Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Ðà Lạt (Bài 4)

08:03, 27/03/2019

Theo giới chuyên môn, trong quy hoạch đô thị, phát triển và bảo tồn là bài toán cực kỳ khó. Bởi đó là những quyết định liên quan đến việc phải phá bỏ cái gì, thay thế cái gì, xây dựng cái gì, đạt được cái gì… Mặc dù nguyên tắc quy hoạch là kiến trúc phải đi liền với cảnh quan, nhưng rõ ràng là không thể thoát khỏi ý chí chủ quan của con người nên mới sinh ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. 

Thay đổi để phát triển...
 
[links(right)] Theo giới chuyên môn, trong quy hoạch đô thị, phát triển và bảo tồn là bài toán cực kỳ khó. Bởi đó là những quyết định liên quan đến việc phải phá bỏ cái gì, thay thế cái gì, xây dựng cái gì, đạt được cái gì… Mặc dù nguyên tắc quy hoạch là kiến trúc phải đi liền với cảnh quan, nhưng rõ ràng là không thể thoát khỏi ý chí chủ quan của con người nên mới sinh ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. 
 
Rạp Hòa Bình năm 1971. Ảnh: Đặng Văn Thông
Rạp Hòa Bình năm 1971. Ảnh: Đặng Văn Thông
 
Cảm xúc và hoài niệm là bản tính con người…
 
Nhiều người không ngần ngại nhận xét rằng, Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt (Đồ án Quy hoạch) là xa lạ, là quên yếu tố “địa văn hóa” của người Đà Lạt; là làm mất đi hồn cốt, mất đi bản sắc, không còn điểm nhấn của thành phố Đà Lạt; rồi Đà Lạt sẽ giống như các đô thị khác, phủ bê tông, nhà kính, tăng nóng và rác thải…
 
Nhưng, không ai phủ nhận việc Quy hoạch là cần thiết, thay đổi là cần thiết đối với một đô thị đang phát triển. Quy hoạch như thế nào và thay đổi ra sao cho phù hợp đang tạo nên dư luận suốt 2 tuần qua, kể từ khi Đồ án Quy hoạch được công bố. Nhiều người nghĩ đơn giản, ừ không thích nó cũ quá, nhếch nhác quá, hoang phế quá - đập đi, phá đi làm lại cái mới - mà không cần quan tâm, cái mới sẽ khiến con người ta như thế nào, thành phố sẽ ra sao?
 
“Trong kí ức của tôi, thành phố Đà Lạt rất hoang sơ, nhưng nhiều người thích vì nó thanh bình, thơ mộng. Nếu phá bỏ hết cái cũ thì những giá trị ấy chỉ còn dĩ vãng. Khi quy hoạch trung tâm thành phố Đà Lạt, nhà kiến trúc và lãnh đạo chắc chắn đã tính toán cả rồi, nhưng tôi vẫn mong giữ lại những giá trị riêng của Đà Lạt” - ông Đặng Văn Thông, 88 tuổi, sống ở Đà Lạt từ những năm 1939 đến nay cho biết. 
Nhiều người khác khẳng định, người Đà Lạt không ưa sự ồn ào, không thích cảnh náo nhiệt và yêu cái tĩnh lặng tự nhiên. Những người lớn tuổi nhớ nhiều đến cái thời Đà Lạt còn vô cùng hoang sơ; người khác hoài niệm về thời đi xe đạp, phải dắt lên những con dốc; hoặc đi bộ mỏi chân, tạt vào rừng thông thả mình trên đám cỏ hay dựa lưng vào gốc cây mà thỏa thích ngắm nhìn bầu trời và những tia nắng lấp ló, đung đưa qua tán lá xanh… Có người vẫn giữ ký ức về hình ảnh các bà, các mẹ đi chợ Đà Lạt còn mặc áo dài, xách làn cói, cắp rổ, hay gồng gồng gánh gánh leo từng bậc cấp, vành nón lá nghiêng nghiêng… 
 
Cảm xúc con người là điều khó cưỡng cầu! Người ta cũng quy kết, các kiểu xây nhà tự phát, hay biển hiệu - quảng cáo che chắn các công trình kiến trúc tiêu biểu; rác thải hay ô nhiễm; nhà kính hay sự cố mùa màng… là trách nhiệm của chính quyền, của cơ quan nhà nước trong quản lý, quy hoạch… Người ta lo lắng cho những con dốc sâu hun hút, những bậc cấp không có điểm dừng trong các con hẻm nhỏ… vốn là trở ngại trong giao thông - nhưng họ đã quen từ hồi nảo hồi nào, sẽ không còn nữa… Người ta tiếc cho phong cách kiến trúc “nhà trong núi - phố trong rừng” đang dần là huyền thoại…
 
 
Ðồng chí Ðoàn Văn Việt
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng 
Đồ án Quy hoạch là tiền đề để đầu tư cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị Khu trung tâm Hòa Bình thành khu Trung tâm phức hợp, gồm: Hạ tầng giao thông công cộng chất lượng cao, xây dựng các công trình kiến trúc đặc trưng, hài hòa cảnh quan khu vực, là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế… Đề xuất giải pháp qui hoạch và thiết kế các phân khu chức năng tạo ra nhiều không gian thương mại, mua sắm; không gian đi bộ, bãi đậu xe; sắp xếp, chỉnh trang các khu ở đảm bảo hài hòa cảnh quan của khu vực… Từ đó, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao giá trị sử dụng đất thông qua những hoạt động du lịch, dịch vụ chất lượng và đa dạng tại khu trung tâm của thành phố Đà Lạt.
 

 

Là dấu ấn của sự phát triển…

Theo Đồ án Quy hoạch, Khu trung tâm Hòa Bình có diện tích khoảng 30 ha, quy mô dân số khoảng 6.870 người; bao gồm 5 phân khu là chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai, trung tâm Hòa Bình, Đồi Dinh, khu vực chỉnh trang đô thị và khu vực ven hồ Xuân Hương. Trong đó, ý tưởng quy hoạch ở hai phân khu được tranh luận nhiều nhất là Đồi Dinh và trung tâm Hòa Bình.
 
Trong cuốn sách “Đà Lạt xưa” của Tạp chí Xưa & Nay do NXB Văn hóa Sài Gòn phát hành năm 2008, có bài viết “Kiến trúc Đà Lạt thời Pháp thuộc” của ông Lê Phỉ, xếp Dinh Thị trưởng  vào nhóm các công trình kiến trúc lớn, có tầng hầm và mô tả: “Vào khoảng năm 1917, Công sứ Outrey, các Công sứ, Thị trưởng kế tiếp ở tại đó. Dinh Thị trưởng chỉ có 2 tầng… Đó là một kiến trúc khối có 4 cửa: Cửa chính có bậc thang lên từ 2 bên… Tầng trên cửa sổ mở ra 4 hướng: phía Nam nhìn ra khu chợ và khu người Việt, phía Bắc nhìn lên hướng núi Lang Biang, phía đông nhìn xuống hồ, phía tây nhìn sang phía đồi ấp Mỹ Lộc… Cửa vào ngã sau dành cho gia đình có lối lên và xuống cho xe hơi”. 
Phía sau Dinh có hai dãy nhà phụ là nơi ở cho người giúp việc và người hầu. Cạnh các nhà phụ có hai hồ chứa nước lọc để cung cấp cho vùng trung tâm thành phố. Mật độ xây dựng công trình Dinh Tỉnh trưởng chỉ khoảng 10%. Dinh Tỉnh trưởng và 2 bồn chứa nước sẽ được di dời để xây dựng công trình khách sạn Đồi Dinh có kết cấu 3 tầng chìm, 7 tầng nổi, mật độ xây dựng từ 30-70%, trên diện tích đất hơn 16,9 ngàn mét vuông, chiều cao tối đa 55 m, khoảng lùi cách lộ giới từ 3-6 m… Chiều cao và mật độ xây dựng còn được phép gia giảm thêm 10%. Theo đơn vị tư vấn, Dinh Tỉnh trưởng chỉ di dời khoảng 10 m về hướng Bắc (hướng núi Lang Biang) để tạo kết nối hài hòa với công trình khách sạn kết hợp thương mại dịch vụ ở phía Nam lô đất. 
 
Cũng trong bài viết của ông Lê Phỉ, Khu Hòa Bình “trước gọi là khu ổ chợ vì chợ cũ nằm ngay Nhà hát bây giờ (Rạp 3/4). Chung quanh Khu Hòa Bình có các nhà phú hộ như Đội Có xây một dãy 10 căn phía sau để cho thuê. Kiến trúc cũ. Nhà 2 tầng, tầng trên có ban công nhìn ra chợ”…  Sau khi chợ mới Đà Lạt được hình thành vào năm 1958, vị trí chợ cũ được xây dựng lại và chuyển đổi công năng thành Rạp hát, sau này là Rạp chiếu phim… Ông Lê Phỉ cho rằng, ngay khi chợ mới Đà Lạt hình thành là kiến trúc mới nhất trong các chợ ở Việt Nam; nhưng việc cho xây dựng thêm các căn phố ở 2 bên chợ và các khách sạn Mộng Đẹp, nhà hàng La Tuylip thì cảnh chợ đã bị phá hỏng. Khi cho xây thêm các dãy hàng quán dọc 2 bên đường vào chợ thì việc giữ thẩm mỹ cho khu chợ lại càng kém hơn.
 
Dinh Tỉnh trưởng hiện nay
Dinh Tỉnh trưởng hiện nay
 
Đồ án Quy hoạch đã làm được điều mà ai cũng cho là rất tốt - đó là trả lại không gian cảnh quan cho chợ Đà Lạt. Nhưng, mọi người lại lo lắng về 2 khối nhà cao tầng là tổ hợp trung tâm thương mại sẽ được thay thế trên nền đất của khu Hòa Bình, sử dụng vật liệu kính mang phong cách kiến trúc hiện đại và vật liệu bao che để cách nhiệt và giảm thiểu bức xạ mặt trời. Ngoài phản ứng về việc xây tòa nhà cao tầng sẽ che chắn tầm nhìn hay che chắn các công trình khác và khiến Đà Lạt giống các đô thị khác, thì dư luận cũng tập trung vào khối nhà ở vị trí thương xá La Tuylip. Đây là khối nhà cao 4 tầng nổi so với mặt đường (sẽ là đại lộ Hòa Bình), chưa kể 5 tầng hầm (gồm 3 tầng nổi và 2 tầng hầm so với vòng xoay chợ).  Khối tầng hầm của công trình này kết nối với tầng hầm của tòa nhà thứ hai, ngang với mặt đường Phan Bội Châu, đường Hòa Bình không tạo cảm giác “chênh” về độ cao, nhưng 4 tầng nổi được nhận định là che chắn không gian, tạo cảm giác “vướng” trong một thế đất đang xuôi dần…
Dường như là nguyên lý chung: Muốn phát triển phải thay đổi, muốn thay đổi phải đánh đổi. Nếu muốn bảo tồn kiến trúc phải bảo tồn cả vùng cảnh quan có kiến trúc. Công trình điểm mốc hay chỉ báo của Đà Lạt sẽ dần dần thay đổi. Sẽ đến lúc, cảnh hồ Xuân Hương phải có nhà Thủy Tạ hay tháp Cao đẳng Sư phạm; hoặc thành phố sương mờ, phải có hình ảnh núi Lang Biang thì người ta mới biết đó là Đà Lạt. Còn ở những góc khác với các công trình khác phải chú thích, hoặc phải qua một thời gian dài nữa khi mà người trẻ không phải chứng kiến những đổi thay hôm nay, được sống trong không gian Đà Lạt hiện đại, công nhận những chỉ báo mới… Khi đó, cơ hội được lục tìm dĩ vãng của ông bà, cha mẹ cũng sẽ là một điều thú vị trong cuộc sống!
 
NHÓM PHÓNG VIÊN