của bà con. Và ông sưu tầm được rất nhiều hiện vật của một đời sống Châu Mạ giản dị, gắn bó với thiên nhiên, với núi rừng. Sau 10 năm lặn lội ở những buôn làng khắp Nam Tây Nguyên, ông Hiếu đã sưu tầm được trên 1.000 hiện vật của người Châu Mạ bản địa. Và, số hiện vật ấy đã được trưng bày, sống lại đời sống của mình tại Làng Văn hóa dân tộc Châu Mạ nằm trong khuôn viên Khu Du lịch thác ĐamBri. Trong căn nhà dài gần 40 m được phục dựng đúng như căn nhà dài truyền thống của người Châu Mạ, những hiện vật được sắp xếp đúng với vị trí, đặc điểm khi nó được ra đời. Cây cung trên vách, cái xà gạt góc nhà, bếp lửa trên sàn, cái ché cái chiêng được đặt ở nơi trang trọng nhất… Khách tới thăm Làng, ngoài việc nhìn tận mắt những công cụ và cuộc sống ngày thường của người Châu Mạ còn được thưởng thức những bài ca, điệu múa của những chàng trai cô gái Mạ da ngăm mắt sáng, được chứng kiến lễ cầu Yàng, cầu mưa thuận gió hòa, chứng kiến một quá khứ chưa xa của một tộc người gắn bó với núi rừng.
Ông Ngô Đình Hiếu tâm sự, ông vẫn rất vội vã. Vì giữa sự biến đổi không ngừng của xã hội, cộng đồng người Châu Mạ cũng thay đổi từng ngày. Theo thời gian, những nét phong tục cũ của họ mất dần đi, không còn giữ được bản sắc riêng nữa. Và ông mải miết đi, mải miết ghi, mải miết giữ lại những nét cổ truyền, những ký ức, những quá khứ của người Châu Mạ. Vì cùng với thời gian, mọi chuyện đều phôi pha. Và, những cậu bé, cô bé Châu Mạ sau này sẽ chỉ còn gặp lại truyền thống của dân tộc mình trong bảo tàng nếu không có phương pháp lưu truyền phù hợp.
Người đàn ông gốc Huế, với quá nửa thanh xuân sống ở xứ sở phồn hoa như Hoa Kỳ vẫn không nguôi nhớ về quê cũ. Và vào đúng lúc khi mái tóc điểm sương, ông đã quay lại và tìm thấy niềm đam mê của cuộc đời. Ông vẫn đi, vẫn say mê nghiên cứu người Châu Mạ, giới thiệu cuộc sống của họ cùng cộng đồng như đúng tâm nguyện của ông, tâm nguyện của người con tìm về cố quốc.
DIỆP QUỲNH