Năm 2019, huyện Di Linh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5%, xuống còn 3 - 3,2%.
Năm 2019, huyện Di Linh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 1,5%, xuống còn 3 - 3,2%.
Ấn tượng từ sự thay đổi
Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi về thôn N’Jọe (xã Đinh Lạc) và thật sự ấn tượng trước sự thay đổi tích cực của người dân nơi đây. Hướng mắt về phía những ngôi nhà mới xây khang trang trong thôn, già làng K’Tiếu lộ rõ niềm vui: “Trước kia, cuộc sống của bà con thôn N’Jọe rất vất vả. Cái ăn, cái mặc thì thiếu thốn, nhà cửa thì tạm bợ. Những năm trở lại đây, nhờ sự đầu tư của Đảng và Nhà nước qua các chương trình giảm nghèo, cùng với sự thay đổi tư duy trong cách làm ăn của người dân, cuộc sống bà con nơi đây đã đổi thay tích cực. Ở thôn N’Jọe hôm nay, việc người dân làm được những căn nhà kiên cố, từ 500 - 800 triệu đồng; thậm chí, mua sắm được cả xe ô tô cũng không phải là hiếm”. Ông K’Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Lạc, nói thêm: “Bây giờ, rất nhiều bà con dân tộc thiểu số không những biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà còn đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm. Đó cũng là giải pháp giúp thôn N’Jọe ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện”.
|
Từ những nguồn cây giống được hỗ trợ, nhiều người dân ở huyện Di Linh đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: T.Đ |
Như nhiều địa phương khác của huyện Di Linh, xã Tân Thượng giờ đây cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Ông K’Đức, khuyến nông viên xã Tân Thượng, cho biết: “Ngày trước, người K’Ho ở Tân Thượng chỉ cần đủ ăn là mừng rồi. Bây giờ, không những đủ ăn, người K’Ho còn vươn lên làm giàu. Có nhiều gia đình thu trên 20 tấn cà phê/năm. Điển hình như gia đình ông K’Jổi, ông K’Đếp, cùng ngụ Thôn 3”. Theo ông K’Brồi, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, những năm qua, người dân xã Tân Thượng đã chủ động hơn trong việc chọn lựa cây giống cà phê có năng suất cao, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững. Cùng đó, người dân xã Tân Thượng còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, kiểm soát dịch bệnh gây hại. Nhờ đó, năng suất và chất lượng cà phê tăng, kéo theo thu nhập của nông dân tăng. “Trong tổng số diện tích hơn 3.232 ha cà phê của xã, đến nay, Tân Thượng đã tái canh được hơn 1.463 ha. Trước tái canh, năng suất cà phê nơi đây chỉ đạt 2 tấn/ha, sau khi tái canh, năng suất cà phê tăng lên 3 - 5 tấn/ha”, ông K’Brồi nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré, cho rằng: việc người dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, được khuyến khích chọn các giống mới năng suất cao, được hỗ trợ cây giống để đẩy mạnh tái canh vườn rẫy cà phê, bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là giải pháp giúp Gung Ré giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng số hộ khá và hộ giàu. Hiện, năng suất cà phê bình quân ở xã Gung Ré đạt 3 - 4 tấn/ha. Bên cạnh cây cà phê, ở Gung Ré, cây lúa cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống của người dân. Nhờ chú trọng đầu tư, từ khâu chọn giống, làm đất cho đến khâu chăm sóc, rồi áp dụng cơ giới hóa, năng suất cây lúa đã tăng đáng kể, đạt 5 tấn/ha. Ông K’Brốp (ngụ thôn Hàng Làng, xã Gung Ré), người có hơn 1 ha lúa và 2 ha cà phê, phấn khởi: “Có lúa, có cà phê, đời sống gia đình tôi ngày càng khấm khá”.
Những đổi thay ở Tân Thượng, Gung Ré, hay Đinh Lạc chỉ là những nét chấm phá cho công tác giảm nghèo ở huyện Di Linh. Theo ông Ngô Nguyên Tài, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Di Linh, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế nhằm tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình tín dụng ưu đãi với hộ nghèo, chương trình tái canh cây cà phê, đến cuối năm 2018, mà tỷ lệ hộ nghèo của Di Linh chỉ còn 1.921 hộ (chiếm tỷ lệ 4,71%), giảm 1,43% so với năm 2017. Trong đó, 1.188 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 8,09%), giảm 2,56% so với năm 2017.
Nỗ lực vươn lên không ngừng
Có được những chuyển biến tích cực về giảm nghèo như hôm nay, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Nhật Thi, là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cụ thể, trong năm 2018, huyện Di Linh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, như cấp 2.443 giấy chứng nhận hộ nghèo, 2.472 giấy chứng nhận hộ cận nghèo; cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho 7.468 người nghèo, 6.380 thẻ cho người thuộc hộ cận nghèo, 37.604 thẻ cho người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, 2.657 thẻ cho người sinh sống ở các vùng đặc biệt khó khăn và 3.833 thẻ cho người thuộc hộ làm nông có mức sống trung bình. Ngoài ra, năm 2018, huyện Di Linh còn xây mới 15 căn nhà ở cho 15 hộ nghèo theo Đề án 654 của UBND tỉnh, cũng như hỗ trợ 582 hộ nghèo, 660 hộ cận nghèo, 62 hộ dân tộc thiểu số, 641 hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi. Tổng số vốn ưu đãi cho các nhóm đối tượng trên vay hơn 74 tỷ đồng và tổng dư nợ hơn 186 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 3.400 lao động. Trong đó, 50 lao động đi xuất khẩu ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan.
Mặc dù Di Linh hiện không còn xã nghèo theo Chương trình 30a, nhưng huyện đã vận dụng các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững để đầu tư, hỗ trợ cho 13 thôn nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2018, huyện Di Linh hỗ trợ 800 triệu đồng cho 6/13 thôn nghèo để hỗ trợ 100 hộ nghèo, cận nghèo mua phân bón, nông cụ sản xuất, cây và con giống... “Thời gian tới, cùng với việc tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện Di Linh sẽ lồng ghép nguồn vốn và phát huy nội lực để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là ở những thôn khó khăn, để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo. Trong đó, huyện Di Linh sẽ tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng chuỗi liên kết, để tăng năng suất, giá trị cây - con; qua đó, nâng cao đời sống cho Nhân dân”, ông Thi trao đổi.
Theo ông Thi, chỉ tiêu thực hiện công tác giảm nghèo năm 2019 của huyện Di Linh phấn đấu giảm từ 1,0 - 1,5%, xuống còn 3,2% và tỷ lệ này giảm từ 1,5 - 2,5% trong người dân tộc thiểu số, xuống còn 6,0%.
T.ÐỒNG