Nỗ lực phòng chống sốt rét rừng

08:03, 25/03/2019

Lâm Ðồng đang hướng tới mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2025. Tuy nhiên, địa phương đang đối mặt trước thách thức của bệnh sốt rét rừng. Hiện nay, sốt rét đang gia tăng ở vùng rừng giáp ranh khu vực 5 xã vùng Loan thuộc huyện Ðức Trọng và các xã thuộc huyện Di Linh giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. 

Lâm Ðồng đang hướng tới mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2025. Tuy nhiên, địa phương đang đối mặt trước thách thức của bệnh sốt rét rừng. Hiện nay, sốt rét đang gia tăng ở vùng rừng giáp ranh khu vực 5 xã vùng Loan thuộc huyện Ðức Trọng và các xã thuộc huyện Di Linh giáp ranh với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. 
 
Nhằm ngăn chặn bùng phát dịch, 100% đối tượng đi rừng, ngủ rẫy và người dân xã Gia Bắc được uống một liều thuốc điều trị dự phòng sốt rét để tăng miễn dịch của cộng đồng với sốt rét rừng ở xã trọng điểm sốt rét lưu hành

Nhằm ngăn chặn bùng phát dịch, 100% đối tượng đi rừng, ngủ rẫy và người dân xã Gia Bắc
được uống một liều thuốc điều trị dự phòng sốt rét để tăng miễn dịch của cộng đồng với sốt rét rừng
ở xã trọng điểm sốt rét lưu hành

 
Tại Di Linh, trong những tháng đầu năm 2019 tình hình sốt rét trên địa bàn có nhiều biến động, gia tăng ở một số xã, đặc biệt tập trung ở xã Gia Bắc. Nguyên nhân sốt rét tăng đột biến là do đối tượng đi rừng, ngủ rẫy nhiều và việc áp dụng các biện pháp phòng chống gặp khó khăn. 
 
BSCKII Lê Thành Quang - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Di Linh cho biết: “Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn xã Gia Bắc đã phát hiện 13 ca sốt rét trong tổng số 16 ca mắc toàn huyện, mà trong đó 50% là sốt rét chủng falci, điều này tồn tại những yếu tố nguy cơ sốt rét ác tính rất cao, tỉ lệ mắc sốt rét tăng cao hơn nhiều so với các năm trước. Đối tượng mắc sốt rét là công nhân lâm trường, người dân làm công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã, đặc biệt là ở vùng giáp ranh với Bình Thuận. Gần 400 người dân và công nhân lâm trường trên địa bàn thuộc nhóm đối tượng thường xuyên ngủ lại trong rừng qua đêm, do đó sẽ bị muỗi đốt và nhiễm ký sinh trùng sốt rét, điều này làm cho tình hình mắc sốt rét rừng tăng cao và phức tạp”.
 
Chương trình phòng chống sốt rét ở huyện Di Linh đã và đang tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống nhằm sớm ổn định tình hình. Song, do tình hình dịch tễ sốt rét tại địa phương có nhiều yếu tố không thuận lợi, số ca mắc bệnh đều là sốt rét rừng, bệnh nhân đi về từ vùng rừng sâu khu vực xã Gia Bắc giáp ranh xã Thuận Hòa - huyện Hàm Thuận Bắc - tỉnh Bình Thuận, nên nguy cơ phát sinh ca bệnh vẫn chưa được ngăn chặn.
 
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Di Linh, trong vòng 2 tháng đầu năm 2019, qua phát hiện của Trạm Y tế xã Gia Bắc có 13 ca sốt rét rừng (chiếm 50% ca mắc sốt rét trên toàn tỉnh), trong đó có 1 ca tái phát. Trước sự biến động sốt rét bất thường này, ngành y tế địa phương và UBND xã Gia Bắc đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống sốt rét, nhận diện rõ tình hình sốt rét rừng, qua phân tích 13 ca mắc sốt rét gồm có: 5 ca bệnh là công nhân Xí nghiệp Lâm trường Bắc Sơn đóng chân trên địa bàn, 2 ca là người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, 6 ca là đối tượng người dân đi rừng làm rẫy. 
Trước điểm nóng sốt rét rừng vùng Gia Bắc, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Di Linh và UBND xã Gia Bắc tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp phòng chống và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống muỗi cho tất cả các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, người dân trên địa bàn khoảng 500 người. Tổ chức khám sức khỏe miễn phí, lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, phát miễn phí kem xoa xua muỗi; cấp màn, mùng đã tẩm hóa chất và tất cả người dân trong xã được cho uống miễn phí 1 liều thuốc điều trị dự phòng sốt rét nhằm tăng cường miễn dịch cho cộng đồng. 
 
Thạc sĩ - BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Giải pháp cấp bách trong phòng chống sốt rét rừng hiện nay là huy động cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn cần phải xác định tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống dịch bệnh sốt rét rừng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng bệnh sốt rét rừng. Các hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, Nhân dân tham gia tích cực hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng do ngành y tế phát động và hướng dẫn chuyên môn. 
 
Trạm y tế đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống sốt rét bằng nhiều hình thức như: Cử cán bộ xuống tận thôn bản kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; hướng dẫn nhân viên y tế thôn bản tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống sốt rét; giải thích cho người dân về lợi ích của việc thường xuyên ngủ mùng, màn tẩm hóa chất; cấp thuốc tự điều trị sốt rét và hướng dẫn sử dụng cho tất cả các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, dân di biến động vào vùng sốt rét trọng điểm. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã và trưởng các thôn buôn tổ chức tuyên truyền về phòng chống sốt rét lồng ghép trong các buổi họp thôn, buôn, sinh hoạt đoàn thể; phát thông điệp, nội dung phòng chống sốt rét trên hệ thống loa phát thanh của xã để nâng cao kiến thức phòng bệnh cho Nhân dân.
 
Bên cạnh đó, các trạm y tế xã tăng cường công tác giám sát dịch tễ sốt rét một cách thường xuyên, đặc biệt chú trọng đến việc lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét tại các thôn buôn trọng điểm. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai các đợt chiến dịch tẩm mùng, màn cho tất cả các thôn buôn trong xã và phun hóa chất phòng chống sốt rét.
 
Ðối với người dân trong vùng trọng điểm sốt rét rừng, đặc biệt là đối tượng thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, vì sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người, mỗi nhà cần hành động thiết thực hàng ngày, hàng tuần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt rét như: Diệt muỗi và loăng quăng bằng cách vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh không để nước đọng xung quanh nhà; ngủ màn, mùng tẩm hóa chất; dùng hóa chất diệt muỗi, phun xịt hoặc tẩm mùng, màn chống muỗi, dùng kem xoa xua muỗi đốt… 
 
Khi có dấu hiệu sốt phải đến trạm y tế ngay để được khám và xử trí kịp thời. Công tác phòng chống sốt rét rừng chỉ thành công khi có sự tham gia tự giác, tích cực của mọi người dân, đặc biệt là người dân trong vùng trọng điểm sốt rét lưu hành.
 
AN NHIÊN