Trong những năm qua, ngành Giáo dục Lâm Ðồng luôn quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới, coi đây là một trong những chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Qua đó, ngày càng khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong những năm qua, ngành Giáo dục Lâm Ðồng luôn quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới, coi đây là một trong những chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Qua đó, ngày càng khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
|
Nữ giáo viên đón nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Ảnh: V.H |
Nhiều hình thức tuyên truyền bình đẳng giới
Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường THPT Phan Bội Châu - Di Linh tổ chức tọa đàm “Phẩm chất đạo đức người phụ nữ trong thời kỳ đổi mới” và chuyên đề “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” cùng với thi làm thiệp tặng cô và mẹ. Cô Nguyễn Thị Kim Phượng - Chủ tịch Công đoàn trường cho hay, cứ vào các ngày lễ 20/10, 8/3, Ban nữ công tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CBGVCNV) và học sinh.
Thực hiện công tác bình đẳng giới trong trường học, các CĐCS đã có nhiều hình thức sinh hoạt phong phú. Điển hình như: CĐCS Trường THPT Trần Phú - Đà Lạt tổ chức chuyên đề “Phụ nữ với hạnh phúc gia đình”; CĐCS Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Lâm Hà với chuyên đề “Khỏe - Đẹp trong nữ CBNGNLĐ”; CĐCS Trường PT DTNT THCS Đạ Tẻh với chuyên đề “Phẩm chất người phụ nữ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước”; CĐCS Trường PT DTNT tỉnh tọa đàm chủ đề “Vai trò phụ nữ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước”; CĐCS Trường THPT Ngô Gia Tự - Đơn Dương tổ chức hội thảo chuyên đề “Nghệ thuật làm mẹ, làm vợ”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Bạo hành gia đình và bình đẳng giới”...
Hơn 10 năm thực thi Luật Bình đẳng giới, Ban nữ công Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành tổ chức cuộc thi viết về “Vai trò của nữ nhà giáo, người lao động và nữ sinh với việc xây dựng văn hóa nhà trường”. Đã có hơn 4.000 bài dự thi cấp cơ sở, 202 bài dự thi cấp ngành, Ban tổ chức đã trao 14 giải cho tập thể và cá nhân xuất sắc. Đồng thời, tổ chức Hội nghị tập huấn và Hội thảo “Phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” thu hút hơn 280 cán bộ là trưởng ban nữ công, lãnh đạo nữ của các đơn vị trường học, Phòng GDĐT và gần 1.000 HSSV tham gia nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong công tác tuyên truyền thực hiện công tác bình đẳng giới. Qua đó, giúp cho các đơn vị nhận thức rõ nét hơn về phẩm chất đạo đức và vai trò người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phát huy vai trò nữ nhà giáo
Theo số liệu của Sở GDĐT, hiện nay, toàn ngành có hơn 17 ngàn nữ CBGV có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 3 tiến sĩ, 285 thạc sĩ, có 49 chị đang theo học sau đại học và 4 nghiên cứu sinh, 1.287 chị được chính quyền, công đoàn tạo điều kiện cho đi đào tạo về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ. Tổng số cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo 1.128/1.732 cán bộ quản lý (CBQL), lãnh đạo toàn ngành, chiếm tỷ lệ 65,1%. Số nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là 16/20.
Về công tác quy hoạch CBQL, lãnh đạo, có 23/56 người, chiếm tỷ lệ 41% nữ được đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp tỉnh giai đoạn 2015-2021. Trong những năm qua, ngành GDĐT Lâm Đồng đã chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, quan tâm đề bạt cán bộ nữ vào các chức danh chủ chốt của ngành theo quy hoạch. Hầu hết CBQL nữ đều có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và năng lực quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu trong công việc. Việc phân bổ cán bộ nữ khá đều và hợp lý ở các ngành học, bậc học, phát huy được năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ nữ.
Hiện tại, cơ quan Sở GDĐT có 1 nữ Giám đốc, 5 nữ trưởng, phó phòng Sở; Khối Phòng Giáo dục có 8 nữ trưởng, phó phòng; ở khối Mầm non và phổ thông, số nữ hiệu trưởng và phó hiệu trưởng chiếm tỷ lệ khoảng 65%; khối trường Cao đẳng có 10 chị đảm nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng, cán bộ quản lý các khoa phòng, ban, tổ bộ môn; nhiều cán bộ nữ hiện là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn; bí thư, phó bí thư chi bộ, đảng bộ, bí thư đoàn thanh niên...
Theo bà Trần Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Lâm Đồng, việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ phát huy vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều nữ nhà giáo đã trở thành những nhà quản lý giỏi, cán bộ công đoàn chủ chốt, cán bộ nữ công tiêu biểu. Nữ cán bộ, nhà giáo được tham gia học tập, bồi dưỡng quản lý nhà nước, chính trị cao cấp và được quy hoạch, bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo các đơn vị. Qua đó, đã phát huy được vai trò cá nhân trong việc chỉ đạo, tổ chức các hoạt động giáo dục và triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành.
VIỆT HÙNG