Những năm qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong lực lượng Công an Lâm Ðồng thường xuyên được quan tâm đẩy mạnh gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Công an Nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì Nhân dân phục vụ", "Công an Nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an Lâm Ðồng thường xuyên được quan tâm đẩy mạnh gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Công an Nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì Nhân dân phục vụ”, “Công an Nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.
|
Bên cạnh công tác chuyên môn, các ĐVTN luôn năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động phong trào. Ảnh: Hồng Thắm |
Trong công tác tuyên truyền về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhiều hình thức được triển khai thực hiện như: tuyên truyền trên mạng nội bộ của Công an tỉnh, chuyên mục “An ninh” trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh, trên Báo Lâm Đồng… Nhiều mô hình, cách làm hay, các hoạt động thiết thực, hiệu quả. Điển hình như mô hình “Ngày thứ bảy - Vì Nhân dân phục vụ”, bởi trong ngày cuối tuần này, tổ tiếp công dân tích cực giải quyết các thủ tục hành chính bao gồm: Đăng ký, quản lý phương tiện; xử lý vi phạm hành chính; cấp phát CMND, Hộ khẩu thường trú…; phối hợp với Bưu điện mở dịch vụ cấp phát Giấy chứng nhận đăng ký xe, CMND, Hộ chiếu tận nhà cho người dân khi có yêu cầu. Kết quả đến nay, 100% các đơn vị, địa phương đều triển khai mô hình này đảm bảo nghiêm túc, phục vụ Nhân dân tận tình, giải quyết kịp thời công việc cấp bách cho công dân.
Trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, nhiều mô hình hiện đang phát huy hiệu quả, tiêu biểu như mô hình “Khu dân cư không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Liên hộ tự quản về an ninh, trật tự”, “Giáo họ không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Giáo xứ an toàn giao thông”… Một trong những mô hình “Dân vận khéo” thiết thực được quần chúng nhân dân tin yêu là việc tổ chức cấp CMND cho người già, tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số và học sinh ở các xã, thôn, vùng sâu, xa. Đây là cách làm hay mà trong thời gian qua Công an Lâm Đồng luôn duy trì và đẩy mạnh.
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã được Bộ Công an ghi nhận trong năm 2018 như: Mô hình “Camera an ninh” của Công an xã Gung Ré - huyện Di Linh; mô hình “Đội tuần tra nghĩa vụ thôn Phú Ao” của Công an xã Phú Hội - huyện Đức Trọng; mô hình “Đội phòng cháy, chữa cháy tự quản thị trấn Lạc Dương” của Công an thị trấn Lạc Dương hay mô hình “Tổ tự quản về ANTT” của Công an xã Hà Lâm - Đạ Huoai…
Bên cạnh đó, lực lượng công an các đơn vị, địa phương còn xây dựng được nhiều mô hình, các hoạt động, khẩu hiệu hành động “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả. Đơn cử như mô hình “Hướng dẫn thi giấy phép lái xe A1”, hoạt động “Ấm lòng nồi cháo từ thiện”; mô hình “Tiểu thủ công nghiệp” để vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, nâng cao đời sống vật chất và khẩu hiệu “Mỗi ngày làm một việc tốt vì Nhân dân”…
Đặc biệt, diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” được thực hiện thường xuyên. Thông qua diễn đàn thu nhận thông tin, ý kiến phản biện của toàn xã hội, nâng cao ý thức tự rèn, tự chỉnh đốn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Đồng thời tiếp thu ý kiến Nhân dân nhằm hạn chế sai phạm, tiêu cực trong lực lượng công an; giúp cho lực lượng công an nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm với công việc; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, xây dựng phong cách người công an gần gũi, thân thiện với Nhân dân, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao và đặc biệt tạo hình ảnh đẹp trong lòng Nhân dân để Nhân dân tin yêu và làm theo.
Với phương châm “Xây dựng nếp sống văn hóa vì Nhân dân phục vụ”, công an các đơn vị, địa phương đã chú trọng nâng cao công tác tiếp dân với những cách làm hay, sáng tạo. Đó là việc xây dựng, chỉnh trang nơi tiếp dân thoáng mát, sạch sẽ, lịch sự; niêm yết công khai bằng tiếng Việt và tiếng Anh các quy định, biểu mẫu, thủ tục, thời hạn giải quyết đối với từng thủ tục, biểu giá lệ phí theo quy định, nội quy cơ quan và lịch tiếp dân, thông báo công khai số điện thoại của bộ phận trực giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh trên giấy biên nhận để người dân có thể liên hệ hỏi về thủ tục hoặc kết quả giải quyết hồ sơ. Với những hồ sơ chưa đủ điều kiện, cán bộ trực tiếp hướng dẫn cho người dân, không để người dân phải đi lại nhiều lần, gây phiền hà… để đạt mục tiêu nhanh về thời gian, gọn về thủ tục, đúng quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ luôn có thái độ đúng mức, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân, không có trường hợp bị phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả…
Công tác từ thiện, nhân đạo, nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, tạo sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, chiến sỹ, đảng viên với Nhân dân cũng được lực lượng công an quan tâm, phối hợp thực hiện. Qua đó, phối hợp với các đơn vị tổ chức phát quà cho các hộ nghèo tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương; chỉnh trang phân hiệu Trường Tiểu học Xuân Thành, thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh và tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo cho 600 em là người đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Lát, huyện Lạc Dương...
Với những kết quả đạt được như trên, trong năm 2018, cán bộ, chiến sĩ Công an Lâm Đồng đã được Chủ tịch nước tặng và truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc các hạng cho 28 cá nhân; UBND tỉnh, Bộ Công an tặng cờ thi đua cho 1 tập thể, bằng khen cho 24 tập thể, 39 cá nhân; các Tổng cục tặng bằng khen cho 5 tập thể, 11 cá nhân; Giám đốc Công an Lâm Đồng tặng giấy khen cho 296 tập thể, 754 cá nhân.
Đại tá Lê Hồng Phong - Phó Giám đốc Công an tỉnh nhận xét: Công tác xây dưng mô hình “Dân vận khéo” của Công an Lâm Đồng thời gian qua luôn được đẩy mạnh. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đại tá Lê Hồng Phong cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ban Giám đốc Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận. Tích cực xây dựng mô hình “Dân vận khéo”; duy trì và nâng cao hiệu quả của các mô hình đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
NGUYÊN THI - HUỲNH THẢO