Thôn Ðam Pao (xã Ðạ Ðờn,huyện Lâm Hà) nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tuy vậy, để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm được dệt hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên, càng giặt càng sáng màu thì không phải nghệ nhân nào cũng có thể làm được. Hiện dòng sản phẩm này đang có nguy cơ bị thất truyền.
Thôn Ðam Pao (xã Ðạ Ðờn,huyện Lâm Hà) nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tuy vậy, để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm được dệt hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên, càng giặt càng sáng màu thì không phải nghệ nhân nào cũng có thể làm được. Hiện dòng sản phẩm này đang có nguy cơ bị thất truyền.
|
Bà Long Đinh Ka Niêr cùng sản phẩm của mình |
Bà Long Đinh Ka Niêr, một trong những nghệ nhân làng dệt Đam Pao chia sẻ, bà đã có mấy chục năm cúi mình trên khung dệt, với những con chỉ màu được nhuộm từ cây lá tự nhiên. Ưu điểm của loại vải được dệt hoàn toàn từ thiên nhiên này chính là càng giặt, màu càng sáng. Tuy nhiên, để tạo nên những sợi chỉ có màu đẹp đúng chuẩn, theo niềm tin của bà, người nghệ nhân cần phải kiêng ăn thịt mỡ của trâu, bò, dê. Đặc biệt là không để tay họ chạm vào các loại thực phẩm trên để những sợi chỉ bông được lên màu.
Được biết, nguyên liệu tạo nên màu sắc của sợi chỉ dùng để dệt vải cũng được lấy từ thiên nhiên như màu xanh được lấy từ lá xoài, màu vàng từ nghệ tươi, màu cam từ bột cà ri,… Trong đó, màu đen là kì công nhất. Người nghệ nhân phải sử dụng cả vỏ hến, ớt và một số nguyên liệu khác kết hợp với một loại lá đặc biệt được hái từ rừng trộn lại tạo thành một hỗn hợp. Sau đó, ngâm hỗn hợp suốt hai ngày hai đêm, qua các công đoạn vắt mạnh, giã nát. Thành phẩm lắng đọng ở khâu cuối cùng được giữ lại và tiếp tục được đem đi nhuộm. Bà Long Đinh Ka Niêr tự tin khẳng định: “Trong suốt quá trình nhuộm màu chỉ dệt, tôi cũng không cần dùng đến bất kì đồ bảo hộ nào mà cũng không bị dây màu nhuộm”.
Thông thường, mỗi nghệ nhân chỉ mất từ hai đến ba ngày đã có thể tạo nên một sản phẩm thổ cẩm. Tuy nhiên, với loại vải thổ cẩm thiên nhiên trên, nữ nghệ nhân phải mất từ một đến hai tuần mới làm xong.
Để có những sợi chỉ chuẩn thiên nhiên, mọi khâu trong quá trình đều rất tốn công. Từ trồng bông, thu hoạch cho đến bước xe sợi chỉ thành những cuộn tròn dài, tất cả các công đoạn này đều làm bằng tay. Không những thế, để làm đúng quy trình, bà phải đặt làm những chiếc máy kéo sợi bằng tay riêng, giá tầm một triệu đồng. Vấn đề nguồn cung cấp bông cũng gây không ít khó khăn, nếu lượng đơn hàng tăng lên nhiều hơn mức bình thường, bông cũng rất dễ bị “cháy hàng”.
Bà Long Đinh Ka Niêr chia sẻ, nếu chỉ dệt những họa tiết đơn giản thì khoảng một đến hai ngày bà sẽ dệt xong một miếng vải. Nhưng đối với các họa tiết tinh xảo, cầu kì bà phải mất khoảng một tuần mới hoàn thành và khách hàng phải đặt hàng trước vào tầm tháng hai hoặc tháng ba mới sở hữu được miếng vải từ thiên nhiên này. Theo đó, giá cả cũng dao động từ 500 nghìn đồng cho đến 1 triệu đồng tùy vào chất lượng từng loại. Bà cũng nhận dệt các sản phẩm được làm từ những sợi chỉ công nghiệp thông thường như những nghệ nhân khác trong thôn.
Một nữ nghệ nhân khác cùng thôn - bà Cil Ka Jraì tâm sự rằng đa số các sản phẩm trong thôn đều được dệt từ những sợi chỉ được đặt mua từ Thành phố Hồ Chí Minh. Giá thành mỗi sản phẩm từ 250 nghìn đồng trở lên. Chủ yếu khách hàng là những người đồng bào dân tộc thiểu số cần đặt mua để sử dụng trong các dịp lễ đặc biệt hoặc khách du lịch, khách nước ngoài hay khách hàng thân quen mua hộ… Việc sử dụng các loại chỉ dệt công nghiệp tiện lợi hơn so với thủ công, do vậy thời gian tạo ra sản phẩm cũng nhanh hơn và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nhiều hơn. Vì vậy, con gái buôn Đam Pao cũng “lười” phải học nhuộm hay áp dụng những điều phải kiêng để có những cón chỉ màu hoàn toàn thiên nhiên.
Hiện bà Long Đinh Ka Niêr chính là nữ nghệ nhân duy nhất ở Đam Pao có thể dệt nên những sản phẩm thổ cẩm đặc biệt này. Tuy vậy, bà đã bảy mươi tuổi. Những nghệ nhân biết cách tạo ra dòng sản phẩm thiên nhiên quý hiếm thường là các nghệ nhân cao tuổi, họ duy trì sản phẩm theo cách làm truyền thống do thế hệ cha ông đời trước truyền lại. Dệt thổ cẩm là một nét văn hóa độc đáo rất cần được gìn giữ và phát triển, tuy nhiên, nguy cơ dòng sản phẩm thủ công thiên nhiên này bị thất truyền đang là nỗi lo của những người nghệ nhân ở độ cao niên.
H’RI - KHÁNH LY