Xây dựng lực lượng DQTV đủ số lượng, độ tin cậy ngày càng cao

02:03, 28/03/2019

(LĐ online) - Ngày 28/3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung quốc) Đảng ta đã ra "Nghị quyết về Đội tự vệ". Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ...

(LĐ online) - Ngày 28/3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung quốc) Đảng ta đã ra “Nghị quyết về Đội tự vệ”. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. 84 năm qua, cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ (DQTV) trong toàn quốc nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng DQTV Việt Nam qua các thời kỳ, ra sức rèn luyện, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn cách mạng mới.
 
Hàng năm có trên 90% cán bộ, chiến sĩ DQTV được giáo dục chính trị, tập huấn, huấn luyện đúng theo chương trình cơ bản cho từng đối tượng
Hàng năm có trên 90% cán bộ, chiến sĩ DQTV được giáo dục chính trị, tập huấn, huấn luyện đúng theo chương trình cơ bản cho từng đối tượng
DQTV là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lịch sử đấu tranh và trưởng thành của DQTV Lâm Đồng gắn với lịch sử chiến đấu lâu dài của lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì Lâm Đồng là một tỉnh (chiến trường) cực kỳ khó khăn gian khổ, xa sự chỉ đạo và chi viện của Trung ương. Trong kháng chiến chống Pháp và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lâm Đồng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên khu 5; từ tháng 7/1961 cho đến khi kết thúc chiến tranh do Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 6 lãnh đạo và chỉ đạo kháng chiến. 
 
Thời kỳ chống Pháp, Lâm Đồng có 03 huyện và 01 thị xã. Trong chống Mỹ, Lâm Đồng là 02 tỉnh, gồm: tỉnh Tuyên Đức và tỉnh Lâm Đồng. Từ sau giải phóng, Tuyên Đức và Lâm Đồng sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng bây giờ. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính; trong đó có 02 thành phố, 10 huyện, 147 xã, phường, thị trấn (18 phường, 12 thị trấn, 117 xã; 1.567 thôn, tổ dân phố), với hơn 1.2 triệu dân. 
 
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước có liên quan đến công tác DQTV, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (Khoá X, XI, XII) về tăng cường quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khoá XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng DBĐV trong tình hình mới”, Luật DQTV số 43/2009/QH12 thông qua ngày 23/11/2009 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, Nghị định số 03/2016/ND-CP ngày 05/1/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DQTV... Đồng thời triển khai thực hiện pháp luật DQTV đạt được kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Kết quả nổi bật là đã xây dựng lực lượng DQTV có đủ số lượng, độ tin cậy ngày càng cao. Đến nay, tỷ lệ DQTV đạt 1,55% so với tổng dân số; toàn tỉnh xây dựng được 338 đầu mối DQTV (147 đầu mối dân quân, 191 đầu mối tự vệ), 147 Ban CHQS cấp xã, 62 Ban CHQS cơ quan, tổ chức (trong đó 25 Ban CHQS cơ quan, tố chức thuộc cấp huyện, 37 Ban CHQS cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh); chi bộ Quân sự hiện có 147/147, đạt 100%; chi bộ có Chi ủy đạt 85,03%; đảng viên trong DQTV đạt 25,2%; đoàn viên đạt 57,9%.
 
Lực lượng DQTV còn tham gia xây dựng nông thôn mới
Lực lượng DQTV còn tham gia xây dựng nông thôn mới
Hàng năm có trên 90% cán bộ, chiến sĩ DQTV được giáo dục chính trị, pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện đúng theo chương trình cơ bản cho từng đối tượng, sát với tình hình, nhiệm vụ của địa phương; 100% cán bộ, chiến sĩ DQTV có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
 
Mặt khác, lực lượng DQTV còn phối hợp với lực lượng công an cấp xã trong trao đổi thông tin, vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ sở an toàn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống tội phạm và các nhiệm vụ khác được phân công. Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện bảo vệ và phòng, chống cháy rừng,... ngày càng có hiệu quả.
 
Ngoài ra, hàng năm lực lượng DQTV còn phối hợp với lực lượng thuộc các ban, ngành, đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn mới, làm công tác dân vận và kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và chấp hành pháp luật của Nhà nước.
 
Kỷ niệm 84 năm Ngày truyền thống DQTV (28/3/1935 - 28/3/2019), cán bộ, chiến sĩ DQTV cùng tự hào với truyền thống xây dựng, chiến đấu vẻ vang của mình, càng thường xuyên nâng cao cảnh giác, xây dựng ý chí chiến đâu, phấn đấu xây dựng lực lượng DQTV không ngừng lớn mạnh; mỗi cán bộ, chiến sĩ trên từng vị trí, trên từng mặt trận công tác cần tích cực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó. Xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “DQTV và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
 
Tứ Kiên