Bước tiến dài sau 40 năm

09:03, 14/03/2019

Từ chỗ có xuất phát điểm rất thấp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, huyện Lạc Dương hôm nay đã có bước tiến dài trên các mặt đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo từ thành thị đến nông thôn đều đổi mới…

Từ chỗ có xuất phát điểm rất thấp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự đồng sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, huyện Lạc Dương hôm nay đã có bước tiến dài trên các mặt đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo từ thành thị đến nông thôn đều đổi mới… Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện Lạc Dương, Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Phạm Triều - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy về những thành tựu của địa phương sau chặng đường đã qua.  
 
PV: Xin đồng chí Bí thư cho biết những nét khái quát sự hình thành của huyện Lạc Dương?
 
Đồng chí Phạm Triều: Trước hết, phải tự hào rằng huyện Lạc Dương là một vùng căn cứ cách mạng, còn nay Lạc Dương là một địa bàn có vị trí chiến lược ở Nam Tây Nguyên. Trong các cuộc kháng chiến, đồng bào các dân tộc trong huyện đã một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Đặc biệt, xã Đạ Chais là căn cứ anh hùng, kiên cường bám trụ và cung cấp sức người, sức của cho cách mạng và đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1975 khi nước ta thiết lập hệ thống hành chính mới, huyện Lạc Dương được thành lập nhưng đến tháng 11/1975 lại giải thể huyện, các xã nhập về huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng. Quá trình hình thành và phát triển ấy, để phù hợp với địa giới hành chính và đặc biệt là việc giải quyết vấn đề Fulro, huyện Lạc Dương được tái lập lại vào ngày 14/3/1979 theo Quyết định số 116/CP của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Đây là sự kiện quan trọng của nhân dân các dân tộc trong huyện, mở đầu giai đoạn huyện Lạc Dương được hình thành về mặt pháp lý và tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng huyện. Đến nay, toàn huyện có 6 đơn vị hành chính gồm 5 xã và 1 thị trấn. 
 
PV: Trải qua 40 năm, huyện Lạc Dương có những giai đoạn phát triển nào thưa đồng chí?
 
Đồng chí Phạm Triều: Qua 40 năm thành lập, có thể nói huyện Lạc Dương trải qua 5 giai đoạn phát triển chính: 
 
Giai đoạn đầu là từ khi thành lập 1979 - 1985, với đặc thù riêng, giai đoạn này huyện Lạc Dương tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm: một là lãnh đạo, phát động toàn dân vào thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiên quyết tấn công truy quét bên ngoài, bóc gỡ bọn nằm vùng bên trong để giải quyết vấn đề Fulro; hai là tiến hành định canh, định cư.
 
Giai đoạn 1986 - 2004, là giai đoạn huyện đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước khai thác thế mạnh của địa phương. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư đúng mức. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có bước chuyển biến rất đáng kể, quốc phòng - an ninh được tăng cường… 
 
Giai đoạn 2005 - 2010, đây là giai đoạn tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Lạc Dương từng bước tiến kịp với các địa phương phát triển trong tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn này thu hút nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực: thủy điện, du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, trồng rừng… 
 
Giai đoạn 2011 - 2015, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước chuyển rất tích cực. Huy động và thu hút nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thiết yếu. Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bước đầu nhận được sự hưởng ứng của người dân. 
 
Giai đoạn 2016 đến nay, huyện Lạc Dương phát triển với nhiều kết quả khá toàn diện. Trong đó, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông nghiệp và du lịch có bước khởi sắc rõ rệt. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm chính sách an sinh xã hội; chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được giữ vững; đảm bảo thông tin, truyền thông; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền ngày càng được nâng cao, đảm bảo quyền lợi thiết thực cho Nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
 
Cảnh sắc Lạc Dương. Ảnh: N.Thi
Cảnh sắc Lạc Dương. Ảnh: N.Thi
 
PV: Vậy, thành quả nổi bật của huyện Lạc Dương sau 40 năm thành lập là gì, thưa đồng chí? 
 
Đồng chí Phạm Triều: Sau 40 năm nỗ lực phấn đấu, phải nói rằng Lạc Dương đã có một bước tiến dài. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện và nâng lên rõ rệt, diện mạo quê hương từ thành thị đến nông thôn đều đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao và ổn định liên tục trong nhiều năm liền. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển đổi theo hướng tiềm năng, lợi thế. Văn hóa - xã hội đạt được những thành tựu quan trọng: quy mô mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu của xã hội đối với nhiệm vụ giáo dục của địa phương; mạng lưới y tế tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 5,2%, trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm 7,3%, thấp hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng, đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, huyện Lạc Dương trở thành huyện nông thôn mới. 
 
PV: Theo đồng chí, những bài học kinh nghiệm nào được rút ra?
 
Đồng chí Phạm Triều: Thứ nhất, phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo nhưng quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình lãnh đạo. Thứ hai, trong tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, đề án cụ thể theo định hướng của Đảng, có tính khả thi cao trong thực tế. Thứ ba, phải kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do địa phương phát động; tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Thứ tư, các cấp ủy đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thể hiện vai trò là hạt nhân chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. 
 
PV: Đồng chí cho biết những định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới?
 
Đồng chí Phạm Triều: Với mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; dân chủ, đoàn kết, đổi mới; phát huy sức mạnh toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đưa Lạc Dương phát triển bền vững”, Đảng bộ và chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm; Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Trong đó, các nhiệm vụ cụ thể gồm: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương; Tăng cường quản lý bảo vệ rừng, đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường phát triển bền vững; Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế; Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; Tăng cường quốc phòng, an ninh, giải quyết đơn thư không để phát sinh điểm nóng; Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
TUẤN HƯƠNG (thực hiện)