Xác định "Ðảo là nhà, biển cả là quê hương", những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Ðá Thị, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng nơi đảo tiền tiêu, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Xác định “Ðảo là nhà, biển cả là quê hương”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Ðá Thị, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vững vàng nơi đảo tiền tiêu, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Một góc đảo Đá Thị. Ảnh: N.B |
Đảo Đá Thị là một trong những đảo chìm được xây dựng trên thềm san hô nằm ở hướng Bắc thuộc quần đảo Trường Sa, cách đất liền trên 335 hải lý. Đảo có vị trí chiến luợc quan trọng trong khu vực, nên tàu nước ngoài thường vi phạm hải phận, đánh bắt hải sản và tổ chức các hoạt động thăm dò tài nguyên biển... Ở đảo chìm này, điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, chịu sự tác động trực tiếp của thủy triều, sóng to, bão lớn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo của đơn vị.
Trung úy Nguyễn Đăng Quyết - nguyên Chính trị viên đảo Đá Thị, cho biết: “Vì điều kiện thời tiết ở đảo chìm khắc nghiệt hơn so với đảo nổi, chịu sự tác động trực tiếp của sóng biển, nhiều mưa bão, thủy triều lên cao và hoàn lưu sau bão nên cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên đảo bị xuống cấp rất nhanh, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của bộ đội”.
Khó khăn là vậy, nhưng những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị luôn phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn của các thế hệ cha anh để hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Trung úy Nguyễn Đăng Quyết - nguyên Chính trị viên đảo Đá Thị, chia sẻ thêm: Thời gian qua, chỉ huy đảo luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng; thường xuyên chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, lịch sử truyền thống; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác cho cán bộ, chiến sĩ, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên và lực lượng trên đảo trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là duy trì nghiêm chế độ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, cụ thể: tích trữ, tiết kiệm nước ngọt; tăng gia sản xuất, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Việc tăng gia sản xuất ở các đảo nổi đã khó, nhưng ở đảo chìm càng khó khăn gấp bội, bởi ở đảo chìm thời tiết khắc nghiệt hơn, nên cùng với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, đơn vị còn đẩy mạnh trồng rau xanh. Ở đảo không có đất, nên đất phải chuyển từ đất liền ra, rau xanh chủ yếu được trồng trên khay trong nhà kín. Vì vậy, việc tăng gia sản xuất được chỉ huy đảo đưa vào nghị quyết, giao cụ thể cho từng đơn vị thực hiện và hàng tháng đều có đánh giá, nhận xét về hiệu quả công việc. “Trong quá trình trồng rau, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ở đây chủ yếu làm nhà kín, che chắn kín vườn rau nhằm tránh được gió, sóng biển, nước muối biển. Bên cạnh đó, hằng ngày, nhất là vào buổi sáng và chiều, anh em phải tưới nước rửa, phun xịt cây rau cho sạch nước biển thì rau mới phát triển tốt. Mặt khác, mọi người trong đơn vị chủ yếu xuất thân từ vùng nông thôn, nên ít nhiều cũng có kiến thức về trồng rau xanh. Vì thế đơn vị có đủ lượng rau xanh cung cấp 3 bữa ăn/ngày”, Đại úy Đinh Thế Hiển - nhân viên quân y đảo Đá Thị cho biết.
|
Hằng năm, đảo Đá Thị đều đạt và vượt chỉ tiêu về tăng gia sản xuất. Ảnh: N.B |
Khu vực đảo Đá Thị là ngư trường sôi động của các ngư dân, nên ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo; đơn vị còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ ngư dân về luơng thực, thực phẩm; cung cấp thuốc men trong những ngày đánh bắt xa bờ...
Với ý chí, nghị lực của người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió, trải qua quá trình xây dựng, củng cố và bảo vệ, từ khi thành lập đến nay, đảo Đá Thị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Qua đó, chẳng những xây dựng đảo thành một trong những tuyến phòng thủ vững chắc ở quần đảo Trường Sa, mà còn là điểm tựa cho bà con ngư dân ở các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Nam, Phú Yên… yên tâm vươn khơi bám biển, gắn bó với biển, đảo quê hương; sát cánh cùng những người lính đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
LAM PHƯƠNG