Là thôn thuần nông vùng sâu nhưng Cao Sinh đi đầu trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, duy trì nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, nâng cao thu nhập người dân, góp phần tích cực trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Cát Tiên.
Là thôn thuần nông vùng sâu nhưng Cao Sinh đi đầu trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, duy trì nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, nâng cao thu nhập người dân, góp phần tích cực trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Cát Tiên.
|
Những con đường nông thôn bê tông rộng rãi dẫn đến từng nhà tại thôn Cao Sinh. Ảnh: G.K |
Những mô hình nổi bật
Rất nhiều mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả được nói đến khi chúng tôi đến Cao Sinh, một thôn trong 9 thôn của xã Gia Viễn trong vùng sâu Cát Tiên.
Cao Sinh hiện có 65 gia đình sinh sống với 268 nhân khẩu, trong đó có 28 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng phía Bắc vào lập nghiệp.
Là một thôn thuần nông với diện tích lúa nước cho người dân trong thôn khoảng 70 ha, dịp này, khi chúng tôi đến đang là mùa khô, cánh đồng đang kỳ “nghỉ hè”, chờ mưa đến để làm vụ lúa mới.
Nhưng ông trưởng thôn Nông Văn Hổ tươi cười cho biết: “Thôn chúng tôi có rất nhiều thuận lợi nữa chứ đâu phải chỉ có lúa”. Bên cạnh đồng lúa, người dân trong thôn còn có gần 220 ha điều trên đồi, có bò, có các ao nuôi cá, có nhận khoán bảo vệ rừng...Mùa khô sau tết này, khi cánh đồng lúa thu hoạch xong, người dân trong thôn lại đi lên rẫy làm điều, vậy nên nhà nhà trong thôn rất vắng.
Để canh tác lúa nơi đây, như Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Huy cho biết, cánh đồng có nước được cung cấp từ hồ thủy lợi Đăk Lô, nên người dân trong xã và tại thôn Cao Sinh khá chủ động. Đất tốt, nước đầy đủ, chăm sóc tốt nên lúa nơi đây có năng suất khá cao.
Đại diện xã và thôn giới thiệu với chúng tôi những mô hình mới trong sản xuất lúa và điều. Thôn đã vận động 26 gia đình có diện tích trên 26 ha liền kề cùng liên kết để sản xuất lúa đồng trà, đồng giống, đồng năng suất, chất lượng. Trong năm 2016, thôn đã triển khai mô hình sản xuất hữu cơ trồng “lúa sạch” diện tích 2 ha, năm vừa qua đã mở rộng lên 5 ha và dự kiến năm nay tiếp tục mở rộng lên 11 ha. Cùng đó, lâu nay thôn cũng có mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với 50 ha. Trong canh tác điều, thôn đã thành lập mô hình tổ chăm sóc điều ghép với 12 hội viên ban đầu, nay đang dần được mở rộng với gần 27 ha điều ghép cao sản. Thôn còn có mô hình trồng cao su trên đồi, đến nay đã có nhiều hộ dân tham gia trồng hơn 7 ha cao su đang cho thu hoạch.
Về chăn nuôi, Cao Sinh thực hiện các mô hình đang hoạt động rất hiệu quả, trong đó có mô hình chăn nuôi bò lai. Cách đây chừng chục năm, vào năm 2008, thôn chỉ có khoảng 20 con bò, thì nay đã có 33 hộ cùng nuôi bò với tổng đàn bò lai 125 con. Trong thôn còn có 5 hộ nuôi trâu, nhiều hộ nuôi heo gà. Với mô hình nuôi cá, rất nhiều hộ trong thôn nay có ao nuôi, tổng diện tích nuôi khoảng 10 ha, thu nhập bình quân 3 tấn/ha/năm với giá bán khoảng 35 nghìn đồng/kg.
Khi cả thôn cùng đồng lòng
Để giảm nghèo, giải quyết việc làm, Chi hội Phụ nữ thôn nhiều năm nay đã đứng ra tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho nhiều hộ nghèo trong thôn với tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Trong hơn 10 năm nay, số hộ nghèo của thôn đã giảm từ 20 hộ xuống chỉ còn 1 hộ duy nhất. Hộ nghèo này là đồng bào dân tộc thiểu số, đông nhân khẩu, con còn nhỏ, thiếu đất sản xuất và thôn cũng đang tìm cách để giúp đỡ. Gần đây, Mặt trận xã và huyện đã hỗ trợ cho hộ nghèo này 30 triệu đồng để sửa lại căn nhà đang ở.
Nhờ phát huy các mô hình kinh tế hiệu quả, làm tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nên thu nhập người dân tăng nhanh, đến nay mức thu nhập bình quân của thôn Cao Sinh trên 40 triệu đồng/người/năm. Trong thôn, như ông thôn trưởng cho biết, số hộ làm ăn khá chiếm trên 60%, trong đó đã có không ít gia đình làm giàu từ đất vườn nhà như gia đình ông Đỗ Văn Trung với 5 ha ruộng lúa, 5 ha điều, mỗi năm thu nhập khoảng 700 triệu đồng.
Một điểm nổi bật khi chúng tôi đến thăm thôn vùng sâu này chính là hệ thống đường nông thôn được bê tông hóa rộng rãi, dẫn đến từng xóm nhà. Trong vòng 10 năm, người dân đã đóng góp trên 1,76 tỷ đồng để làm đường giao thông cùng rất nhiều ngày công, nhiều người hiến đất mở đường và làm các công trình dân sinh. “Cơ bản 90% đường trong thôn đã được bê tông hóa” - ông Hổ nói. Và đặc biệt, đường thôn ngõ xóm nơi đây khá sạch nhờ thôn vận động người dân tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường.
Với sự hỗ trợ của một đơn vị trong huyện, có 14 bóng điện chiếu sáng được lắp ở trục đường chính trong thôn, cùng đó thôn Cao Sinh vận động hằng trăm ngày công của dân trồng 250 cây Hồng lộc ven đường; thành lập 3 tổ tự quản với 43 gia đình tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng.
Rất nhiều điểm sáng khác mà thôn Cao Sinh làm được trong nhiều năm nay như duy trì không có người sinh con thứ 3 trở lên, thôn không có đơn thư khiếu kiện... Như đại diện Chi bộ thôn cho biết, thôn có một tổ hòa giải, khi có mâu thuẫn trong dân, tổ sẽ cử người đến tận nhà tìm hiểu, vận động người dân sắp xếp với nhau trong tinh thần tình làng nghĩa xóm. Mọi khoản đóng góp, vận động của thôn đều được đem ra bàn bạc, lấy ý kiến người dân nên hầu như mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa ban đầu.
Với những thành tích này, thôn Cao Sinh trong nhiều năm liền, từ năm 2008 đến nay, chi bộ luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, từ năm 2013 đến nay, thôn đã liên tục nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, huyện, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh công nhận là thôn kiểu mẫu năm 2017. Trong năm 2018 vừa qua, thôn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
GIA KHÁNH