Bệnh tả lợn Châu Phi không gây bệnh trên người

07:03, 29/03/2019

(LĐ online) - Trước tình hình người tiêu dùng tẩy chay không dùng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, PV Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn nhanh BS CKII Bùi Văn Độ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về bệnh tả lợn Châu Phi liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.

(LĐ online) - Trước tình hình người tiêu dùng tẩy chay không dùng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, PV Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn nhanh BS CKII Bùi Văn Độ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh về bệnh tả lợn Châu Phi liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
PV: Xin BS cho biết “những điều cần biết” về bệnh tả lợn Châu Phi?
 
BSCKII Bùi Văn Độ: Bệnh tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại Châu Phi năm 1921, đến năm 1957 lây sang Châu Âu và năm 2018 lan sang Châu Á như cụ thể là xảy ra ở Trung Quốc. Đến nay, trên thế giới có khoảng 57 nước đã xuất hiện bệnh tả lợn Châu Phi.
 
Ở Việt Nam, lần đầu tiên xuất hiện bệnh tả lợn Châu Phi vào ngày 21/02/2019 tại các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Đến nay, trên toàn quốc đã có 23 tỉnh thông báo có xuất hiện bệnh tả lợn Châu Phi. Hiện tỉnh Lâm Đồng chưa phát hiện bệnh tả lợn Châu Phi.
 
Bệnh tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra ở lợn và có nguy cơ lây lan nhanh, rất khó kiểm soát.
 
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị và đặc biệt chưa có vắc xin phòng bệnh; trong khi đó virut này lại có sức đề kháng cao, tồn tại lâu; vi rút xâm nhập qua đường tiêu hóa vào máu, tới các cơ quan, nội tạng gây xung huyết hoặc xuất huyết, có khả năng gây chết ở lợn 100%. Vì vậy, nếu không có biện pháp phòng chống tích cực, hiệu quả thì bệnh tả lợn Châu Phi có thể giết chết một ngành chăn nuôi.
 
Do mới xuất hiện ở Việt Nam, người chăn nuôi chưa có kinh nghiệm ứng phó trước dịch bệnh này, nên nguy hiểm hơn nữa là do sự thiếu hiểu biết của người dân về bệnh tả lợn Châu Phi, người chăn nuôi chưa hiểu biết nguyên nhân và cách phòng chống bệnh tả lợn Châu Phi.
 
PV: Theo BS, mọi người cần làm gì để phòng chống bệnh tả lợn Châu Phi?
 
BSCKII Bùi Văn Độ: Đối với người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp sau: Giống lợn phải khỏe mạnh; thức ăn phải an toàn; tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ, vệ sinh sát trùng chuồng trại; vệ sinh người tham gia chăn nuôi và hạn chế người ngoài vào khu vực chăn nuôi. Khi lợn bị bệnh, chết phải báo ngay cho cán bộ thú y gần nhất và thực hiện các quy định khác của ngành chăn nuôi.
 
Đối với người giết mổ lợn: Thực hiện tốt vệ sinh giết mổ, chỉ giết mổ lợn rõ nguồn gốc xuất xứ, không bị bệnh hay dịch bệnh.
 
Đối với người kinh doanh thịt lợn: Chỉ mua và bán thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch thú y đảm bảo an toàn.
 
Đối với người tiêu dùng: Hãy trở thành người tiêu dùng thực phẩm “thông thái”, biết lựa chọn mua và chế biến thực phẩm an toàn. Cụ thể: Phải biết bệnh tả lợn Châu Phi không gây bệnh trên người và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, người dân cần bình tĩnh không nên hoang mang tẩy chay các sản phẩm từ thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Người tiêu dùng nên mua thịt lợn tại các cơ sở uy tín, thịt phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y an toàn và được chế biến hợp vệ sinh. Đặc biệt, lưu ý phải ăn thịt nấu chín, ăn uống bình thường để đảm bảo dinh dưỡng vì thịt lợn có hàm lượng protein cao và chứa nhiều vitamin thiết yếu, khoáng chất và các axít amin tốt rất cần cho sức khỏe.
 
PV: Cảm ơn BS đã cung cấp thông tin kịp thời, bổ ích đến bạn đọc!
 
DIỆU HIỀN (thực hiện)