Sau hơn 1 năm là xã đầu tiên trong số 62 huyện nghèo của cả nước đạt được chuẩn nông thôn mới (cuối năm 2017), xã Ðạ Rsal, huyện Ðam Rông đã cho thấy bước chuyển mình đáng ghi nhận về nhiều mặt, xứng đáng là xã điểm trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhiều năm nay.
Sau hơn 1 năm là xã đầu tiên trong số 62 huyện nghèo của cả nước đạt được chuẩn nông thôn mới (cuối năm 2017), xã Ðạ Rsal, huyện Ðam Rông đã cho thấy bước chuyển mình đáng ghi nhận về nhiều mặt, xứng đáng là xã điểm trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhiều năm nay.
|
Tỉ lệ trẻ em huyện Đam Rông tới trường ngày càng tăng cao |
Sức sống mới
Xã Đạ Rsal được thành lập từ cuối năm 2004, cách trung tâm huyện khoảng 25 km và giáp ranh với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông với diện tích tự nhiên 8.537,9 ha, tổng số hộ toàn xã có 2070 hộ/7.148 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 28,8%. Những năm trước, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển tích cực nhưng còn chậm và manh mún...
Ông Nguyễn Đức Cầm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đạ Rsal đánh giá, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) thì Đạ Rsal đã có những thay đổi khá mạnh mẽ. Nhiều cách làm hay về kinh tế, tổ chức sản xuất đã thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong phong trào toàn dân xây dựng NTM.
Với nhiệm vụ trọng tâm, trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cấp ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đạ Rsal đã tích cực triển khai những nhiệm vụ cụ thể và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến cuối năm 2018, hộ nghèo của xã còn 187 hộ, chiếm tỷ lệ 5,25%, giảm 19,28% so với đầu nhiệm kỳ 2014 và giảm 1,42% so với năm 2018. Trong nhiều năm qua, Nhân dân trong toàn xã đã đóng góp 4,796 tỷ đồng và 4.579 ngày công lao động để xây dựng giao thông nông thôn... Chính quyền xã cũng triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135, các dự án khuyến nông khác với tổng kinh phí thực hiện là 9.244 triệu đồng, trong đó Nhân dân đối ứng 1.169 triệu đồng.
Từ thay đổi trong nông nghiệp, giá trị bình quân 1 ha đất đạt trên 100 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 4.110 người, chiếm 90,2%, thu nhập bình quân đầu người 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham BHYT đạt 87,1%; nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn Bộ Xây dựng 1.560 căn, chiếm 75,36%; có 5 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo Quy định của Bộ GDĐT và 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn chiếm 98,2%; về giao thông nông thôn, xã đã xây dựng 25 km đường nhựa, 20,5 km đường bê tông, 2 cầu sắt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo và ổn định.
Ðiểm nhấn phong trào
Điều đáng mừng là từ khi xã Đạ Rsal hoàn thành xã nông thôn mới cuối năm 2017, tới nay diện mạo nông thôn tại xã tiếp tục có bước thay đổi rõ nét hơn. Chúng tôi có dịp về đây vào trung tuần tháng 3/2019 và vui mừng ghi nhận diện mạo cơ sở hạ tầng các thôn, xóm hầu hết đã được bê tông hóa, tạo nên môi trường cảnh quan thông thoáng, xanh - sạch - đẹp.
Điển hình như thôn Liên Hương, xã Đạ Rsal được coi là thôn xây dựng thành công mô hình “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, gắn với 3 không (không tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3, không có hộ nghèo) đi đầu của địa phương. Ông Võ Xuân Lộc, Trưởng thôn Liên Hương hồ hởi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, nơi có những con đường bê tông uốn lượn quanh vườn cà phê xanh tốt, còn hai bên được trồng cây xanh thẳng tắp.
Theo đánh giá của UBND xã, chương trình xây dựng NTM thực sự đã trở thành một phong trào lan tỏa đến người dân 7 thôn, trong đó điển hình là thôn Liên Hương. Các chương trình được đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn đã giải quyết được nhu cầu thiết yếu của Nhân dân, đảm bảo chất lượng và đưa vào sử dụng có hiệu quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy lùi công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương, dần rút ngắn được khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Không thỏa mãn với những thành tích bước đầu đạt được, Đảng ủy xã Đạ Rsal nhìn nhận khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương vẫn còn lớn. Đó không chỉ là việc giữ vững 19 tiêu chí mà làm thế nào để xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí, đảm bảo đạt chuẩn và phát triển nông thôn bền vững, kiểu mẫu vẫn luôn là một thách thức phía trước. Trong đó, có những mục tiêu sát sườn nâng cao các tiêu chí NTM, như: Thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 35 triệu đồng vào năm 2020; thu NSNN trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 5-10%; đến năm 2020 có 3/5 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; có trên 96% hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, có trên 99% số hộ được sử dụng điện; phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 13,5%; tỷ lệ bảo hiểm toàn dân đạt trên 80%;... Chúng ta có quyền hy vọng, các cấp chính quyền, đoàn thể sẽ lấy đó làm động lực tiếp tục đưa Đạ Rsal là xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên trong 62 huyện nghèo của cả nước.
CHÍNH THÀNH