Gần 5 năm nay, Bệnh viện Y học cổ truyền (BV YHCT) Phạm Ngọc Thạch Lâm Ðồng đã triển khai thủ thuật cấy chỉ trong điều trị bệnh nhân. Cấy chỉ hay cấy catgut là một phương pháp châm cứu hiện đại được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 1960, đến nay, phương pháp cấy chỉ trong đông y đã áp dụng điều trị thành công nhiều bệnh mạn tính, nan y và được coi là bước tiến mới của kỹ thuật châm cứu.
Gần 5 năm nay, Bệnh viện Y học cổ truyền (BV YHCT) Phạm Ngọc Thạch Lâm Ðồng đã triển khai thủ thuật cấy chỉ trong điều trị bệnh nhân. Cấy chỉ hay cấy catgut là một phương pháp châm cứu hiện đại được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 1960, đến nay, phương pháp cấy chỉ trong đông y đã áp dụng điều trị thành công nhiều bệnh mạn tính, nan y và được coi là bước tiến mới của kỹ thuật châm cứu.
|
BSCK I Đoàn Ngọc Khanh - Trưởng Khoa Châm cứu Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng đang tiến hành cấy chỉ cho bệnh nhân K’Nam bị tai biến mạch máu não. |
Năm 1975, GS Nguyễn Tài Thu đã nghiên cứu và áp dụng điều trị thành công một số bệnh về đường hô hấp như: hen suyễn, hen phế quản bằng phương pháp cấy chỉ. Tới năm 1982, cấy chỉ cũng đạt kết quả đối với các bệnh như: bại liệt, đau nhức xương khớp.
Nguyên lý chữa bệnh của cách cấy chỉ: chỉ catgut bản chất là một loại protit tự tiêu trong 20 - 25 ngày, khi được đưa vào cơ thể bằng cách cấy trực tiếp vào huyệt châm cứu của hệ kinh lạc sẽ đóng vai trò như một dị nguyên kích thích cơ thể sản sinh ra các loại kháng thể, tạo ra phản ứng hóa - sinh tại chỗ làm tăng tái tạo protein, hydratcarbon và tăng dinh dưỡng. Ngoài ra, chỉ catgut khi được cấy vào huyệt vị tác dụng với tính chất vật lý sẽ tạo ra một loại kích thích cơ học như châm cứu nên sẽ có tác dụng như châm cứu, giải thích theo học thuyết thần kinh - thể dịch và học thuyết kinh lạc.
Theo Đông y, cấy chỉ có cơ chế tác động như châm cứu cổ truyền, trị bệnh thông qua việc điều hòa âm dương, điều hòa chức năng lục phủ ngũ tạng, khí huyết, đả thông kinh lạc. Theo Tây y, chỉ catgut khi được cấy vào huyệt đạo có tác dụng tăng cường đồng hóa, giảm dị hóa, giảm nồng độ acid lactic cũng như sự phân giải acid ở các cơ kèm theo tác động làm tăng protein và hydratcarbon, góp phần tăng chuyển hóa và dinh dưỡng ở cơ. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra cấy chỉ có tác dụng làm tăng sinh lưới mao mạch, tăng lưu thông máu trong lòng mạch ở các chi thể, phát triển dây thần kinh mới, đồng thời có tác dụng kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Theo các bác sĩ Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, cấy chỉ là phương pháp chữa bệnh đặc biệt không dùng thuốc, phát triển dựa trên nền tảng châm cứu cổ truyền nên phát huy được nhiều ưu thế như: Có hiệu quả cao trong điều trị nhiều bệnh nan y, mạn tính, có tác dụng giúp phục hồi chức năng. So với châm cứu phải thực hiện liên tục trong nhiều ngày thì đối với phương pháp cấy chỉ, bệnh nhân chỉ cần thực hiện trong khoảng thời gian từ 2-3 tuần/lần, có thể điều trị ngoại trú, giảm bớt thời gian và chi phí điều trị; an toàn, không gây ra các tai biến nguy hiểm; giảm lượng thuốc phải dùng kết hợp điều trị.
BSCKII Nguyễn Văn Trịnh - Phó Giám đốc BV YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng cho biết: Cấy chỉ là kỹ thuật tương đối mới đối với tỉnh Lâm Đồng, chữa nhiều bệnh về thần kinh tọa, nhiều bệnh lý mãn tính khác như đau cột sống, thắt lưng, hội chứng cổ vai cánh tay, mất ngủ kéo dài, bệnh nhân liệt sau tai biến mạch máu não, làm đẹp… Qua quá trình thực hiện, các bác sĩ của bệnh viện đã có các đề tài nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp này trên bệnh nhân như: Tác dụng cấy chỉ trong điều trị bệnh đau lưng cho bệnh nhân; tác dụng cấy chỉ trong điều trị đau thần kinh tọa; hiệu quả cấy chỉ trong điều trị mất ngủ… Hiện đang nghiên cứu đề tài ứng dụng cấy chỉ để điều trị bệnh béo phì - yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý nguy hiểm khác như tiểu đường, tim mạch, huyết áp.
Trong năm qua, BS Trịnh đã triển khai đề tài khoa học về ứng dụng cấy chỉ trong điều trị bệnh đau thần kinh tọa, cho biết: Nghiên cứu trên 50 bệnh nhân cấy chỉ chữa bệnh này, kết quả điều trị tốt và khá đạt trên 90% đem lại hiệu quả cho người bệnh: giảm nhiều thời gian điều trị, chi phí, quá trình đi lại.
BSCKI Đoàn Ngọc Khanh - Trưởng Khoa Châm cứu Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, tiến hành đề tài đánh giá hiệu quả của cấy chỉ điều trị mất ngủ, rút ra một số kết luận sau: Tác dụng của cấy chỉ trên lâm sàng, thời lượng giấc ngủ của bệnh nhân không thực tổn thể Tâm Tỳ hư sau cấy chỉ tăng lên 4 - 4,5 giờ so với trước điều trị, thời lượng giấc ngủ trung bình sau điều trị đạt 6,85 giờ. Tỷ lệ bệnh nhân có thời gian đi vào giấc ngủ sau điều trị: dưới 15 phút chiếm 36,36%; từ 15 - 30 phút chiếm 48,49%. Hiệu quả giấc ngủ tăng lên rõ rệt sau điều trị với 90,91% bệnh nhân có hiệu quả giấc ngủ tăng. Chất lượng giấc ngủ theo đánh giá có tiến triển tốt sau điều trị, chiếm tỷ lệ: Tốt 66,67%; khá 15,15%. Sau điều trị, tỷ lệ bệnh nhân không còn triệu chứng thức giấc sớm đạt 75,76%. Tỷ lệ bệnh nhân không còn rối loạn giấc ngủ trong ngày sau điều trị đạt 72,73%. Sau điều trị, tỷ lệ bệnh nhân có tình trạng buổi sáng tốt đạt 75,76%. Các triệu chứng thứ phát sau mất ngủ đã được khắc phục dần trở lại bình thường sau 2 lần cấy chỉ.
Để triển khai thủ thuật cấy chỉ, người thực hiện là bác sỹ, y sĩ được đào tạo về chuyên ngành Y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và phòng thủ thuật đạt tiêu chuẩn. Một cuộc cấy chỉ gồm có 3 người thực hiện, các bước tiến hành: chỉ Catgut tự tiêu được cắt thành từng đoạn khoảng 0,5 - 1 cm, luồn chỉ vào nòng kim cấy chỉ vô khuẩn; phác đồ huyệt đã lựa chọn; thủ thuật (kéo dài 30 phút -1 giờ): ê kíp rửa tay sạch, đi găng tay vô trùng; xác định chính xác huyệt định cấy chỉ; sát trùng vùng huyệt; châm kim nhanh qua da và đẩy từ từ tới huyệt; đẩy nòng kim để chỉ nằm lại trong huyệt; nhẹ nhàng rút kim ra; đặt gạc vô trùng lên huyệt vừa cấy chỉ; cố định gạc bằng băng dính. Sau khi tiến hành cấy chỉ xong, để bệnh nhân nằm nghỉ tại giường 20 phút, theo dõi mạch, huyết áp, tình trạng đau tại chỗ cấy, chảy máu, dị ứng mẩn ngứa tại chỗ cấy chỉ. Dặn bệnh nhân sau cấy chỉ không tắm ít nhất sau cấy 8 tiếng, tránh mang vác làm việc nặng.
Bệnh nhân K’Nam, 68 tuổi, ở thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà, qua 2 lần bị tai biến mạch máu não dẫn tới không nói được, không đi lại được, nay bệnh nhân đã nói được, tự đi lại một mình nhờ phương pháp cấy chỉ tại BV YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng. Bà Ka B’Ri vợ của bệnh nhân cho biết: “Ông ấy bị tai biến liệt nửa người, gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh chữa bệnh 2 tháng và 2 tháng qua đây cấy chỉ. Qua 2 đợt cấy chỉ, được các BS tốt bụng chăm sóc, ông K’Nam đã đi lại được, nói lại được một ít, tay cử động được, ăn uống rất tốt. Do đó, tôi sẽ tiếp tục đưa chồng tôi đến đây cấy chỉ”.
AN NHIÊN