Sự "vỡ trận" ở đây không đến từ yếu tố chuyên môn, năng lực con người hay chất lượng cung cấp dịch vụ. Nghịch lý ở chỗ, Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Ðồng (CSCNMT LÐ) lại đang làm rất tốt chức năng của mình dẫn tới luôn trong tình trạng quá tải, phải "gồng mình" tiếp nhận gấp đôi số người đến cai nghiện so với công năng, thiết kế hiện có.
Sự “vỡ trận” ở đây không đến từ yếu tố chuyên môn, năng lực con người hay chất lượng cung cấp dịch vụ. Nghịch lý ở chỗ, Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Ðồng (CSCNMT LÐ) lại đang làm rất tốt chức năng của mình dẫn tới luôn trong tình trạng quá tải, phải “gồng mình” tiếp nhận gấp đôi số người đến cai nghiện so với công năng, thiết kế hiện có.
|
Các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng trong một buổi sinh hoạt tại thư viện |
Thành công đến từ sự tự chủ
Dù được đầu tư thấp nhất trong số 105 cơ sở cai nghiện ma túy công lập (của cả nước) từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, có biên chế thấp nhất, nhưng CSCNMT LĐ luôn là mô hình được đánh giá cao nhất về chất lượng trong các bảng xếp hạng của Bộ LĐ-TB&XH.
Dù chỉ có công năng thiết kế dành cho khoảng 170 người, nhưng vào những lúc cao điểm, cơ sở vẫn phải tiếp nhận trên 380 người đến cai nghiện. Theo quy định chuẩn, mỗi học viên sẽ có 5 m2 diện tích phòng ở nhưng hiện nay tại CSCNMT LĐ mỗi người chỉ còn lại 1,8 m2.
Ở thời điểm hiện tại, cơ sở đã phải liên tục từ chối các hồ sơ từ khắp các tỉnh, thành gửi đến cai nghiện vì không còn đủ chỗ.
Nguyên do từ đâu, chỉ sau 17 năm hình thành, một cơ sở với vô vàn khó khăn về vật chất, các phòng chức năng tạm bợ, quỹ sản xuất bằng không, gắn liền với các nguy cơ: bỏ trốn, hành hung, chống đối, vi phạm pháp luật... để rồi vươn lên trở thành một mô hình điểm, khẳng định được chỗ đứng, vị trí hữu ích của mình trong xã hội. Ông Dương Đức Thành - Giám đốc cơ sở này đã cho chúng tôi câu trả lời: Trước những khó khăn, cơ sở đã nhận ra một thực tế, cai nghiện là nhu cầu vô cùng lớn trong xã hội, luôn bức thiết đối với người nghiện và gia đình của họ. Nghiện trở thành một gánh nặng, vì vậy nhu cầu thoát ra khỏi nó luôn tồn tại trong xã hội. Tham gia đáp ứng nhu cầu đó một cách hiệu quả, cũng chính là chìa khóa để cơ sở có thể thoát ra mớ bòng bong khó khăn.
Chỉ sau đúng một năm thành lập, CSCNMT LĐ đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận ban hành Quy chế tạm thời tiếp nhận người cai nghiện tự nguyện. Ngay khi bắt đầu đã có 18 người đến cai tự nguyện bên cạnh 70 người bắt buộc. Năm 2004, số cai nghiện tự nguyện đã chiếm 1/3 trong tổng số gần 170 người cai nghiện. Đến năm 2006, cơ sở đã mạnh dạn trình duyệt đề án tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Và 3 năm sau, cơ sở là một trong 12 đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên của tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ sau sự phê duyệt của UBND tỉnh.
Một hành trình mới bắt đầu với CSCNMT LĐ, hành trình cung cấp dịch vụ đối với người nghiện.
Chỉ trong vòng 5 năm (từ 2012 đến 2017), như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thực thụ, CSCNMT LĐ bền bỉ xây dựng nền móng cho các chương trình làm việc và lộ trình phát triển của mình, như: cải tạo cơ sở vật chất, tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng (do đã được phân quyền tự chủ), đầu tư tạo nguồn thu từ vườn cây công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, lập đề án thu phí quản lý - phục vụ người cai nghiện tự nguyện, không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ điều trị tự nguyện, trình duyệt Quy chế điều trị và biểu giá dịch vụ điều trị tự nguyện.
Từ năm 2014, khi phần lớn các cơ sở cai nghiện công lập không có người vào cai, thì CSCNMT LĐ luôn bảo đảm người vào cai thường xuyên trên 75% công suất tiếp nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, số người điều trị tự nguyện luôn chiếm trên 85% trong tổng số người vào điều trị, số tiếp nhận năm sau luôn vượt trên 40% năm trước. Chỉ tính riêng năm 2018, số được điều trị là 716 người, trong đó có trên 600 người cai nghiện tự nguyện đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước với thời hạn trên 6 tháng.
Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp do đơn vị tạo ra luôn cao hơn kinh phí chi thường xuyên do ngân sách cấp phát, trong đó nguồn thu từ dịch vụ cai nghiện tự nguyện là nguồn thu chính. Từ nguồn thu này, tài sản do cơ sở tự đầu tư và tôn tạo đã đạt trên 4 tỷ đồng, tiền lương tăng thêm cho viên chức và người lao động đạt 110% thu nhập do ngân sách cấp. Và quan trọng hơn hết, là viên chức và người lao động của cơ sở không còn phải sống trong tình cảnh “cai tù bất đắc dĩ” mà đã chuyên tâm trọn thời gian cho đầu tư nghiệp vụ chuyên ngành.
Cần sớm quan tâm đầu tư
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành công tác xã hội, thì con số người nghiện tại Lâm Đồng trong hồ sơ quản lý của Công an rơi vào khoảng 2.000 người, tuy nhiên trên thực tế có thể gấp 3 lần. Tình hình tội phạm ma túy gia tăng, số lượng người nghiện trong xã hội hiện đại sử dụng rất nhiều các loại ma túy tổng hợp ngày càng tăng, điều này đem đến cho cuộc sống và sự phát triển của xã hội, cũng như an ninh trật tự tại địa phương nhiều bất an với những diễn biến khó lường. Chính vì lẽ đó, nhu cầu được cai nghiện là rất lớn. Sự thành công của CSCNMT LĐ chính là đem đến một dịch vụ công hữu ích, giúp cho người nghiện có được không gian tốt nhất để chữa bệnh, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng.
Theo quy định chung thì thời gian tới tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đều phải tiếp nhận khoảng 30 - 40% người cai nghiện bắt buộc, chính vì lẽ đó nguy cơ “vỡ trận” với CSCNMT LĐ trong thời gian sắp tới là điều không thể tránh khỏi. Với cơ sở vật chất hiện tại, việc tăng thêm người cai nghiện bắt buộc sẽ phá vỡ hoàn toàn cấu trúc hoạt động cũng như chất lượng phục vụ, liệu pháp điều trị hiện tại của cơ sở.
Dù đã được phê duyệt nguồn vốn đầu tư trung hạn từ Chính phủ với khoảng 8 tỷ đồng thông qua việc phân bổ của Bộ LĐ-TB&XH, nhưng đến 2017 mới chỉ rót về được 1 tỷ đồng và cũng chỉ mới giải ngân được khoảng 300 triệu đồng để rà soát bom mìn, khảo sát địa chất... số tiền còn lại vẫn còn nằm trên giấy.
Rất nhiều giải pháp đã được CSCNMT LĐ đề xuất để tạm thời tránh tình trạng quá tải trong thời gian trước mắt. Còn bài toán về lâu dài, cơ sở tham mưu cho ngành lao động Lâm Đồng đề xuất với UBND tỉnh cấp kinh phí lập thêm Đề án xây dựng một khu cai nghiện mới trên diện tích đất sẵn có tại nơi đang hoạt động với công suất phục vụ cho 150 người. Và trên cơ sở vật chất đó, cơ sở có thể tự tạo nguồn thu, mua thêm vật dụng, thuê thêm người lao động để phục vụ tối đa cho 300 người.
Theo tính toán, việc xây thêm cơ sở mới sẽ rơi vào khoảng 15 - 18 tỷ đồng, nguồn kinh phí sẽ không lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của tỉnh, mà sẽ thông qua bán đấu giá khu đất cũ, nơi hoạt động trước trước đây của cơ sở (nằm trên Quốc lộ 20, huyện Đức Trọng, đang là nơi đón tiếp thân nhân của các học viên cai nghiện tại cơ sở). Sau khi xây dựng cơ sở mới, CSCNMT LĐ sẽ lấy chính nguồn thu từ người cai tự nguyện để nộp lại ngân sách.
Giải pháp trước mắt, dù không căn cơ những cũng rất khả thi trong thời điểm hiện tại, đó là UBND tỉnh Lâm Đồng gửi đề xuất phương án nhờ TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 400 học viên cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm cai nghiện của Thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh đóng tại địa bàn xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà). Công suất tại Trung tâm Tân Thanh là 2.000 người nhưng hiện tại chỉ có khoảng trên 1.000 người cai nghiện tại đây. Thông tin ban đầu từ Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng cho biết: Hiện tại TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng chấp nhận chủ trương và bỏ chi phí giúp cho Lâm Đồng số lượng khoảng 400 người cai bắt buộc.
Cho dù phương án nào được thông qua, từ nguồn vốn Trung ương hay địa phương, ở thời điểm hiện tại cũng cần có câu trả lời sớm nhất. Việc cung cấp dịch vụ công, lấy phí từ dịch vụ công, nộp ngân sách nhà nước, đồng thời giảm áp lực xã hội hiệu quả như cách của CSCNMT LĐ đang làm cũng cần được khuyến khích và tạo điều kiện hết mức có thể.
ÐẶNG TUẤN LINH