Ngày 15/3, tại Rạp chiếu bóng Khu Hòa Bình (P1, TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng), Sở Xây dựng Lâm Ðồng phối hợp với UBND TP Ðà Lạt đã tổ chức công bố Quyết định 229/QÐ-UBND, ký ngày 12/2/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt.
Thay thế, cải tạo, chỉnh trang để tạo nên dấu ấn cho một đô thị trên cao nguyên
[links()]
Ngày 15/3, tại Rạp chiếu bóng Khu Hòa Bình (P1, TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng), Sở Xây dựng Lâm Ðồng phối hợp với UBND TP Ðà Lạt đã tổ chức công bố Quyết định 229/QÐ-UBND, ký ngày 12/2/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt. Ngay sau khi công bố, Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt (gọi tắt là Ðồ án quy hoạch) đã được cộng đồng dân cư, những nhà nghiên cứu quy hoạch đô thị, kiến trúc sư, đặc biệt là những người yêu Ðà Lạt quan tâm với rất nhiều luồng ý kiến. Ðể rộng đường dư luận và để Khu trung tâm Hòa Bình thực sự trở thành điểm nhấn, điểm đến, điểm tự hào của tất cả Nhân dân và du khách, chúng tôi đã thực hiện những cuộc phỏng vấn với đại diện cơ quan quản lý nhà nước, kiến trúc sư, người dân Ðà Lạt và du khách...
Trong số báo hôm nay, mời quý độc giả Báo Lâm Đồng theo dõi nội dung trả lời phỏng vấn của ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng về một vài khía cạnh trong Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt.
Có thay thế, có cải tạo chỉnh trang và có giải tỏa trắng...
PV:
Thưa ông, theo Đồ án quy hoạch đã công bố thì những công trình nào hiện nay còn giữ lại và những công trình nào sẽ không còn sau khi Đồ án quy hoạch được chính thức triển khai?
Ông Lê Quang Trung: Những công trình có dấu ấn sẽ được giữ lại! Như Dinh Tỉnh trưởng vì đây là công trình mang tính lịch sử, chỉ là sẽ di dời nguyên khối sang vị trí khác để sắp xếp không gian ở đó cho hợp lý, nhằm khai thác tối đa hiệu quả của khu Đồi Dinh. Khu A, B chợ Đà Lạt sẽ được chỉnh trang mở đường vòng xung quanh chợ để bảo đảm lưu thông và phòng cháy chữa cháy. Khách sạn Bavico có điều chỉnh tách khối để mở các lối hành lang giao thông kết nối khu chợ với đường Lê Thị Hồng Gấm. Khu dân cư nằm giữa đường Phan Bội Châu với Dinh Tỉnh trưởng; toàn bộ khu phía Đông giáp bờ hồ Xuân Hương (đối diện với Thanh Thủy) và dãy cà phê dọc đường Nguyễn Chí Thanh - Lê Đại Hành cũng được giữ lại, nhưng có chỉnh trang theo thiết kế đô thị đã phê duyệt.
Còn lại là giải tỏa! Đặc biệt, công trình Rạp chiếu bóng Hòa Bình sẽ được thay thế bằng trung tâm thương mại. Có nhiều luồng ý kiến yêu cầu giữ lại, nhưng không ai có ý kiến chính thức. Qua nghiên cứu, chưa có tài liệu nào cho thấy Rạp Hòa Bình là biểu tượng của Đà Lạt. Trong khi đó, hiện nay công trình xuống cấp, chưa sử dụng hết công năng. Một công trình của nhà nước mà không được khai thác sử dụng thì cũng là một lãng phí về nguồn lực trong khi tỉnh đang khó khăn về ngân sách. Trong quá trình tính toán quy hoạch phải lưu ý đến yếu tố hàng đầu là tính khả thi (phải làm được và có hiệu quả), để khắc phục các yếu tố cản trở, lại tạo ra quy hoạch treo.
Khách sạn Hải Sơn (nay là KS Nice Dream) sẽ giải tỏa trắng. Khách sạn Golf 3 (hiện là TTC Hotel Premium Da Lat), dãy nhà ở dọc đường Phan Bội Châu tiếp giáp với chợ cũng thực hiện giải tỏa trắng. Tất cả các công trình giải tỏa này nhằm tổ chức lại không gian và là không gian mở hoàn toàn.
Hiện nay, Khu Hòa Bình là khu trung tâm có các dịch vụ thương mại tấp nập nhất Đà Lạt. Trong quá trình làm quy hoạch, đơn vị tư vấn và những nhà làm quy hoạch cũng nhận thấy phải duy trì hoạt động này. Tuy nhiên, duy trì nhu cầu mua sắm của người dân và du khách cũng phải được tổ chức một cách khoa học hơn và đảm bảo được việc khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn, nên sẽ thực hiện 2 khối trung tâm thương mại, có cả trung tâm thương mại cao cấp; gắn với khu quảng trường và khu vui chơi giải trí. Có một số loại hình buôn bán nhỏ sẽ được tổ chức lại một cách khoa học...
Theo Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050), Khu Hòa Bình là khu trung tâm dịch vụ thương mại cao cấp và tạo thành một không gian mở hoàn toàn cho trung tâm thành phố, vừa là nơi mua sắm và là nơi vui chơi giải trí của người dân cả ban ngày và ban đêm. Đó là khu Quảng trường trung tâm, bao gồm từ Khu Hòa Bình, xuống cầu thang chợ và toàn bộ đường Nguyễn Thị Minh Khai sang đường Lê Đại Hành. Tức là, đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ là quảng trường; đường đi sẽ là vị trí KS Golf 3 để lưu thông hàng hóa vào chợ.
|
Hiện trạng Khu trung tâm Hòa Bình sẽ được thay đổi theo Đồ án quy hoạch |
Sẽ tạo nên dấu ấn cho thành phố hoa Ðà Lạt...
PV:
Người Đà Lạt xưa nay vốn thích cuộc sống tĩnh lặng, yên bình. Quy hoạch như thế nào có thể người dân chưa quan tâm lắm, nhưng họ lại quan tâm đến các công trình kiến trúc. Hai khối công trình nhà kính ở trung tâm sẽ rất rực rỡ và hào nhoáng, nên mới có ý kiến rằng, quy hoạch Khu Hòa Bình là “xa lạ” và đã bỏ quên yếu tố “địa văn hóa” của người Đà Lạt?
Ông Lê Quang Trung: Khi xây dựng Đồ án quy hoạch, Khu trung tâm Hòa Bình được xác định là khu trung tâm mua sắm của thành phố, có nghĩa là vẫn giữ công năng như trước, nhưng bổ sung thêm không gian quảng trường vui chơi giải trí. Theo Đồ án Quy hoạch, khu trung tâm khu Hòa Bình sẽ giải tỏa nhiều hơn xây dựng. Bố trí 2 khối công trình có cấu trúc hiện đại (khối 3 tầng, khối 5 tầng - tầng nổi), thể hiện 2 bó hoa đang nở cũng là đặc trưng của thành phố hoa Đà Lạt, chứ không phải là mô hình tháp như ở Sài Gòn, Đà Nẵng hay các nơi khác thường có. Ý tưởng này khá hay, vấn đề là sử dụng chất liệu như thế nào? Nhưng đây mới chỉ là quy hoạch, khi xem xét dự án đầu tư thì sẽ xem xét về yếu tố kiến trúc có phù hợp, hài hòa không?
Cải tạo, chỉnh trang Khu trung tâm Hòa Bình cũng là công trình trọng điểm của tỉnh, tạo điểm nhấn cho thành phố du lịch, thành phố hoa, với các sự kiện triển lãm hoa, giữ được công năng là nơi mua sắm và có thêm dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ du khách. Trên bản đồ tổ chức không gian cũng cho thấy Khu trung tâm Hòa Bình là một không gian mở kết nối từ phía bắc, phía tây và phía đông. Phía nam là khu vực bùng binh (qua cầu ông Đạo đi vào bùng binh chợ) vẫn được giữ. Khu trung tâm Hòa Bình kết nối với khu phía bắc thông qua việc mở một số tuyến đường mới; kết nối với khu phía đông qua các nhánh rẽ từ đường Lê Thị Hồng Gấm. Toàn bộ hệ thống hạ tầng đều được chỉnh trang, mở rộng, đầu tư theo hướng hiện đại, vỉa hè sử dụng vật liệu tốt và trồng cây xanh, trồng hoa... Tóm lại, nhìn về mặt ý tưởng và cách triển khai thực hiện thì xứng tầm để trở thành trung tâm của thành phố du lịch.
Cũng giống như khi Đà Lạt xây dựng Quảng trường Lâm Viên có 2 khối hoa atiso và hoa quỳ, lúc đầu rất nhiều người phản ứng. Dần dần, chỉ có lời khen thôi và là điểm “check in” của giới trẻ. Chúng ta không nên sống hoài niệm quá mà cản trở sự phát triển của thành phố Đà Lạt. Chúng tôi cũng rất thận trọng trong việc giải bài toán giữa phát triển và bảo tồn. Bảo tồn làm sao phải phục vụ cho phát triển, nhưng phát triển cũng phải giữ được cái chất, cái hồn của Đà Lạt. Hiện nay, không có một tỉnh nào mà khi xây dựng khách sạn 4-5 tầng, hay những công trình không phải nhà ở nếu có diện tích xây dựng từ 300-400 mét vuông trở lên là phải đưa ra Hội đồng quy hoạch kiến trúc của tỉnh, xét về mặt kiến trúc, về mặt chỉ tiêu quản lý, có phù hợp với cảnh quan khu vực không, rồi báo cáo UBND tỉnh thỏa thuận về chỉ tiêu quy hoạch mới được lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng như ở Lâm Đồng.
Tức là, chính quyền hiện nay cũng đang rất tập trung về việc quản lý phát triển, giữ lại cái gì để phục vụ cho cái gì. Chắc chắn là cũng phù hợp với nhu cầu của người dân Đà Lạt! Vấn đề Đà Lạt xưa và nay vẫn luôn được chú trọng. Nhưng dân số luôn phát triển, du khách ngày một tăng, tất yếu buộc phải đầu tư cơ sở hạ tầng và chỉnh trang để đáp ứng một phần sự phát triển của đô thị Đà Lạt trên cao nguyên. Đối với Khu trung tâm Hòa Bình, phương án đầu tư sẽ được tích hợp trong dự án đầu tư; đó là, phải xác định các hạng mục đầu tư, nguồn lực đầu tư, phương thức đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ tiềm lực và tâm huyết.
PV:
Xin cảm ơn ông!
|
Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất Khu trung tâm Hòa Bình |
NHÓM PHÓNG VIÊN