Lâm Ðồng đang triển khai nhiều dự án, đồ án quy hoạch để tập trung phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị và đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy điện... Theo đó, để thực hiện các dự án, đồ án quy hoạch, việc đền bù, giải phóng mặt bằng tất yếu diễn ra nên vẫn còn tình trạng người dân trong vùng dự án bức xúc, khiếu nại trong quá trình thu hồi đất.
Lâm Ðồng đang triển khai nhiều dự án, đồ án quy hoạch để tập trung phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị và đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy điện... Theo đó, để thực hiện các dự án, đồ án quy hoạch, việc đền bù, giải phóng mặt bằng tất yếu diễn ra nên vẫn còn tình trạng người dân trong vùng dự án bức xúc, khiếu nại trong quá trình thu hồi đất.
|
70% kiến nghị của cử tri qua các kỳ tiếp xúc cử tri và đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng. |
Theo thống kê về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thường trực HĐND tỉnh, trong những năm qua có đến 70% đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất làm dự án. Nguyên nhân qua tìm hiểu được biết phần nhiều là do đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp hơn nhiều so với giá cả thị trường. Trong khi đó, giá đất tái định cư lại cao nên rất nhiều trường hợp người dân sau khi nhận tiền bồi thường không đủ để mua đất và xây dựng nhà ở mới tại khu tái định cư. Tiền bồi thường đất nông nghiệp không đủ để nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp tương tự. Một số khu tái định cư không bảo đảm điều kiện sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ... Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài; trong đó, phải nhìn nhận thẳng thắn tại một số địa phương trong tỉnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực sự chưa được quan tâm giải quyết triệt để.
Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân định kỳ và việc tiếp nhận xử lý đơn thư, qua việc phản ánh của báo chí… những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân đã được đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Để đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về việc “Thực hiện các quy định pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, Đoàn giám sát đã phát hiện có những công trình, dự án cấp tỉnh và huyện vẫn vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dẫn đến thời gian tiến độ thực hiện dự án kéo dài. Thậm chí có dự án kéo dài đến 10 năm, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống người dân. Có những dự án chưa lập quy hoạch tái định cư thì đã thu hồi đất của dân, dẫn đến người dân không có nhà ở, đất ở, gây khiếu kiện.Một số địa phương còn để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất tái định canh, bố trí tái định canh không đúng đối tượng dẫn đến còn tình trạng người dân có đất bị thu hồi không được bố trí tái định canh. Hoặc tình trạng dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ nhưng không triển khai thực hiện, người dân vẫn tiếp tục canh tác, sử dụng và sang nhượng trái phép đối với diện tích đã thu hồi, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước…
Trao đổi về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’Mak cho rằng: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại địa bàn một số huyện, thành phố mặc dù đã được triển khai nhưng chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu chưa thu hút sự quan tâm của người dân. Mặt khác, do một số cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi như công tác xác định đơn giá đất bồi thường, đất tái định cư chưa kịp thời, kinh phí địa phương eo hẹp, giá cả thị trường biến động ảnh hưởng đến công tác bồi thường. Việc cơ quan chức năng thiếu công khai minh bạch trong quy hoạch, một bộ phận cán bộ chuyên môn còn thiếu trình độ, thiếu sự hướng dẫn pháp luật tận tình cho người dân, hoặc cũng có tình trạng cán bộ chuyên môn cố tình làm sai lệch pháp luật qua giám sát phát hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, gây bức xúc, khiếu kiện. Tình trạng quản lý đất đai ở một số nơi còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, để xảy ra lấn chiếm; xây dựng nhà, công trình trái phép nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Được biết, sau giám sát của HĐND tỉnh đoàn đã có kiến nghị, đề nghị bằng văn bản gửi UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND huyện, thành phố kiểm tra, rà soát những khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đề xuất giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân cũng như nhà đầu tư. Chỉ đạo các địa phương kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tồn tại trong đền bù giải phóng mặt bằng.
Kinh nghiệm được HĐND tỉnh nêu ra trong quá trình giám sát giải quyết nội dung nói trên, đó là cần lựa chọn, giám sát các công trình, dự án mà dư luận, nhân dân có nhiều bức xúc. Làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, nhất là trong giải quyết những vướng mắc về bồi thường. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện theo đúng Luật Đất đai hiện hành, quy định cụ thể về những chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Qua đó tạo hành lang pháp lý để thực hiện phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
NGUYỆT THU