40 năm thành lập huyện Lạc Dương cũng là từng ấy năm họ đã sống, gắn bó với nơi này, để rồi cống hiến mỗi ngày, góp phần xây dựng quê hương trong từng hành động, việc làm cụ thể. Họ xứng đáng được vinh danh vì tình yêu với mảnh đất dưới chân núi Lang Biang huyền thoại.
40 năm thành lập huyện Lạc Dương cũng là từng ấy năm họ đã sống, gắn bó với nơi này, để rồi cống hiến mỗi ngày, góp phần xây dựng quê hương trong từng hành động, việc làm cụ thể. Họ xứng đáng được vinh danh vì tình yêu với mảnh đất dưới chân núi Lang Biang huyền thoại.
Ông Lê Ngọc Chấn: Cống hiến cho cộng đồng cũng là đem lại lợi ích cho gia đình
Ở tuổi 80, ông Lê Ngọc Chấn, tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Lạc Dương vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông đi lại suốt ngày, lên ủy ban họp người cao tuổi, đến câu lạc bộ thơ nhận tác phẩm, thăm bạn bè... Ông cụ đã có 40 năm tròn gắn bó với Lạc Dương thực sự là một con người của cộng đồng.
Gặp ông Lê Ngọc Chấn, ông chia sẻ tâm tình với giọng nói sang sảng. Nguyên là trạm trưởng trạm thú y huyện, ông đã gắn bó với nông nghiệp Lạc Dương từ lúc thành lập huyện. Cơm đùm áo vắt, đi bộ mấy ngày vào tới vùng Đầm Ròn làm việc là chuyện rất quen thuộc với ông cũng như đồng nghiệp. Vì vậy, ông thấm vô cùng cái vất vả của bà con, của huyện. Tuy đã về nghỉ hưu, tuổi cao nhưng sức chưa mòn, có việc gì làm được ông đều tham gia. Tổ trưởng tổ hòa giải, chi hội trưởng người cao tuổi, chủ nhiệm CLB thơ thị trấn…, việc gì ông Chấn cũng hết sức nhiệt tình, làm việc với tất cả tâm huyết.
Năm 2014, thị trấn Lạc Dương mở rộng con đường Lang Biang chạy giữa trung tâm. Là gia đình nằm trong diện phải giải tỏa, di dời để thi công, ông Chấn là người đầu tiên của thị trấn tự nguyện di dời mà không nhận một đồng tiền hỗ trợ nào của nhà nước. Trên 500 m2 đất mặt tiền, 90 cây hồng, 30 cây bơ, 10 cây mít, cửa hàng trên đất..., ông Chấn hiến toàn bộ cho Nhà nước rất nhanh và gọn, không đòi hỏi. Ông bảo, hiến đất làm đường vừa mang lại lợi ích cho xã hội, vừa làm đẹp cho gia đình nên không tính toán tới tiền bạc. Ông kể lại, vợ con ông cũng phàn nàn về chuyện hiến đất mà không cần đền bù hỗ trợ, ông bảo mình sung sướng hơn nhiều bà con, giờ hiến đất để mở đường thì không cần đền bù. Tấm gương hiến đất của ông đã khiến bà con trong tổ dân phố, trong thị trấn khâm phục và nhiều gia đình làm theo, cùng nhau hiến đất mở rộng đường Lang Biang. Và giờ đây, ngắm con đường Lang Biang rộng rãi, khang trang và những đoàn xe du lịch đi lại mỗi ngày, ông Lê Ngọc Chấn càng thêm tự hào về sự cống hiến, chia sẻ của gia đình ông với cộng đồng.
Ông Kơ Să Joan Blis: Giữ vững vai trò người có uy tín trong buôn làng
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Păng Tiêng, xã Lát, một xã vùng sâu của huyện Lạc Dương, ông Kơ Să Joan Blis được bà con tin yêu trong mọi việc hàng ngày của buôn. Với nếp sống chuẩn mực, nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, học hành trưởng thành, luôn nhiệt tình với bà con, với việc thôn việc buôn, ông là “già làng”, người có uy tín với bà con Păng Tiêng, được bà con tin yêu, nể trọng.
Với mọi công việc trong thôn, trong buôn, ông Kơ Să Joan Blis luôn tham gia với sự nhiệt tình và sự trung thực. Từ chương trình xây dựng NTM, vận động vì người nghèo, bản thân ông và gia đình đã tham gia ủng hộ nhiệt tình, hiến đất hiến công, kinh phí, vận động bà con chung sức để cùng xây dựng quê hương. Những con đường đẹp, hệ thống điện sáng, mương nước... trong thôn Păng Tiêng được xây dựng khang trang có phần đóng góp của ông Kơ Să Joan Blis và những bà con sẵn sàng hiến đất, chặt cây giải phóng mặt bằng. Ông còn là thành viên tích cực trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đồng thời thường xuyên vận động bà con trong buôn cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự. Ông vận động bà con yên tâm sản xuất, lao động, tin tưởng vào chính quyền, không di cư tự do, không tin theo Fulro tuyên truyền, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.
Với uy tín trong thôn, trong buôn, ông Kơ Să Joan Blis là một người làm công tác “hòa giải” mát tay. Gia đình nào có mâu thuẫn trong nhà, mâu thuẫn xóm giềng, nhà nào đòi di cư, ông đều có mặt để khuyên giải, phân tích. Là người có đạo, ông thường xuyên hướng dẫn giáo dân thực hiện sinh hoạt tôn giáo đúng luật, vận động người đứng đầu đăng ký thực hiện lễ nghi tôn giáo theo đúng quy định. Có gì băn khoăn, bà con cũng thường đến chia sẻ với ông, nghe ông phân tích, khuyên giải. Nhắc tới ông Kơ Să Joan Blis, bà con Păng Tiêng đều khẳng định sự tin cậy vào “già làng”, người đã đồng hành cùng Păng Tiêng xây dựng cuộc sống mới...
Ông Krajăn Ha Ku: Làm kinh tế giỏi để xây dựng gia đình ấm no
Đạ Sar, xã NTM thuộc huyện Lạc Dương hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Một trong những đổi thay đó là kinh tế của người nông dân địa phương, những người đã mạnh dạn chuyển từ trồng cây cà phê, cây bắp sang chăn nuôi, trồng trọt những cây trồng có giá trị cao. Ông Krajăn Ha Ku, Thôn 4, xã Đạ Sar là người nông dân tiến bộ như thế với tâm nguyện làm kinh tế giỏi để xây dựng gia đình hạnh phúc.
Khi mới xây dựng gia đình, ông Ha Ku cũng nghèo như hầu hết các hộ trong thôn. Thấy có nhà chăn nuôi tốt, gia đình ông tiết kiệm mua được một con trâu, một con bò để gầy đàn. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, phòng ngừa bệnh tốt, chích ngừa đúng hướng dẫn, từ hai con ban đầu hiện nhà ông đã có đàn trâu bò trên 60 con, chưa kể số trâu bò đã bán để mua sắm trong gia đình và mua thêm đất.
Ngoài đàn gia súc, từ đất cũ cha mẹ để lại, ông mua thêm 8 sào nên gia đình có 2,8 mẫu đất canh tác. Ngoài cây cà phê, ông còn chuyển diện tích cà phê già cỗi sang trồng rau màu như cây atisô, cây rau tùy vụ. Mỗi năm, thu nhập từ cà phê, atisô, rau đạt 250 triệu đồng trở lên. Số tiền ấy được dùng để nuôi nấng, cho con cái đi học đàng hoàng, giúp đỡ bà con quanh thôn còn khó khăn mua phân, thuốc. Thực sự với người dân trong thôn, ông Krajăn Ha Ku là tấm gương về làm ăn giỏi, manh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Với ông, chỉ có con đường lao động chăm chỉ, học hỏi kỹ thuật tiến bộ, tiết kiệm trong sinh hoạt là con đường gầy dựng kinh tế gia đình ổn định, góp phần xây dựng một gia đình hạnh phúc.
DIỆP QUỲNH