Sinh ra và lớn lên trong gia đình có tới 11 anh chị em nên chị Ka Thuyền (thôn Nau Sri, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc) không được ăn học đến nơi đến chốn như những người phụ nữ khác. Năm 16 tuổi, chị phải bắt chồng, sinh con... cuộc sống mưu sinh cứ thế cuốn lấy chị. Mỗi ngày, khi gà gáy lần thứ 3 cũng là lúc chị tất tả dậy nấu cơm để đi rẫy cho đến khi mặt trời khuất dần sau chân núi.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có tới 11 anh chị em nên chị Ka Thuyền (thôn Nau Sri, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc) không được ăn học đến nơi đến chốn như những người phụ nữ khác. Năm 16 tuổi, chị phải bắt chồng, sinh con... cuộc sống mưu sinh cứ thế cuốn lấy chị. Mỗi ngày, khi gà gáy lần thứ 3 cũng là lúc chị tất tả dậy nấu cơm để đi rẫy cho đến khi mặt trời khuất dần sau chân núi.
|
Chị Ka Thuyền |
Năm 2015, chị và các chị em trong thôn, buôn được Hội Phụ nữ xã, Ban công tác thôn và các đoàn thể xã mời đến Hội trường UBND xã để nghe tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm của chị em phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương... Thấy được cái hay, cái tốt trong việc tham gia các phong trào của địa phương, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào tổ chức hội phụ nữ thôn Nausri.
Năm 2017, được các ban, ngành, đoàn thể của xã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần, chị đã tích cực và đi đầu trong công tác vận động chị em tham gia các câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá, xây dựng các mô hình, điển hình phát triển kinh tế... Hăng hái và nhiệt tình tham gia các phong trào, các cuộc vận động, Ka Thuyền được chị em trong thôn tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nau Sri, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc.
Với phương châm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, các hoạt động giao lưu, chị tìm cách phổ biến đến rộng rãi chị em trong thôn biết cách làm ăn sao cho hiệu quả để thoát nghèo, cách chăm sóc con cái không bệnh tật, cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng... Thấy được lợi ích từ việc tham gia các phong trào của địa phương nên ngày càng nhiều chị em phụ nữ DTTS trong thôn đăng ký, từ 80 hội viên năm 2015 đến nay đã có 187 hội viên tham gia sinh hoạt.
Từ “Mô hình giao lưu kết nghĩa với các thôn bạn”, chị đã cùng các chị em phụ nữ đồng bào DTTS trong thôn thành lập đội bóng chuyền để tham gia trong các đợt giao lưu, kết nghĩa. Mô hình đã đi vào hoạt động nề nếp với chương trình giao lưu thiết thực, hiệu quả, tạo được sự đoàn kết gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các chị em phụ nữ.
Đặc biệt, với mô hình “Vận động phụ nữ giúp nhau xây nhà đẹp”, mỗi hội viên trong thôn giúp nhau (không lấy lãi) từ 5 đến 10 triệu đồng để xây nhà. Ban đầu, chỉ có 9 chị đăng ký tham gia, đến nay hơn 20 chị đã xây được những căn nhà kiên cố và khang trang, với tổng nguồn vốn lưu động thường xuyên là 385 triệu đồng... Đây chính là nguồn động lực khích lệ chị em hội viên để các chị tham gia tích cực hơn vào hoạt động Hội và phấn đấu vươn lên làm ăn phát triển kinh tế gia đình, mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, chị em càng biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau để cùng vượt qua khó khăn và góp phần thực hiện đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trong thôn Nausri có thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống; chị đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em trong thôn tham gia mô hình “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp nuôi gà đẻ trứng”. Năm 2017, với hơn 200 con gà giống cùng với một số vật dụng chăn nuôi được hỗ trợ, có 6 hội viên tham gia, đến nay số gà giống đã tăng lên hơn 600 con và mô hình đã được nhân rộng thêm cho 3 hội viên theo hình thức “1 giúp 1”. Chị Ka Thôi, hội viên Chi hội Phụ nữ Nau Sri, phấn khởi chia sẻ: “Là một hộ nghèo trong thôn, tôi được hỗ trợ 40 con gà giống nuôi để lấy trứng, đến nay, gia đình tôi đã nhân rộng được đàn gà hơn 500 con. Hiện nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng từ việc bán trứng, bán gà giống. Nhờ sự quan tâm, tuyên truyền, vận động của chị Ka Thuyền, đời sống của gia đình tôi được cải thiện, thu nhập dần được tăng lên sau khi tham gia mô hình, tôi rất phấn khởi, an tâm lao động sản xuất, thu nhập của gia đình ngày một khá hơn, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Thấy tình trạng rác thải ở trong thôn còn nhiều, một số hộ dân đổ rác gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan trên một số tuyến đường, chị đã “khéo” vận động, giỏi thuyết phục bà con trong thôn thành lập tổ thu gom rác thải để làm sạch các con đường trong thôn. Được sự thống nhất của Đảng ủy xã, UBND xã ra quyết định thành lập “Tổ thu gom rác thải” giao cho chi hội phụ nữ thôn chịu trách nhiệm và thu tiền với mức 15.000 đồng/hộ/tháng. Chi hội đã tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia. Đến nay đã tiến hành thu gom rác cho 150 hộ dân. Từ đó, chất thải, nước thải trong thôn được thu gom và xử lý theo quy định. Song song với việc vận động các hộ bỏ rác đúng nơi quy định, chị đã huy động hơn 40 phụ nữ tham gia trồng hoa tại ngã ba thôn và trước hội trường thôn, làm cảnh quan đoạn đường ở ngã ba thôn luôn xanh, sạch, đẹp, giúp cho buôn làng và hội viên phụ nữ DTTS trong thôn có cuộc sống tươi đẹp hơn. Ngoài ra, chị còn thuyết phục các chị em vay vốn đầu tư chăm sóc cải tạo vườn cà phê, chè, cây ăn trái... nhằm tăng thu nhập nâng cao đời sống của hội viên, góp phần xóa đói giảm nghèo; một số hội viên phụ nữ chịu khó làm ăn trở thành những hộ khá như chị Sy Din, Ka Thôp, Ka Danh, Ka Brês, Ka Chỉu, chị Ka Phượng...
Bà Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Nga, nhận xét: “Chị Ka Thuyền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nau Sri, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc là một tấm gương điển hình trong phong trào thi đua Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới. Tất cả các phong trào, các cuộc vận động... mà chị tuyên truyền đều được các chị em Nau Sri nhiệt tình tham gia và hưởng ứng.
“Để một mô hình trong vùng dân tộc thiểu số thực hiện được, trước hết là sự đồng lòng, nhất trí, tinh thần trách nhiệm của toàn thể hội viên và Ban chấp hành chi hội. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động tốt, thuyết phục khéo léo là hết sức quan trọng. Vì, để làm thay đổi nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số, không còn sự ỷ lại thì luôn phải cùng làm, cùng giúp đỡ hỗ trợ, khuyến khích, động viên họ thực hiện thì mới có kết quả như ngày hôm nay”. - Chị Ka Thuyền chia sẻ
Nhờ cách dân vận khéo thiết thực, hiệu quả như trên của Ka Thuyền, thôn Nau Sri và cá nhân chị là một trong những điển hình của thành phố Bảo Lộc, được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen và giấy khen.
NGUYÊN THI - HUỲNH THẢO