Mọi gian nan rồi cũng qua đi chỉ có tình người ở lại. Tạo lập thế trận lòng dân bằng tất cả sự chân tình và nỗ lực để rồi chính tình yêu của bà con lại trở thành động lực để những người lính tiếp tục về với dân và cùng với đó nhiều trí thức trẻ tình nguyện cũng đến với Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP).
Tình người níu những bước chân
[links(right)]
Mọi gian nan rồi cũng qua đi chỉ có tình người ở lại. Tạo lập thế trận lòng dân bằng tất cả sự chân tình và nỗ lực để rồi chính tình yêu của bà con lại trở thành động lực để những người lính tiếp tục về với dân và cùng với đó nhiều trí thức trẻ tình nguyện cũng đến với Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP).
|
Trí thức trẻ tình nguyện đến từng nhà dân để tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình |
Đồng hành trong sản xuất
Theo chân Thiếu tá Nguyễn Ngọc Minh - Đội trưởng Đội sản xuất số 1 từ trụ sở Đoàn KTQP vào đội sản xuất đóng chân trên địa bàn thôn Đa Kao1, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông. Đội sản xuất số 1 gồm 13 thành viên, trong đó có 7 cán bộ sĩ quan và 6 trí thức trẻ tình nguyện đều là người dân tộc thiểu số (DTTS).
Đội sản xuất số 1 hiện nay quản lý hơn 13 ha đất, trong đó có 6,5 ha cà phê. Phần còn lại được đội chia ra trồng dâu tằm, trồng cỏ nuôi bò, đào ao nuôi cá, nuôi vịt đẻ trứng, nuôi heo lai rừng và gà…
Năm 2011, đội được thành lập, những người lính đặt chân lên vùng đất toàn cỏ, lồ ô, cây bụi. Tại đây, tinh thần của người lính được phát huy trong việc tăng gia sản xuất và đã chứng tỏ “thương hiệu” người lính. Hiện tại đội đang có 400 con vịt đang độ tuổi đẻ trứng, hai hồ nước rộng trên 1.500 m2 nuôi cá, 400 con gà thả vườn, 35 con heo, 10 con bò lai… Mỗi năm tổng thu nhập của đội gần 300 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, ngoài việc phát triển sản xuất, đội còn giúp bà con cây, con giống, kỹ thuật và cả kinh phí đỡ đầu các gia đình khó khăn trên địa bàn.
“Bộ đội cũng như người trong buôn làng mà”, ông Cil Nếu (54 tuổi), người dân thôn Đa Kao 1, nói. Hộ gia đình ông Cil Nếu được Đội sản xuất số 1 hỗ trợ 30 con gà giống và 1m2 đất có giun quế. Các thành viên trong đội thường xuyên bám sát hỗ trợ gia đình ông về kỹ thuật để rồi đến nay gia đình ông đã mua thêm 200 con và nuôi thêm giun quế để chủ động cho việc chăn nuôi. Không những vậy, Cil Nếu còn tự đầu tư máy ấp trứng để kinh doanh con giống. “Ngày trước mình nuôi gà cứ thả trong vườn cà phê, gà đã ít mà có khi còn đi lạc mất, chẳng bao giờ có gà, có trứng bán lấy tiền. Bây giờ mình nuôi gà như bộ đội nên chúng nhanh lớn lắm, lại chẳng hao hụt con nào, đem bán nên tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình. Nhiều bà con trong xã Đạ Long ra mua trứng, mua gà giống hỏi mình cách nuôi mình cũng chỉ cho tường tận như những gì bộ đội chỉ mình ấy” - ông Cil Nếu cười kể. Không chỉ với gia đình ông Cil Nếu mà mọi việc trong thôn, xã đều có anh em trên đội xắn tay vào chỉ giúp.
Và cũng vì thế mà ông Cil Nếu đã thuyết phục cậu con trai duy nhất của mình - Cil Lin Nai (24 tuổi) vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc ngành Bảo vệ thực vật nộp đơn tham gia trí thức trẻ tình nguyện ở Đoàn KTQP. Bởi ông tâm niệm “Môi trường quân đội sẽ giúp con nhanh chóng trưởng thành”.
Trung úy Liêng Hót Ha Len (39 tuổi), một người con của Đầm Ròn trưởng thành trong môi trường quân đội nói: “Nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn luôn thấy mình là người may mắn. Trong số những thanh niên Đầm Ròn lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2002, tôi được gắn bó lâu dài trong quân đội. Những tháng ngày làm người lính đã giúp tôi thay đổi nhiều về tư tưởng và trưởng thành hơn rất nhiều”. Thực sự đã có nhiều sự thay đổi lớn trong chàng trai Ha Len ngày ấy. Nhưng có lẽ sự thay đổi đáng nói nhất mà đến giờ nhiều người nơi Đầm Ròn vẫn nhắc tới khi nói về anh là việc anh đã đi ngược lại tục mẫu hệ. Ha Len lấy vợ xuất phát từ tình yêu. Người con gái dân tộc Chu Ru mà anh yêu đã theo anh về làm ăn ở Đầm Ròn khi anh về công tác ở Đoàn KTQP và được phân về Đội sản xuất số 1. Ngoài việc chuyên môn, anh chị vẫn chăm lo sản xuất trên nương rẫy, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập đảm bảo cho hai con ăn học đầy đủ. “Anh em trong đội vẫn thường lấy chính câu chuyện của mình để vận động bà con. Mong sao bà con thấy thế mà thay đổi, mà chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo”.
Câu chuyện của chúng tôi với Ha Len chỉ chóng vánh bởi ngay sau đó anh phải vào rừng, để làm nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tuần tra, nắm tình hình dân di cư tự do vào phá rừng làm rẫy. Nhìn bóng Ha Len nhanh chóng rời đi, tôi thật sự mong ở Đầm Ròn này sẽ có nhiều người đàn ông như thế. Dù họ trong hay ngoài quân đội họ vẫn tự lực, tự cường, chủ động vươn lên phát triển kinh tế đi lên. Thiếu tá Minh nói: “Khó khăn nhất hiện nay là sức ì trong bà con còn quá lớn. Sự nỗ lực của đội, của địa phương đã tạo ra những bước chuyển biến nhưng chưa đủ để thay đổi. Bởi vậy, để vực dậy kinh tế của cả vùng thật sự là một thử thách đòi hỏi tất cả phải vào cuộc quyết liệt không chỉ trong ngày một, ngày hai”.
|
Dẫu có phải luồn rừng, lội suối, bất kể ngày hay đêm bác sỹ quân y vẫn tới chăm sóc sức khỏe cho bà con |
Tình nguyện xin về công tác vùng sâu
Trung tá, bác sỹ Nguyễn Viết Dũng - Bác sỹ Chuyên khoa I, Phó phòng khám quân dân y kết hợp tại xã Phi Liêng từng làm việc tại Bệnh xá H32 thuộc Bộ CHQS tỉnh. 10 năm trước, sau khi Đoàn KTQP tách ra hoạt động độc lập anh đã chủ động xin về đây công tác. Và suốt từ đó đến nay, cũng đã có lệnh điều anh quay trở lại công tác ở thành phố nhưng nhớ bà con anh lại lần nữa xin về. “Sự yêu thương của bà con dành cho mình những năm qua khiến mình chưa một lần nào ân hận với quyết định xin về năm đó” - bác sỹ Dũng cười khẳng định.
Phòng khám quân dân y kết hợp gồm có 2 lực lượng dân sự và quân y. Phía dân sự có 1 bác sỹ, 2 điều dưỡng 2 nữ hộ sinh và 1 trung cấp dược. Còn quân y có 1 bác sỹ và 3 trí thức trẻ tình nguyện. Phòng khám được thành lập để làm công tác y tế dự phòng, cấp cứu ban đầu và khám chữa bệnh cho Nhân dân trong khu vực. Những năm trước đây, phòng khám quân dân y kết hợp không lúc nào ngưng bệnh nhân. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nên phòng khám là một trong những nhiệm vụ được chú trọng đầu tư xây dựng. Vào thời điểm những năm đầu thành lập, đa phần bác sỹ phải chủ động vào tận buôn làng để khám chữa bệnh cho bà con với những căn bệnh như hô hấp, suy nhược cơ thể, sốt rét, suy dinh dưỡng ở trẻ em… xảy ra ở khu vực này.
Những năm trước 2005, bệnh sốt rét diễn ra rất nhiều, cán bộ phòng khám phải vào tận các buôn làng, tiểu khu… để dập dịch cho bà con. Chính tay bác sỹ phải nhúng thuốc mùng mền, cọ sạch các thùng đựng nước và giúp bà con dọn dẹp nhà ở, khu chăn nuôi sạch sẽ để diệt các mầm bệnh. Những ngày đấy nhiều lúc chứng kiến bà con từ tận vùng sâu, vùng xa, trong các tiểu khu ra chữa bệnh mà phải gói cơm nắm chấm muối trắng hay chấm cà đắng ăn qua bữa mà thương vô cùng. Ngoài hỗ trợ chỗ ngủ, bác sỹ phải dùng chính đồng lương của mình để hỗ trợ cái ăn. Ở vùng này có không ít trường hợp, người mẹ mang thai nhưng vẫn đi làm nên có nhiều đứa trẻ sinh rơi ngay trên rẫy nên hễ bà con ra tìm bác sỹ là phải vội chạy vào cứu cả mẹ, lẫn con. Hay có những gia đình ở sâu trong rừng, bệnh nặng, các y bác sỹ lại khăn gói luồn rừng vào tận nơi để chữa trị. Hay có những đêm khuya, đám thanh niên trong thôn đi xe máy qua đèo mà không có đèn xe chẳng may gặp tai nạn, được báo tin, bác sỹ lại vội vàng ra giữa đèo cấp cứu trong đêm. Và từ năm 2013, khi được trang bị xe cứu thương, nhiều lần bác sỹ ở phòng khám quân dân y kết hợp lại ngồi ngay trên xe cùng người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu... Đó là những hồi ức mà bác sỹ Dũng điểm lại trong chặng đường dài gắn bó với bà con.
Khoảng thời gian về công tác ở Đoàn KTQP với Trung tá, bác sỹ Nguyễn Viết Dũng có nhiều thứ phải đánh đổi, nhất là việc xa gia đình. Đi công tác biền biệt, miệt mài say mê với công việc để vợ và con thơ tự lo liệu cuộc sống. “Ngày đó có thời điểm trúng vào đợt dịch sốt xuất huyết, mấy tháng liền mình không thể về nhà. Đến khi về vợ giận nên hỏi “Anh đi đâu đấy” mình nghe mà xót xa, áy náy thật sự. Vậy nhưng nhiệm vụ, mình vẫn phải đi. Con đường từ nhà tới trạm gần 60 km mình đã thuộc từng ổ gà. Quen đường là thế vậy mà vẫn té ngã bao nhiêu lần. Nhưng thật sự khi nhận được tình cảm và sự tin yêu của bà con đó là nguồn động lực để mình tiếp tục cố gắng” - bác sỹ Dũng cho hay.
Ngày kỷ niệm Thầy thuốc (27/2), nếu như bác sĩ ở thành thị sẽ nhận hoa và những lời nhắn chúc mừng, còn với Trung tá, bác sỹ Dũng điều đó không quan trọng, bởi món quà lớn nhất nghề nghiệp mang lại cho anh là tình cảm của bà con. Có lẽ cũng bởi thế mà bà con có người gọi anh là già làng, là bác Dũng. “Ở những khu vực như thế này người dân được tiếp cận y tế rất hạn chế. Nên mình thấy việc mình về đây, được làm công tác chuyên môn mới thật ý nghĩa làm sao. Mỗi lần chữa bệnh xong người dân lại dúi vào tay khi nải chuối, lúc ít măng, ít rau rừng, nhiều người già thì nắm tay cảm ơn bác sỹ làm mình vừa ngại, vừa xúc động, vừa thương. Người làm bác sỹ, mấy ai may mắn như mình được nhận những nghĩa tình ầy” - bác sỹ Dũng cười nói.
15 năm đã trôi qua, nhưng khi tôi hỏi nếu bây giờ thời gian quay lại, anh có giữ quyết định về với vùng sâu không. Không cần suy nghĩ, người bác sỹ quân đội Viết Dũng quả quyết “Chắc chắn có”.
Tình cảm của bà con không chỉ níu chân bác sỹ Dũng mà còn là lý do quay lại của nhiều trí thức trẻ tình nguyện sau này. Lơ Mu Ha Sang, tốt nghiệp y sỹ đa khoa tại Trường Đại học Tây Nguyên đã lần thứ 2 quay lại với phòng khám để cùng với những người như bác sỹ Dũng được sống trong trọn vẹn nghĩa tình với bà con.
(CÒN NỮA)
N. NGÀ - H. YÊN