Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với phong trào TDĐKXDĐSVH

08:03, 28/03/2019

Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (gọi tắt là Phong trào hay TDĐKXDĐSVH) ở Lâm Đồng đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là Phong trào hay TDĐKXDĐSVH) ở Lâm Đồng đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Phong trào ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn còn một số hạn chế. Biểu hiện: Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của Phong trào. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp còn thiếu quyết liệt. Ban chỉ đạo, Ban vận động xây dựng đời sống văn hóa ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của từng thành viên. Việc lồng ghép, bổ sung các tiêu chí trong bình xét các danh hiệu văn hóa; công tác kiểm tra, bình xét, công nhận và khen thưởng các danh hiệu văn hóa vẫn mang tính hình thức. Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” chưa được thủ trưởng quan tâm đúng mức. Kinh phí dành cho hoạt động Phong trào ở một số địa phương chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Hệ thống thiết chế văn hóa ở nhiều xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, tổ dân phố được Nhà nước và Nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng nhưng chưa phát huy hết công năng, hiệu quả sử dụng. Chưa có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia...
 
Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm. Trong đó, đáng lưu ý là: Tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Phong trào. Từ đó, nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Phong trào. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với Phong trào. Gắn Phong trào với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Thi đua yêu nước” ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục chỉ đạo đưa các mục tiêu, nhiệm vụ của Phong trào vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch phát triển KT-XH của các cấp chính quyền để tập trung lãnh, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Ban chỉ đạo Phong trào các cấp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ việc thực hiện. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể, đồng thời phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa một cách thực chất, bền vững. 
   
 Một nhiệm vụ quan trọng nữa là phải thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Phải sử dụng hợp lý, có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư phục vụ đời sống Nhân dân. 
 
Thực hiện tốt Phong trào là thiết thực nâng cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương trong giai đoạn hội nhập, phát triển. 
 
LAN HỒ