Thủ tướng Chính phủ vừa phát động toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam, đây cũng chính là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước, việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái, trai, già, trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được".
Thủ tướng Chính phủ vừa phát động toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam, đây cũng chính là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước, việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái, trai, già, trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được”. Ðiều này càng có ý nghĩa khi năm nay cả nước kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ.
|
Lực lượng ngành Y tế Lâm Đồng đi bộ và đạp xe hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Ảnh: A.Nhiên |
Rèn luyện thói quen tốt cho sức khỏe
Bác Hồ kính yêu đã nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”. Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi là: Vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Một số chỉ số đạt mức tương đương với các nước phát triển có thu nhập khá. Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu: “Với việc khởi động triển khai chương trình này, Việt Nam đã gia nhập vào nhóm các quốc gia tiên phong về nâng cao sức khỏe như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… Tất cả các nước này đều có các chương trình nâng cao sức khỏe dài hạn. Việc phát động chương trình này, là một ví dụ về việc đáp ứng cụ thể của Việt Nam trong việc thực hiện chương trình vì sự phát triển bền vững đến năm 2030”.
Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe của người dân đang đối mặt với nhiều thách thức mới, đó là: gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính, những căn bệnh này đang chiếm hơn 70% số tử vong hằng năm. Trong khi đó, việc phòng chống các yếu tố gây bệnh, việc phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng trung bình có tới gần 10 năm phải sống với bệnh tật, vì thế làm giảm rất nhiều chất lượng cuộc sống. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ, sau hơn 25 năm mới tăng được 3 cm.
Để thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam, Thủ tướng kêu gọi: “Mỗi người chúng ta hãy bắt đầu ngay từ việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thực hiện đúng các hướng dẫn của thầy thuốc. Có chế độ ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều rau xanh, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và điều quan trọng là thường xuyên vận động thể lực, rèn luyện thể dục”.
Cải thiện các chỉ số sức khỏe
Chương trình Sức khỏe Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: Xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Cụ thể, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Chương trình Sức khỏe Việt Nam được triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2030. Từ năm 2031 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả thực hiện để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của Chương trình.
Các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm. Cụ thể như sau: Thứ nhất, nâng cao sức khỏe: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực. Thứ hai, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh: chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm. Thứ ba, chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe người lao động.
Các chỉ tiêu hướng tới như sau: Tăng chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam đạt 167 cm (năm 2025) lên 168,5 cm (năm 2030); đối với nữ 156 cm (năm 2025) lên 157,5 cm (năm 2030). Giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi dưới 20% (năm 2025) và dưới 15% (năm 2030). Khống chế tỉ lệ người trưởng thành bị béo phì dưới 12% (năm 2025) và dưới 10% (năm 2030).
Giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành 37% (năm 2025) còn 32,5% (năm 2030), giảm tỉ lệ hút thuốc lá thụ động của người dân từ 50% (2025) xuống 40% (năm 2025). Giảm tỉ lệ uống rượu bia tới mức nguy hại ở nam giới trưởng thành còn 39% (năm 2025) xuống 35% (năm 2030).
Đến năm 2030 đảm bảo trên 95% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ 12 -14 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; 100% trạm y tế xã quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm và 95% người dân được quản lý, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng; 100% trường mầm non bán trú, nội trú tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh…
AN NHIÊN