Sinh ra, lớn lên và công tác ở Ðà Lạt, hiện đang giảng dạy kiến trúc ở Ðại học Yersin, kiến trúc sư (KTS) Trần Công Hòa đã có cuộc trao đổi với chúng tôi trên tinh thần của một người gắn bó và yêu Ðà Lạt về Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt (Ðồ án Quy hoạch)...
Nên tiếp tục lắng nghe và cần có sự điều chỉnh…
[links(right)]
Sinh ra, lớn lên và công tác ở Ðà Lạt, hiện đang giảng dạy kiến trúc ở Ðại học Yersin, kiến trúc sư (KTS) Trần Công Hòa đã có cuộc trao đổi với chúng tôi trên tinh thần của một người gắn bó và yêu Ðà Lạt về Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt (Ðồ án Quy hoạch). Ông bày tỏ mong muốn chính quyền và ngành chức năng tiếp tục thu thập ý kiến và chỉnh sửa Ðồ án Quy hoạch cho hoàn thiện hơn, trở thành một công trình để đời, mang dấu ấn của thành phố Ðà Lạt phát triển.
Chỉnh trang khu Hòa Bình là cần thiết, nhưng kiến trúc phải hài hòa
PV:
Nhiều người lo ngại và phản ứng về việc thay thế công trình Rạp Hòa Bình bằng 2 khối nhà kính đồ sộ theo Đồ án Quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình vừa mới được công bố, ông thấy có hợp lý không?
Ông Trần Công Hòa: Xã hội phát triển, nhu cầu cải tạo, chỉnh trang là đúng; có nhà đầu tư ủng hộ là quý. Nhưng, công tác quy hoạch phải làm thật thận trọng trên từng mét vuông, tránh sơ sài. Sau cải tạo chỉnh trang, làm lại cái mới phải tốt hơn cái cũ, phải đảm bảo không gian sinh hoạt công cộng mà mọi người dân đều tiếp cận được. Khu vực trung tâm của một thành phố luôn có điểm định hướng để từ nơi xa có thể nhìn thấy mà làm mốc, thì các công trình sau cải tạo, chỉnh trang cũng phải duy trì được những tiêu chí đó.
Với tư cách là thành viên của Hội Kiến trúc sư, chúng tôi đã được mời tham khảo, góp ý cho Đồ án Quy hoạch về nhiều mặt, kể cả vấn đề kỹ thuật… Đồ án Quy hoạch Khu trung tâm vừa ban hành đã có rất nhiều ý kiến nhận xét. Đó là một điều tốt, chứng tỏ thành phố Đà Lạt, quy hoạch thành phố Đà Lạt, kiến trúc Đà Lạt được rất nhiều người quan tâm một cách có trách nhiệm. Đứng ở góc độ chuyên môn, tôi thấy nên có sự tranh luận nhiều hơn để có một giải pháp tốt nhất về công trình sẽ được thay thế trên 2 nền đất công sản hiện nay là khu vực Đồi Dinh tỉnh trưởng và khu vực Rạp Hòa Bình.
Rạp Hòa Bình không sử dụng hết công năng thì lãng phí quá! Làm sao để bộ mặt thành phố thật sự ấn tượng; có cách nào để làm cho khu trung tâm xanh, sạch, đẹp, tránh được cảnh nhếch nhác và lộn xộn - đều là ý chí của con người. Rạp Hòa Bình và quảng trường nhỏ trước Rạp luôn có chức năng quan trọng trong các sự kiện từ xưa tới giờ. Ký ức về khu Hòa Bình trong tôi rất thân thiết! Hồi trước, Rạp Hòa Bình hay được dùng để các trường tổ chức tổng kết, phát thưởng cho học sinh. Rồi một thời là rạp chiếu phim rất đông vui, nhộn nhịp. Xung quanh Rạp Hòa Bình có các kios tạo nên không khí mua bán khá sầm uất...
Khi còn là chợ, trên nóc công trình này có biểu tượng 2 người dân tộc thiểu số và dòng chữ tiếng Pháp “Cho người này niềm vui - cho người kia sức khỏe” (viết tắt thành Dalat). Đây là công trình công cộng với chỉ báo mà mọi người có thể tiếp cận được. Khi Đà Lạt phát triển hơn, nhu cầu mở rộng chợ được thực hiện. Nhưng xem xét yếu tố phát triển và xem xét đến yếu tố môi trường, chợ mới được xây dựng ở dưới thung lũng và chợ cũ được chuyển thành nhà hát, rạp chiếu phim.
Khu Trung tâm Hòa Bình nhìn ngược về lịch sử quy hoạch đều ở thế dựa lưng vào núi, nhìn ra khoảng không gian phía cầu ông Đạo cho đến nay, đều thoáng đạt, hài hòa. Việc thay thế Rạp Hòa Bình bằng 2 khối nhà kính cao tầng, thì chức năng chỉ báo vẫn giữ được. Xét về vị trí, khối nhà thay thế chỗ Bến xe Tùng Nghĩa (ô màu xanh) là hợp lý vì ở thế tựa lưng vào núi, được xem là vững chắc. Nhưng khối nhà cao tầng ở vị trí La Tuylip bây giờ (ô màu đỏ) sẽ ngược với thế núi đang xuôi dần xuống, làm che chắn không gian ở phía trước, ảnh hưởng đến tầm nhìn và còn là vấn đề thẩm mỹ... Nên có điều chỉnh!
Khu Trung tâm Hòa Bình nhìn ngược về lịch sử quy hoạch đều ở thế dựa lưng vào núi, nhìn ra khoảng không gian phía cầu ông Đạo cho đến nay, đều thoáng đạt, hài hòa. Việc thay thế Rạp Hòa Bình bằng 2 khối nhà kính cao tầng, thì chức năng chỉ báo vẫn giữ được. Xét về vị trí, khối nhà thay thế chỗ Bến xe Tùng Nghĩa (ô màu xanh) là hợp lý vì ở thế tựa lưng vào núi, được xem là vững chắc. Nhưng khối nhà cao tầng ở vị trí La Tuylip bây giờ (ô màu đỏ) sẽ ngược với thế núi đang xuôi dần xuống, làm che chắn không gian ở phía trước, ảnh hưởng đến tầm nhìn và còn là vấn đề thẩm mỹ... Nên có điều chỉnh!
|
Dinh Tỉnh trưởng với 2 bồn chứa nước (hình tròn) cung cấp cho thành phố Đà Lạt |
Không nên tạo áp lực về khu vực trung tâm
PV:
Công trình Dinh Tỉnh trưởng sẽ được thay thế bằng khối khách sạn cao tầng cũng có nhiều dư luận trái chiều, ở góc độ chuyên môn, ý kiến của ông như thế nào?
Ông Trần Công Hòa: Những đoàn thám hiểm lần đầu tiên đến Đà Lạt sau ông A. Yersin đã làm trại lính là các dãy nhà đơn sơ ở Đồi Dinh, rồi chuyển thành nhà gỗ, chỉ còn dấu tích trên ảnh. Nhiều năm sau, khu đất này xây dựng dinh cho thị trưởng ở, thành lập tỉnh Tuyên Đức mới gọi là Dinh Tỉnh trưởng. Không có nhiều tài liệu ghi lại, nhưng có lẽ Dinh được xây dựng khoảng trước năm 1917. Trong khu vực Dinh có 2 bồn chứa nước từ hồ Suối Vàng về cung cấp nước cho thành phố. Diện tích xây dựng 10%, còn lại là không gian cây xanh. Như nhiều biệt thự khác ở Đà Lạt, Dinh Tỉnh trưởng có thời gian bỏ hoang và đến nay, vẫn chưa được sử dụng hết công năng. Đây là nhà biệt thự nhóm II, nên chỉ được phép sửa chữa, không được thay thế!
Theo Đồ án Quy hoạch, khu vực Đồi Dinh sẽ xây dựng khách sạn và Dinh Tỉnh trưởng sẽ di dời đâu đó ngay trong khu vực Đồi Dinh. Nhưng với mật độ xây dựng 70% cho khối nhà 7 tầng nổi thì Dinh Tỉnh trưởng ở trong khu vực Đồi Dinh sẽ phải nằm trong không gian rất gượng ép. Giá trị di sản không phải là xác nhà để di dời mà là cảnh quan xung quanh, bao gồm cả cây xanh. Thay thế một không gian xanh giữa khu vực trung tâm bằng một khối bê tông đồ sộ với công năng làm khách sạn thì không thể gọi là biểu tượng được. Hơn nữa, khách sạn 10 tầng với quy mô cả ngàn phòng, ngoài vấn đề cảnh quan còn là áp lực về giao thông, xả thải - ở đây là xả thải từ khu vực có địa hình cao nhất. Trong khi đó, nguyên tắc quy hoạch đô thị là không nên dồn nén các áp lực vào khu trung tâm.
Quy hoạch là cần thiết, nhưng phải cân đong đo đếm từng mét vuông đất. Từ hiện trạng mới ra giải pháp, nên quy hoạch cũng phải chân thực. Có những quy hoạch, trước đó, người ta dùng google chụp từ trên cao xuống, rồi đo vẽ theo thực tế. Chúng ta càng không nên bỏ qua ngoại cảnh khi xây dựng Đồ án Quy hoạch cho khu trung tâm của thành phố Đà Lạt. Nhất là ở nơi lưu giữ ký ức của rất nhiều người dân; đồng thời, giữ được công năng là khu trung tâm vui chơi, mua sắm, tổ chức các sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội… thì công trình kiến trúc phải có ý nghĩa biểu tượng, có bản sắc và mang tính thẩm mỹ cao.
Tôi cũng như nhiều người dân Đà Lạt khác, mong rằng, sau khi công bố Đồ án Quy hoạch Khu trung tâm Đà Lạt, chính quyền và các ngành chức năng vẫn tiếp tục ghi nhận ý kiến và có những điều chỉnh. Có thể đưa ra nhiều mô hình kiến trúc với công năng khác nhau để lựa chọn. Chẳng hạn, khu vực Đồi Dinh mà xây bảo tàng sẽ có ý nghĩa hơn trong việc nâng cao yếu tố tinh thần và giữ gìn di sản.
PV:
Xin cảm ơn ông!
|
Vị trí 2 khối nhà kính sẽ thay thế theo Đồ án Quy hoạch |
NHÓM PHÓNG VIÊN