Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao

02:03, 25/03/2019

(LĐ online) - Năm 2019, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) tại Việt Nam là "Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030", với mục tiêu vào năm 2030, dự báo dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao mỗi năm.

(LĐ online) - Năm 2019, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) tại Việt Nam là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, với mục tiêu vào năm 2030, dự báo dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao mỗi năm.
 
Giao ban mạng lưới phòng chống bệnh xã hội toàn tỉnh năm 2019 (trong đó có bệnh lao, HIV…) tại Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng
Giao ban mạng lưới phòng chống bệnh xã hội toàn tỉnh năm 2019 (trong đó có bệnh lao, HIV…) tại Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng
 
* Còn 19% số người mắc bệnh lao chưa được phát hiện 
 
Phát biểu tại lễ phát động Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá hiệu quả trong phòng chống lao, nhưng đến nay vẫn còn 120.000 người mắc lao mới và 12.000 người chết vì bệnh lao (bằng 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông).
 
Trên thế giới, cứ 100 người nhiễm bệnh lao thì chỉ có 61 người được phát hiện. Ở Việt Nam tỷ lệ này cao hơn, cứ 100 người nhiễm bệnh thì có tới 81 người được phát hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 19% số người mắc bệnh lao chưa được phát hiện, trong khi việc phát hiện và điều trị sớm vô cùng quan trọng và có tính quyết định. 
 
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong phòng chống bệnh lao, đã hình thành một hệ thống phòng chống căn bệnh này với sự tham gia không chỉ của ngành Y tế mà có sự tham gia của các tổ chức xã hội. Đồng thời, một cơ chế tài chính từng bước hình thành cơ bản, bảo đảm cho công tác phòng chống và chữa trị bệnh lao từ nguồn ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế, tài trợ quốc tế, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao… Đến thời điểm này, nguồn kinh phí dành cho hoạt động chống lao ở Việt Nam khoảng 60 triệu USD/năm, để chữa trị cho 1 bệnh nhân lao chỉ cần chưa đến 10 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng tiền thuốc.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu về bệnh lao. Đồng thời, củng cố cơ chế tài chính, ứng dụng các kỹ thuật phát hiện, điều trị mới, hình thành các chương trình hỗ trợ người bệnh, huy động sự tham gia của toàn xã hội thông qua hệ thống công nghệ thông tin...
 
* Phòng chống lao kháng thuốc và lao ở trẻ em:
 
Từ năm 2018 đến nay, tại Lâm Đồng đã phát hiện 246 bệnh nhân lao phổi, toàn tỉnh đang thu dung điều trị 617 bệnh nhân lao, tăng 6% so với cùng kỳ. Số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới điều trị khỏi là 508 người. Tỷ lệ bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới điều trị khỏi đạt 87% (đạt yêu cầu của Chương trình chống lao Quốc gia >85%).
 
Tuy nhiên, thách nhức nhiều năm nay là tình trạng bệnh lao kháng thuốc. Năm 2019, toàn tỉnh phát hiện có 9 bệnh nhân lao kháng thuốc. Số bệnh nhân lao kháng thuốc thu nhận điều trị toàn tỉnh là 12 bệnh nhân, phân bố ở nhiều địa bàn:  Bảo Lộc 1, Cát Tiên 1, Đạ Tẻh 2, Bảo Lâm 1, Đà Lạt 3, Di Linh 3, Đức Trọng 1 (đã chết). Để đảm bảo đúng quy trình điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc, các huyện chuyển mẫu an toàn sinh học làm xét nghiệm Gene Xpert phát hiện bệnh nhân lao kháng thuốc theo đúng quy định của chương trình. 
 
Hoạt động phòng chống lao trẻ em tại Lâm Đồng ngày càng được quan tâm, với số bệnh nhân lao trẻ em phát hiện và điều trị lao là 18 trẻ thuộc 10 huyện, thành phố; còn 2 đơn vị Bảo Lộc và Đạ Tẻh chưa phát hiện bệnh nhân lao trẻ em. Số trẻ được điều trị dự phòng INH là 41 trẻ trên 43 trẻ tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi.  
 
Chương trình hoạt động phối hợp y tế công tư (PPM), trong năm 2018, có 29 người nghi lao được gửi đến các tổ chống lao để khám, phát hiện bệnh lao (tại Lạc Dương 9 người, Đức Trọng 1, Bảo Lộc 1, Đạ Huoai 1, Cát Tiên 17), trong đó, phát hiện được 1 bệnh nhân lao ở Đức Trọng. Các Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng đã phối hợp trong công tác khám, phát hiện bệnh nhân lao, qua đó đã phát hiện được 98 /246 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới (chiếm 40% công tác phát hiện trong toàn tỉnh). Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt đã có sự phối hợp với Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng trong chuyển gửi những người nghi lao, tuy nhiên chưa thực hiện xét nghiệm soi đàm trực tiếp tại bệnh viện.
 
* Thách thức bệnh lao/HIV
 
Theo Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV toàn tỉnh 547/605 bệnh nhân; đạt 90,4% (đạt so với quy định của chương trình là 90%). Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân lao xét nghiệm HIV còn thấp tại các Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai 46,4% và Đạ Tẻh 41,9%.
 
Số người nhiễm HIV được sàng lọc lâm sàng lao trên số người nhiễm HIV được quản lý là 701/722 bệnh nhân, đạt 97 %; chụp X-Quang 123/224 bệnh nhân, đạt 55%; làm Gene Xpert 12/224 bệnh nhân, đạt 5%, không phát hiện có bệnh nhân lao.
 
Có 13 BN lao/HIV đăng ký điều trị bệnh lao trong năm 2018. Tỷ lệ bệnh nhân lao/HIV được điều trị ARV là 12/13 bệnh nhân, đạt 92,3%.
 
Một số tồn tại trong công tác này như: Cán bộ phòng chống lao ở một số địa phương còn thay đổi, chưa được tập huấn kịp thời, ảnh hưởng tới hoạt động công tác chống lao tại các tuyến. Số người nhiễm HIV được tầm soát lao bằng xét nghiệm soi đàm trực tiếp còn thấp tại huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đơn Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Tỷ lệ bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV thấp tại huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh (chưa đạt 90% theo quy định). Hiệu suất phát hiện bệnh nhân lao thấp tại hầu hết các đơn vị y tế tuyến huyện, thành phố. Tỷ lệ trẻ được điều trị dự phòng INH thấp tại Bảo Lộc, Lạc Dương.
 
* Giải pháp hữu hiệu
 
Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội nêu các giải pháp khắc phục đó là: Tăng cường công tác phối hợp y tế công tư (PPM), triển khai 80-90% trên tổng số cơ sở tư nhân phối hợp. Thường xuyên hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, đặc biệt các huyện có cán bộ mới. Tăng cường công tác đào tạo, giao ban, tập huấn nâng cao năng lực, trách nhiệm cho cán bộ mạng lưới phòng chống lao. Đảm bảo 90% số bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV và thực hiện trên 50% số người nhiễm HIV được làm xét nghiệm đàm để phát hiện lao. Cần tăng cường lấy mẫu đàm đúng đối tượng và chất lượng tại các đơn vị có hiệu suất phát hiện để đạt được hiệu suất phát hiện từ 1/10 - 1/15. Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với các phòng y tế trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp, khám, phát hiện và chuyển người nghi lao đến tại tổ chống lao. Hoạt động xét nghiệm soi đàm trực tiếp cần thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của chương trình. 
 
AN NHIÊN