Về lại nơi các O nằm sau nửa thế kỷ

04:03, 07/03/2019

(LĐ online) - Gần Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tôi trở lại quê Hà Tĩnh, nơi 10 cô gái (quê tôi gọi là O) – Anh hùng Thanh niên xung phong (TNXP) ngã xuống Ngã ba Đồng Lộc hơn 50 năm trước.

(LĐ online) - Gần Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tôi trở lại quê Hà Tĩnh, nơi 10 cô gái (quê tôi gọi là O) – Anh hùng Thanh niên xung phong (TNXP) ngã xuống Ngã ba Đồng Lộc hơn 50 năm trước. Đã nhiều lần viếng thăm Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, nhưng lần này càng xúc động vì cùng đi với tôi còn có hai thương binh là Phan Minh Đường, Trần Thanh Sơn và Khu Di tích có thêm Đền thờ 10 cô gái được đầu tư xây dựng 43,7 tỷ đồng …
 
Chúng tôi đến xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc khi khung trời núi Trọ Voi đã xâm xẩm, phần vì sương mù quánh lại, phần vì chiều rất muộn, nhưng vẫn nườm nượp người tỏa đi các điểm thăm viếng. Dọc đường “yết hầu” năm xưa, nay là Quốc lộ 15, ô tô đậu rất nhiều. Chúng tôi đến từ hướng Bắc của Khu di tích rộng 107 ha, hạng mục đầu tiên là Cột biểu tượng của ngành giao thông vận tải, khánh thành ngày 26/3/1992, lừng lững giữa ngã ba. Nơi đây là tâm điểm kết nối thành 3 tuyến đường Đồng Lộc - Lạc Thiện, Đồng Lộc - Khe Giao, Đồng Lộc -Ba Giang, “cung con đường ra mặt trận, giặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi. Đường hiên ngang vượt qua truông qua suối” (“Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý). Kế đến là Tượng đài chiến thắng tọa dưới thung lũng. Nhiều người đứng lặng, chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật đặc sắc và tưởng niệm đến ngày xưa ấy…Ngay dưới chân họ, 50 năm trước, hố bom chồng lớp lớp...Tượng đài là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, của ý chí, của tinh thần vượt gian nguy để quyết chiến thắng của các lực lượng TNXP, bộ đội, công nhân, công an, dân quân, du kích...Cạnh chân núi Trọ Voi là Đài tưởng niệm các liệt sĩ ngành giao thông vận tải gần 3.000 m 2, nơi ghi danh 842 anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn Hà Tĩnh.
 
Di ảnh mười cô gái Anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc luôn có hoa trắng tinh khiết
Di ảnh mười cô gái Anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc luôn có hoa trắng tinh khiết

Một trong những nơi ở Khu di tích rất đông người đến là Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Công trình hoàn thành năm 2000, tôn tạo năm 2007, ghi danh gần 4.000 anh hùng liệt sỹ, hy sinh trên mọi miền quê hương của Tổ quốc. Họ có tên, năm sinh, quê quán, đơn vị chiến đấu, ngày tháng năm hy sinh. Có lẽ vậy mà hàng vạn lượt người đến đây để được đọc những dòng chữ về thân nhân, được một lần đặt nhẹ bàn tay truyền hơi ấm tưởng nhớ lên tấm bia...Tôi đã thấy giọt nước yêu thương chực trào nơi khóe mắt; tôi đã cảm những khuôn mặt chùng xuống; tôi đã nhận ra những bàn tay níu giữ nét chữ khắc nơi tấm bia… 
 
Chúng tôi rời Nhà bia xuống đường thì anh Đường chỉ tay về phía Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc và nói nhanh với tôi: “Lửa cháy từ lư hương kìa. Chú chụp kiểu ảnh đi, hiện tượng này rất hiếm đấy!”. Tôi bước nhanh đến đó, giương máy ghi khoảnh khắc thiêng này. Anh tôi 72 tuổi, nhưng tháng nào cũng một mình đi xe máy hơn 20km từ thành phố Hà Tĩnh ra thắp hương cho 10 O, là nhu cầu tự thân của nghĩa tình đồng đội. Ngọn lửa từ cụm hương cháy rần rần và rực sáng lên cao, làn khói tỏa khắp và len lỏi đến mọi cành cây, ngọn cỏ, như muốn xua tan u tịch của vòm trời và sưởi ấm những thớ đất đẫm máu năm xưa…Không gian thiêng liêng... Mọi người đều đứng lại, chắp tay khấn vái nguyện cầu…
 
Phía sau lư hương nghi ngút ấy là mộ 10 nữ liệt sĩ, được di táng nằm cạnh hố bom nghiệt ngã năm xưa. Họ cùng quê Hà Tĩnh, cùng tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 TNXP; hi sinh lúc 16 giờ ngày 24/7/1968 (ngày 26/6 năm Mậu Thân) ở độ tuổi từ 17 đến 24. Đó là tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, tiểu đội phó Hồ Thị Cúc và các đội viên: Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng và Võ Thị Hà. Nơi đây, màu chủ đạo là trắng, từ 10 ngôi mộ đến các loại hoa lan, cúc, hồng…, những lư hương và bình cắm hoa. Lư hương riêng nào cũng kết cao lên bởi những chân hương sau cháy đỏ. Trên mái mộ, những chiếc lược, những quả bồ kết được mọi người đặt lên, gửi gắm thành kính tiếc thương và lòng tri ân…
 
Lửa ấm, hương thơm lan tỏa cả khu vực không gian thiêng Mộ Liệt sĩ
Lửa ấm, hương thơm lan tỏa cả khu vực không gian thiêng Mộ Liệt sĩ

   
Bên kia con đường 15, các hạng mục liên hoàn khác: Hố bom, tháp chuông, nhà truyền thống, bảo tàng, nhà thờ và cụm tượng 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc…Công trình tái hiện hố bom với chi chít hố bom cùng nhiều quả bom cắm sâu vào lòng đất nham nhở. Hạng mục để các thế hệ sau hiểu về “túi bom” Ngã ba Đồng Lộc trên tuyến trọng điểm của đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa (chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, đất này đã chịu 48.600 quả bom từ không quân địch trút xuống). Bên cạnh đó là Cụm tượng 10 anh hùng liệt sĩ Ngả ba Đồng Lộc. Nhà trưng bày truyền thống TNXP toàn quốc là biểu hiện sinh động một thời cuộc sống sôi động, đầy chất thép và đầy lãng mạn của TNXP. Du khách tận mắt ngắm gần 1.100 hiện vật, tư liệu là đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu từ thô sô đến hiện đại và 345 bức ảnh...

Chứng tích hố bom và Cụm tượng được bao bọc không gian xanh
Chứng tích hố bom và Cụm tượng được bao bọc không gian xanh


Ngược lên đỉnh đồi là Tháp chuông (khánh thành đầu năm 2011) với mức đầu tư 24 tỷ đồng, do các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, kiều bào đóng góp xây dựng. Tháp cao 37m, gồm 7 tầng, 8 mái, hình bát giác đều. Tầng 7 treo chuông đồng nguyên khối 5,7 tấn, cao 3,6m, đường kính 1,95m. Khi chúng tôi có mặt, Ban quản lý chuẩn bị công tác bật hệ thống chiếu sáng, gồm 356 bộ đèn quanh tháp, sẽ lung linh huyền ảo trong đêm…Cùng đó, theo thời khắc, âm sắc của chuông ngân vào cõi trời cõi đất, đánh thức “từ bi hỉ xả” nơi mỗi con người, để thân tâm an lạc, để ngộ lẽ vô thường giữa chốn ta bà, mà gieo duyên “nhân” khởi “từ”…Chúng tôi qua 115 bậc cấp bằng đá xanh đến Đền thờ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, hoàn thành dịp tháng 7/2018 sau 3 năm thi công, diện tích 370 m2, gồm 2 khu vực tiền tế và hậu cung. Công trình trang nghiêm, tôn kính, để thêm một lần mọi thế hệ trong nước hay ngoài nước đến thắp hương tưởng nhớ và tri ân “uống nước nhớ nguồn” trước vong linh những người đã khuất với tâm thành cảm phục…Đứng tại đây, hướng về Bắc, có đỉnh núi Mòi, nơi ngày xưa O La Thị Tám băng băng dưới làn bom đạn theo dõi bom nổ để cắm cờ tiêu báo cho công binh xử lý. 200 ngày đêm, O Tám đã đánh dấu được 1.205 quả bom nổ chậm. Ghi nhớ sự kiện “cô gái sông La” anh hùng, quả đồi giờ đặt tên Đồi La Thị Tám, có lá cờ Tổ quốc phấp phới giữa bao la gió núi mây ngàn...
 

Đền thờ và Tháp chuông trên đồi cao rất tôn nghiêm
Đền thờ và Tháp chuông trên đồi cao rất tôn nghiêm
 
Về lại thành phố Hà Tĩnh, trò chuyện với bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Ngọc Vượng, phóng viên Báo Lao động và Xã hội, anh có bài thơ được anh trai là nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh – Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hà Tĩnh phổ nhạc. Ca khúc “Cổ tích quê mình” của hai anh đạt giải A “Cuộc vận động sáng tác ca khúc kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc”, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trao tại Lễ kỉ niệm năm 2018. Ngọc Vượng nói: “Mỗi lần đi tác nghiệp, mình thường đến viếng các O ấy, lần nào cũng gặp nhiều cảnh rất xúc động từ những người đến viếng. Chiến tranh lùi xa, nhưng “tọa độ chết năm xưa” vẫn khởi mạnh trong tâm thức thành kính chiêm bái nơi mỗi con người”. Còn tôi, khi đã về Đà Lạt, hình ảnh mấy phụ nữ đặt lên phần mộ các O anh hùng Ngã ba Đồng Lộc những cành hoa cúc trắng cứ chấp chới không nguôi… 
 
Ký: MINH ĐẠO