Trao đổi với phóng viên Báo Lâm Ðồng về Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt (Ðồ án Quy hoạch), ông đưa ra nhiều ý kiến thận trọng với mong muốn làm cho khu vực trung tâm Hòa Bình đẹp và hiện đại hơn trong vai trò, chức năng vốn có của nó ở thành phố du lịch Ðà Lạt nổi tiếng mộng mơ.
Góp ý, tranh luận để làm cho Đà Lạt đẹp và hiện đại hơn…
[links(right)]
Kiến trúc sư Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Ðồng sinh sống ở Ðà Lạt từ năm 1960. Ông cũng từng đảm đương nhiều vị trí công việc liên quan đến xây dựng và quản lý đô thị ở Ðà Lạt. Trao đổi với phóng viên Báo Lâm Ðồng về Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt (Ðồ án Quy hoạch), ông đưa ra nhiều ý kiến thận trọng với mong muốn làm cho khu vực trung tâm Hòa Bình đẹp và hiện đại hơn trong vai trò, chức năng vốn có của nó ở thành phố du lịch Ðà Lạt nổi tiếng mộng mơ.
|
Phối cảnh Khu trung tâm Hòa Bình nhìn từ bùng binh cầu Ông Đạo |
Quy hoạch phải làm cho Khu trung tâm Hòa Bình có ý nghĩa hơn trong vai trò, chức năng vốn có của nó…
PV:
Tỉnh vừa tổ chức công bố Đồ án Quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình. So với hiện trạng thực tế, theo ông quy hoạch này có hợp lý và còn những gì chưa hợp lý?
Ông Lê Tứ: Quy hoạch Trung tâm thành phố Đà Lạt, đặc biệt là Khu trung tâm Hòa Bình đã được xác định trong Quyết định 704 - “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Hiện trạng thì ai cũng thấy rồi! Nguyện vọng của chúng ta là làm cho khu vực này thành một trung tâm có ý nghĩa hơn trong vai trò, chức năng vốn có của nó. Về phía Hội Kiến trúc sư, chúng tôi rất hoan nghênh chính quyền đã thấy được các vấn đề của khu trung tâm và cũng đã có nỗ lực thực hiện quy hoạch ở Khu trung tâm Hòa Bình để từng bước triển khai Quy hoạch chung (704) đã được Thủ tướng phê duyệt.
Các công trình đáng chú ý nhất ở Khu vực trung tâm Hòa Bình là chợ Đà Lạt, Rạp 3/4 và Dinh Tỉnh trưởng. Chợ Đà Lạt là công trình chủ đạo ở trung tâm Đà Lạt, có kiến trúc nổi tiếng cả nước, nhưng không gian chợ đang bị che lấp bởi cây cối, nhà cửa, đặc biệt là các biển quảng cáo. Một công trình nữa là Rạp 3/4 (Rạp Hòa Bình), với điểm nổi bật là nơi tiếp giáp của 7 nhánh đường, nếu tính luôn đường bộ xuống chợ là 8 đường. Dinh Tỉnh trưởng là công trình rất gần Khu Hòa Bình, nhưng vài chục năm nay bị chia cắt, thực tế không có đường giao thông tiếp cận trực tiếp và cũng rất ít người lên điểm cao đó để nhìn ngắm thành phố.
Đối với khu vực chợ Đà Lạt, nếu nhìn về tỷ trọng thì nơi này có diện tích lớn nhất. Quy hoạch đã đáp ứng được mục tiêu là làm nổi bật công trình chợ trong không gian của thung lũng vốn có. Việc phục hồi được toàn bộ không gian chợ (mở rộng thêm chứ không bó lại) có thể coi là thắng lợi nhất của quy hoạch. Đặc biệt là tuyến trục từ bùng binh đài phun nước cầu Ông Đạo dẫn vào chợ chuyển thành quảng trường hoa, khiến cho công trình chợ thêm đặc sắc; hệ thống đường dẫn vào chợ được chỉnh trang, giải quyết vấn đề giao thông bên trong, làm thông thoáng cho toàn bộ khu vực chợ, thuận tiện lưu thông hàng hóa, tránh sự chồng chéo.
Khu vực Rạp Hòa Bình là điểm giao của 7 con đường có tên và đấu nối vào đúng tòa nhà của Rạp Hòa Bình. Theo tôi, việc tháo dỡ Rạp Hòa Bình để hình thành Quảng trường Hòa Bình theo Đồ án Quy hoạch là rất hợp lý. Về mặt sử dụng đất, chúng ta chỉ mở rộng thêm chứ không thu hẹp; việc tháo dỡ Rạp Hòa Bình cũng sẽ tạo thành một đảo giao thông xuyên suốt, và quảng trường này sẽ có không gian rộng hơn để tổ chức các hoạt động chính trị - văn hóa - xã hội, tránh được những ùn tắc.
Ai cũng biết Rạp Hòa Bình thường là nơi tổ chức nhiều sự kiện có liên quan đến Đà Lạt từ xưa đến nay, nhất là trước khi có Quảng trường Lâm Viên được hình thành. Tuy nhiên, các hoạt động ở đây cũng không phải quá lớn, và mỗi lần có sự kiện thì phải chặn đường này đường kia để giảm mật độ giao thông. Rạp Hòa Bình vốn là cái chợ, mang ý nghĩa chợ tạm thì đúng hơn. Sau khi chợ Đà Lạt mới được đưa vào khai thác vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước thì nó (chợ cũ) được gắn chức năng hỗn hợp vừa là nhà hát, vừa là rạp chiếu phim quy mô vừa, khoảng 2-3 trăm chỗ và bố trí các cửa hàng xung quanh. Cái tháp cao trên nóc rạp được coi như một điểm mốc để định hướng…, nhưng đến nay, đã bị hàng loạt công trình cao tầng ở khu vực này che chắn, nên ý nghĩa điểm mốc của tháp Hòa Bình dường như không còn.
Theo Đồ án quy hoạch, sẽ có hai tổ hợp công trình thay thế Rạp Hòa Bình và các khu nhà ở thềm cao bên hông chợ Đà Lạt, một ở vị trí ở cuối quảng trường và khối còn lại ở thương xá La Tulip cũ. Đơn vị tư vấn đề xuất sử dụng vật liệu kính trong suốt - loại kiến trúc hiện đại theo mô hình bông hoa rất đáng chú ý. Bên Hội Kiến trúc sư sau khi tiếp nhận được Đồ án quy hoạch (năm 2017), có tổ chức tư vấn phản biện để góp ý bằng văn bản chính thức cho Sở Xây dựng và cho tỉnh. Trong đó, chúng tôi có đề xuất khi xây dựng các tổ hợp, về mặt nguyên tắc là có thể thực hiện được, tuy nhiên, chú ý công trình đó cần đảm đương được chức năng là điểm mốc.
|
Khu trung tâm Đà Lạt năm 1952 có rất nhiều mảng xanh, còn thấy rõ 2 công trình là Dinh Tỉnh trưởng trên đồi cao và chợ cũ Đà Lạt (nay là Rạp Hòa Bình). Ảnh: Ðặng Văn Thông |
Công trình Dinh Tỉnh trưởng nên xây dựng với quy mô vừa phải…
PV:
Còn công trình thay thế Dinh Tỉnh trưởng với quy mô 3 tầng hầm, 7 tầng nổi và mật độ xây dựng 70% trên đỉnh đồi cao, có thể chèn ép cảnh quan kiến trúc của Dinh Tỉnh trưởng, khiến dư luận phản ứng từ khi công bố Đồ án Quy hoạch. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Lê Tứ: Đồ án Quy hoạch đã làm được việc kết nối giữa không gian khu Hòa Bình đến khu vực Dinh Tỉnh trưởng bằng hai tuyến đường, một tuyến đường bộ ở đầu đường Nguyễn Văn Trỗi và một tuyến ở Phan Bội Châu. Việc khảo sát và tổ chức hình thành hai tuyến đường này là khả thi và nên làm thay cho kết nối cũ là đường Lý Tự Trọng. Việc kết nối này còn có ý nghĩa giải quyết các luồng giao thông đi lại từ phía Bắc về khu trung tâm lâu nay bị chia cắt. Khu vực Đồi Dinh Tỉnh trưởng còn lại một quần thể cây xanh và công trình Dinh, ở các tầm nhìn chính thì dường như đã bị che chắn gần hết. Việc giải tỏa Rạp Hòa Bình và chỉnh trang ở khu vực cận kề cũng giúp nhìn được hình ảnh của Dinh rõ ràng hơn.
Trong Đồ án Quy hoạch đề xuất xây dựng một tổ hợp khách sạn khoảng 7 tầng (giới hạn cao nhất cho phép ở khu vực này). Theo quan điểm của chúng tôi là có thể xây dựng. Nhưng, thứ nhất, chỉ nên xây dựng với quy mô vừa phải để công trình tổ hợp khách sạn này không được lấn lướt phần còn lại của quả đồi, để còn thấy được mảng xanh; thứ hai, nên giữ nguyên vị trí hiện tại của công trình kiến trúc Dinh Tỉnh trưởng (kết cấu là một khối biệt thự có quy mô khá lớn) thì càng tốt, còn nếu di dời nguyên trạng thì cũng phải cân nhắc và phải giải quyết vấn đề cây xanh để giữ nguyên cảnh quan xanh cho Dinh.
Khi Đồ án Quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình được công bố, nghe được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý từ nhiều phía, đặc biệt là thông tin từ báo chí, chúng tôi cũng mong muốn chính quyền, các cơ quan chuyên môn nên tập hợp, rà soát, xem xét lại những vấn đề còn tồn tại trong Đồ án Quy hoạch để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện cho hợp lý. Chúng tôi khẳng định một lần nữa, việc đầu tư xây dựng để cho có một trung tâm thành phố khang trang là rất cần thiết. Với quy mô như Đồ án Quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình, thì dù nhà đầu tư nào vào cũng phải có tiềm lực và có tâm thì mới làm được. Chúng tôi cũng đang cố gắng vận động anh em cùng ngồi lại tranh luận tiếp những vấn đề này, nếu có sự thống nhất cao thì trao đổi, trình bày với các cơ quan chức năng của nhà nước để góp phần làm cho Đà Lạt đẹp hơn, hiện đại hơn, trước mắt là đem lại giá trị cho Khu trung tâm Hòa Bình.
PV:
Xin cảm ơn ông!
NHÓM PHÓNG VIÊN