Gắn bó với ngành môi trường như một mối duyên, và giờ đây, TS trẻ Nguyễn Công Nguyên (Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Ðại học Ðà Lạt) luôn trăn trở suy nghĩ mình phải có trách nhiệm nghiên cứu, nỗ lực giúp đỡ các thế hệ sinh viên để cải thiện những vấn đề về môi trường.
Gắn bó với ngành môi trường như một mối duyên, và giờ đây, TS trẻ Nguyễn Công Nguyên (Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Ðại học Ðà Lạt) luôn trăn trở suy nghĩ mình phải có trách nhiệm nghiên cứu, nỗ lực giúp đỡ các thế hệ sinh viên để cải thiện những vấn đề về môi trường.
|
TS Nguyễn Công Nguyên nhận quyết định hỗ trợ vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp năm 2018. Ảnh: H.Thắm |
Kể về cái duyên của mình với ngành khoa học môi trường, TS Nguyễn Công Nguyên nhắc về những ngày tháng chật vật cùng cha mẹ lập nghiệp ở vùng sâu Tân Hà (huyện Lâm Hà). Khi đó, ở một vùng núi yên bình mà heo hút, người dân quê ai cũng mải miết với gánh nặng mưu sinh. Đậu Đại học (ĐH) Đà Lạt với điểm số thủ khoa, khi ấy chàng trai trẻ Nguyễn Công Nguyên chẳng có gì khác ngoài suy nghĩ đơn giản: Môi trường là những thứ gần gũi quanh chúng ta nên sẽ theo học để có thể giúp thay đổi điều gì đó trong cuộc sống. Nên ngay từ khi còn là sinh viên, TS Nguyễn Công Nguyên đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu thực tế về rác thải, nước thải… Từ đó, niềm đam mê như được chắp cánh.
Năm 32 tuổi, anh lấy bằng tiến sĩ tại Trường Đại học kỹ thuật Quốc gia Đài Bắc, Đài Loan. Với mong muốn cống hiến cho quê hương mình lớn lên, TS Nguyễn Công Nguyên và vợ mình là TS Nguyễn Thị Hậu (hiện đang công tác tại ĐH Đà Lạt) đã đưa công nghệ màng lọc thẩm thấu thuận về Việt Nam để thử nghiệm, ứng dụng, tạo thành những túi màng lọc chuyển nước nhiễm bẩn thành nước sạch. Công nghệ này được đánh giá là một phương pháp giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân ở xã vùng sâu vùng xa, vùng lũ lụt, vùng ngập mặn… với khả năng ứng dụng cao và giá thành phù hợp.
“Trong những lần tham gia các dự án cung cấp nước sạch cho các vùng nông thôn ở Đạ Tẻh, Cát Tiên…; tôi thấy rằng ở nhiều nơi, nhất là khu vực miền núi, người dân đang thiếu nước sạch để sử dụng. Bên cạnh đó, là tình trạng nước nhiễm Asen ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi mong muốn đem công nghệ đến để hỗ trợ người dân”, TS Nguyễn Công Nguyên chia sẻ.
Trong suốt quá trình nghiên cứu cũng như công tác, TS Nguyễn Công Nguyên đã có 38 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc danh mục có chỉ số impact factor cao (là những tạp chí thẩm định quốc tế có uy tín trên thế giới); 5 bài báo đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế, 17 bài báo cáo tại Hội nghị khoa học Quốc tế và Việt Nam. Anh cũng chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu cấp bộ tại Bộ Khoa học và Công nghệ; 1 phát minh sáng chế tại Úc vào năm 2015; 1 sáng chế: Máy lọc nước biển thông minh” tại Đài Loan 2018. Năm 2016, anh được chứng nhận nghiên cứu xuất sắc tại Viện Quản lý và Kỹ thuật Môi trường - Trường Đại học kỹ thuật Quốc gia Đài Bắc, Đài Loan. Năm 2017, TS Công Nguyên đoạt giải nhất nhà khoa học trẻ tại Hội thảo quốc tế “Công nghệ xanh cho bền vững nguồn nước” tổ chức ở Hà Nội... Mới đây, anh là đại diện duy nhất của Lâm Đồng lọt vào top 19 ứng cử viên cho giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018 (Giải thưởng Khoa học công nghệ dành cho thanh niên Việt Nam có độ tuổi không quá 35).
Với xuất phát điểm là chàng sinh viên của Khoa Môi trường và Tài nguyên, sau khi được tạo điều kiện đi học để nâng cao trình độ, điều đầu tiên mà TS Nguyễn Công Nguyên nghĩ đến, là quay trở về gắn bó và cống hiến tại nơi đã đặt những viên gạch đầu tiên cho đam mê của mình. Với kiến thức học tại nước ngoài, anh có nhiều lợi thế trong quá trình tiếp xúc với các giáo sư đầu ngành. Anh cũng thường xuyên biên dịch một số tài liệu tiếng Anh để hướng dẫn cho sinh viên. Anh cũng là người “châm ngòi” ý tưởng sáng tạo cho nhiều thế hệ sinh viên. “Tôi luôn vận động các em cố gắng làm đồ án, và sẽ hỗ trợ các em từ ý tưởng, giúp các em tiếp cận những công nghệ mới. Mình chỉ đóng vai trò hướng dẫn, còn lại tất cả phải do các em chủ động nghiên cứu và thực hiện. Chỉ có như vậy mới kích thích được niềm đam mê sáng tạo của sinh viên”, TS Nguyễn Công Nguyên chia sẻ.
Mới đây, dự án “Máy lọc nước biển thông minh Version 1” bằng công nghệ chưng cất màng MD (Membrane distillation) của nhóm sinh viên Trường ĐH Đà Lạt vừa đoạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp và mô hình khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Lâm Đồng lần thứ I - 2018. “Ý tưởng xuất phát từ việc chúng mình lớn lên ở các vùng biển nên thấy được khó khăn của người dân về nước sạch. Sau khi đề xuất ý tưởng với thầy thì thầy gợi ý nhóm mình nên phát triển theo công nghệ màng - một lĩnh vực mà thầy đã có nhiều thành công. Đó cũng là phần quan trọng nhất để ý tưởng của chúng em đạt kết quả cao. Nhóm đã phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh và có lợi nhất cho ngư dân. Ngoài ra, thầy cũng căn dặn sinh viên phải thực sự giỏi không chỉ ở lĩnh vực chuyên môn mà cần phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác nữa. Thầy rất tận tâm với sinh viên”, Lê Kiều Phượng (sinh viên năm 4 Khoa Môi trường và Tài nguyên) - thành viên nhóm chia sẻ.
Hiện tại, TS Nguyễn Công Nguyên là Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên. Theo anh, đây là ngành học khá đặc thù, buộc các bạn sinh viên phải có những trải nghiệm thực tế trong suốt quá trình học. Không chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sinh viên cũng cần phải biết lao động, quan sát, đôi lúc phải chấp nhận cả những công việc lao động tay chân để tích lũy kinh nghiệm, hiểu hơn về cuộc sống. Đó mới chính là cơ hội tạo sức bật để chạm tới thành công.
HỒNG THẮM