Ở Lạc Dương, bên cạnh một số xã, buôn đang làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số thì vẫn có những nơi mặc dù có tới trên 80% là người dân tộc thiểu số song những giá trị văn hóa đặc trưng lại đang dần bị mai một.
Ở Lạc Dương, bên cạnh một số xã, buôn đang làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số thì vẫn có những nơi mặc dù có tới trên 80% là người dân tộc thiểu số song những giá trị văn hóa đặc trưng lại đang dần bị mai một.
|
Xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa ở các thôn là một trong những yếu tố giúp bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Ảnh: Đặng Văn An |
Chập choạng tối cuối tuần một ngày đầu tháng 3, chúng tôi theo chân người bạn làm ngành văn hóa ghé thăm thôn Đông Mang, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương với mong muốn được tìm hiểu về văn hóa của người dân tộc K’Ho ở đây, được nghe già làng kể về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của một thôn dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa vốn là căn cứ cách mạng, là nơi tiếp tế lương thực nuôi dưỡng cán bộ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng, thật đáng tiếc khi ở một số những hộ gia đình chúng tôi có dịp ghé thăm, hầu như còn lại rất ít những vật dụng, hình ảnh, thậm chí là ký ức về những nét văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của người dân tộc Cil - K’Ho.
Mới lo phát triển kinh tế
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thông Đông Mang là căn cứ cách mạng, tiếp tế lương thực nuôi dưỡng thương bệnh binh. Mặc dù nhiều lần bị địch đánh phá, bố ráp rất quyết liệt nhưng Đông Mang vẫn một lòng thủy chung son sắt với cách mạng, kiên cường vượt qua mọi gian khó. Hòa bình, bà con trong thôn vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động sản xuất nhưng do tập quán canh tác và trình độ kỹ thuật còn hạn chế, mặt khác, thôn nhỏ bao quanh 4 phía là rừng thông nên diện tích sản xuất của các hộ gia đình trong thôn cũng gặp những hạn chế nhất định, chất lượng đất canh tác của một vùng đất cằn cũng khiến bị giới hạn về khả năng ứng dụng một cách đa dạng các loại cây trồng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp nên phát triển kinh tế khá khó khăn. Đền ơn đáp nghĩa bà con trong thôn, huyện Lạc Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân để cải thiện đời sống.
Nhiều căn nhà nghĩa tình đồng đội, nhà tình thương được trao tặng cho những hộ dân nghèo trong thôn. Đất đai, giống cây trồng, kỹ thuật canh tác… cũng được quan tâm hỗ trợ để Đông Mang từng bước đổi thay thói quen canh tác lạc hậu và phát triển kinh tế. Tính đến nay, toàn thôn chỉ còn 7 hộ nghèo, không có hộ nào phải ở nhà đột nát, tuy nhiên, Đông Mang hiện vẫn là một thôn còn nghèo của xã. Và có lẽ, do chú trọng tập trung vào việc đầu tư phát triển kinh tế để thoát nghèo nên vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống trong thôn càng không được bà con quan tâm chú trọng đúng mức khiến cho bản sắc văn hóa truyền thống đang bị mai một khá nhiều. Trò chuyện với già làng thôn Đông Mang, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi được già cho biết các nghi lễ truyền thống xưa kia của người đồng bào trong thôn nay đã không còn được lưu giữ nhiều. Đặc biệt, không gian để bà con trình diễn văn hóa như biểu diễn cồng chiêng, múa hát, bài trí cây nêu, thưởng thức ẩm thực và rượu cần truyền thống… ở thôn hầu như hiếm khi được tổ chức.
Tương tự thôn Đông Mang, ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, hiện tại vấn đề phôi phai bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số gốc bản địa cũng đang có dấu hiệu bị mai một. Thị trấn có khá nhiều tụ điểm văn hóa biểu diễn cồng chiêng, bà con dân tộc thiểu số vẫn chiếm phần lớn và sống cộng cư chan hòa, trang phục truyền thống vẫn được bà con giữ gìn nhưng văn hóa bản sắc riêng của đồng bào thì cũng đang bị mai một khá nhiều. Những thanh niên dân tộc thiểu số vùng này giờ chẳng khác người Kinh là bao nhiêu, cách thức đặt tên, văn hóa giao tiếp với khách du lịch thật khó có thể nhận ra họ là người dân tộc thiểu số bản địa vốn quen với núi rừng, chất phác, thật thà và mộc mạc. Chẳng khó để hiểu rằng, tại sao những già làng trong vùng này lại đang lo lắng về nguy cơ “hòa tan” của lớp trẻ trước “cơn lốc” hội nhập trên mọi lĩnh vực, nhất là khi du lịch đang phát triển rất mạnh tại thị trấn.
Cần tìm cách khôi phục sinh hoạt văn hóa truyền thống
Thật khó có thể nghĩ rằng, một thanh niên người dân tộc thiểu số lại không cất giữ cho riêng mình một bộ trang phục truyền thống của chính dân tộc mình để mặc trong những dịp quan trọng, thế nhưng điều đó lại đang không phải là chuyện lạ ở một số thôn, buôn dân tộc ngay thị trấn Lạc Dương như ở thôn Đông Mang, xã Đạ Chais vốn khá xa trung tâm thành phố Đà Lạt.
Thắc mắc của tôi được các bạn trẻ giải thích là do trong gia đình, thậm chí trong thôn họ ở bây giờ không còn ai dệt thổ cẩm, may đồ nữa. Một số thôn ở vùng sâu, vùng xa như Đông Mang thì chẳng mấy khi có lễ hội hay tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng theo nghi lễ truyền thống nên họ cũng không mấy quan tâm đến việc rèn luyện các điệu múa, các bài hát hay sắm những bộ đồ truyền thống. “Ở các thôn vùng sâu, vùng xa bây giờ rất ít thanh niên biết đánh cồng chiêng. Thỉnh thoảng được mời tham gia lễ hội, thì chỉ những người lớn tuổi tụ tập lại để tập và đi biểu diễn ở các lễ hội do huyện, tỉnh tổ chức là chính rồi sau đó về địa phương lại cất kỹ. Sự nghèo nàn trong các hoạt động văn hóa tại địa phương, đặc biệt là ở thôn buôn chính là một trong những lý do khiến thanh niên bây giờ không có mong muốn để học tập, rèn luyện những loại hình văn hóa truyền thống này” - già làng K’Hai phân tích.
Cuối tuần là dịp bà con không đi rẫy, có ghé về buôn làng những ngày này mới hiểu rõ không khí ở những buôn làng vùng sâu, vùng xa như thế nào. Hầu như các thôn buôn không có các hoạt động vui chơi giải trí gì, các gia đình sau bữa cơm tối thì chỉ biết xem phim Hàn Quốc, Trung Quốc trên tivi, trên internet hoặc lướt web, lướt facebook bằng chiếc điện thoại 3G và... uống rượu.
Rõ ràng, trong thời đại bùng nổ thông tin mạng như hiện nay, nếu không có các hoạt động giải trí, vui chơi lành mạnh được tổ chức, và không có sự quan tâm, đầu tư khôi phục các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống và định kỳ để thanh, thiếu niên và người dân có điều kiện tham gia nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của họ về giá trị, ý nghĩa, nét đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc mình thì việc mai một các giá trị truyền thống tốt đẹp là không thể tránh khỏi.
NGUYÊN THI