Trong chuyến hành trình đến các đảo chìm, đảo nổi của Trường Sa; phương tiện duy nhất để cập đến mỗi đảo là chiếc xuồng CQ. Chứng kiến những chiếc xuồng CQ, CV mỏng manh chòng chành trước những con sóng lớn, những người trên xuồng không khỏi "thót tim", thế nhưng bằng kỹ năng, trách nhiệm của mình, các chiến sỹ lái xuồng luôn giữ cho các thành viên được an toàn.
Trong chuyến hành trình đến các đảo chìm, đảo nổi của Trường Sa; phương tiện duy nhất để cập đến mỗi đảo là chiếc xuồng CQ. Chứng kiến những chiếc xuồng CQ, CV mỏng manh chòng chành trước những con sóng lớn, những người trên xuồng không khỏi “thót tim”, thế nhưng bằng kỹ năng, trách nhiệm của mình, các chiến sỹ lái xuồng luôn giữ cho các thành viên được an toàn.
|
Phan Vinh là đảo có cửa luồng khó vào nhất ở Trường Sa |
Được biết, những chiếc xuồng CQ vẫn được các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa gọi là “cá mập”, có người gọi vui là “ô tô” trên biển bởi tính linh hoạt của nó. Đây là sản phẩm do Viện Kỹ thuật hải quân thiết kế và đưa vào hoạt động vài năm gần đây. Xuồng CQ đã không những giúp vận chuyển người và hàng hóa ra vào đảo, giữa điểm đảo này và điểm đảo khác, nhiều lần cứu hộ cho ngư dân và tàu cá gặp nạn mà còn ngăn chặn hàng trăm lượt tàu nước ngoài xâm nhập vào khu vực quần đảo Trường Sa. Xuồng có khả năng trượt trên san hô, đá cuội, không bị chìm, không bị thủng hay méo khi va đập. Đặc biệt, xuồng CQ có khả năng chạy xuyên qua sóng, chịu thêm được 1-2 cấp sóng so với xuồng thông thường.
Các thủy thủ lái xuồng CQ cũng phải là những người nhiều kinh nghiệm, am hiểu từng luồng lạch, từng đợt sóng để tránh đâm vào các bãi san hô ngầm. Nguy hiểm là thế nhưng trong đoàn chúng tôi ai cũng háo hức để được đặt chân lên đảo, được chia sẻ dù chỉ là chút hơi ấm đất liền mang ra cho người lính đảo. Mỗi khi lên xuồng để vào đảo, chúng tôi đã được thông báo trước là phải mặc áo mưa, dùng túi chuyên dụng để bọc máy ảnh, máy quay cho kỹ càng. Quả đúng như vậy, tàu vượt lên những cơn sóng, sóng cũng không “chịu thua”, chờm lên tàu tung nước. Cứ thế, những chiến sỹ lái xuồng CQ phải căng mình lên để vượt qua những con sóng dữ tợn ấy. Trung úy Nguyễn Đình Minh, Trưởng ngành hàng hải tàu HQ 561chia sẻ, để có thể lái được xuồng CQ không chỉ cần kỹ năng mà phải bằng kinh nghiệm của mình để đưa người và hàng hóa được an toàn. Trung úy Minh cho biết, thấy sóng to, người lái xuồng phải bình tĩnh để nhận định, hễ có 3 con sóng to, sẽ có một con sóng nhỏ và cần chọn khi có con sóng ấy mà đi. Nếu xuồng mắc cạn thì phải thả trôi xuồng, đợi khi có đợt sóng thì lập tức nổ máy lướt sóng vượt qua.
Các đảo chìm là những bãi san hô xâm xấp nước lúc thủy triều xuống và mênh mông sóng vỗ khi thủy triều lên. Muốn vào đảo phải chờ thủy triều lên rồi dùng xuồng CQ “tăng bo” vào. Gặp hôm nào thời tiết xấu, sóng to gió lớn, muốn vào đảo phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Vì vậy, tàu chở đoàn công tác đến gần đảo vào đầu giờ chiều, nhưng gặp lúc thủy triều xuống đành phải thả neo chờ đến hôm sau, khi con nước lên cao mới tiếp cận được.
Khi tàu vừa hạ neo, tổ xuồng đã nghe hiệu lệnh “tập trung hạ xuồng”. Việc chuyển từ tàu lớn xuống xuồng CQ cũng không phải chuyện dễ. Bởi bậc tam cấp của tàu được thiết kế sát với mép nước, nhưng khi gặp sóng to, giữa xuồng CQ và bậc tam cấp luôn chênh nhau rất lớn. Muốn lên hoặc xuống, từng người phải nai nịt, mặc áo phao gọn gàng, đồ dùng cá nhân bọc vào túi chuyên dụng và tranh thủ bước qua lúc tàu và xuồng cùng nhịp sóng. Chỉ cần bất cẩn, không tập trung thì có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào, nên lắm lúc phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xuống hoặc lên đảo. Mỗi đợt sóng lên, các chiến sĩ lại căng sức kéo xuồng gần lại với tàu để người và hàng hóa dễ dàng lên xuồng.
Những chuyến xuồng chuyển tải gầm gào cưỡi sóng lao trên mặt biển về các điểm đảo, chuyển khách lên xong là vội vã quay ngược ra tàu đón khách khác. Mỗi chuyến xuồng chuyển tải được 10-12 người. Khi đoàn khách cuối cùng lên tới chân đảo thì xuồng neo vội, sẵn sàng chuẩn bị chở những người khách lên sớm nhất rời đảo về tàu.
Có những điểm đảo điều kiện thủy triều lên xuống theo giờ (như ở Cô-lin), xuồng phải quay ra trở vào liên tục. Cứ mỗi tiếng đồng hồ, mực nước lại hạ, khả năng mắc cạn rất cao. Chính vì vậy, trong vòng 3h đồng hồ đưa các nhóm phóng viên lên được với Cô-lin, hai chiếc xuồng chuyển tải và một chiếc CQ của đảo phải hoạt động liên tục như thoi đưa, gần như không có thời gian neo nghỉ.
|
Những “nghệ sỹ” lái xuồng CQ |
14 điểm đảo chìm, đảo nổi phải cập mạn trong chuyến đi này, từ Đá Lớn (A, B, C), Tốc Tan, Len Đao, Sinh Tồn hay Cô-lin..., những chuyến xuồng luôn phải gầm gào đè sóng. Phan Vinh là đảo cuối cùng trong chuyến hành trình của chúng tôi, sóng lớn khi vào Phan Vinh, Thượng tá Lê Đình Hải - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác chỉ tay vào cửa luồng đang dâng sóng: “Có 2 điểm đảo cửa luồng khó vào nhất ở Trường Sa, là An Bang và Phan Vinh. Cửa luồng hẹp, từ chân đảo ra ngắn, và tụt xuống độ dốc rất lớn, nên sóng dội vào mép đảo rất dữ. Lái không chuẩn theo đà sóng là... các thành viên trong đoàn sẽ ướt sạch, không cẩn thận có thể nguy hiểm đến tính mạng”.
Chính vì vậy, theo kế hoạch là sáng 17/1 chúng tôi sẽ đến Phan Vinh, nhưng do sóng to đoàn phải dời sang buổi chiều. Thay vì đi trực tiếp vào đảo nổi Phan Vinh A, đoàn đi đường vòng sang Phan Vinh B rồi mới qua Phan Vinh A, khoảng thời gian di chuyển trên xuồng CQ khoảng tầm 1h đồng hồ. Cũng vì vậy, mà trước khi xuống xuồng vào Phan Vinh, toàn bộ hành khách đều được yêu cầu bọc kín máy móc vào túi ni lông, không giơ điện thoại ra ngoài và sẵn sàng chịu... ướt nước biển.
Đưa đoàn bắt đầu và kết thúc chuyến hải trình trọn vẹn, an toàn là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong mỗi chuyến ra Trường Sa. Cũng vì vậy, những tay lái xuồng chuyển tải, vẫn thường tự ví mình là “người đưa đò”, luôn phải là những tay lái cứng, thông thuộc từng cửa luồng vào đảo trên biển Trường Sa, và yếu tố đương nhiên là sức khỏe phải cực tốt để đáp ứng cường độ làm việc cao, liên tục tập trung tuyệt đối trong mỗi chuyến chuyển tải.
Ai một lần được đến với Trường Sa, được ngồi sau tay lái của những “nghệ sỹ” điều khiển xuồng CQ trên biển, đều có một niềm xúc cảm đó là cảm phục các anh - những người lính da đen nhẻm vì nắng gió, mắt lấp lánh niềm tin và nụ cười tươi rói, thân thiện luôn thường trực trên môi, họ luôn thường trực trách nhiệm với công việc của mình.
PHONG VÂN