Xuất khẩu lao động - cơ hội và thách thức

09:03, 19/03/2019

Xuất khẩu lao động (XKLÐ) góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động tại khu vực nông thôn. Những năm gần đây, mặc dù kết quả công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng đã có những chuyển biến tích cực song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nhân lực của tỉnh. 

Xuất khẩu lao động (XKLÐ) góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động tại khu vực nông thôn. Những năm gần đây, mặc dù kết quả công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng đã có những chuyển biến tích cực song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nhân lực của tỉnh. 
 
Người lao động được tư vấn khi tham gia phiên giao dịch việc làm
Người lao động được tư vấn khi tham gia phiên giao dịch việc làm
Những kết quả khả quan
 
Huyện Lâm Hà là một trong số những địa phương được đánh giá làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ trong tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Năm - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà cho biết, xác định công tác XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững của huyện, vì vậy, những năm qua, Phòng Lao động luôn chủ động tham mưu cho UBND huyện nhiều giải pháp để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các hội, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn phối hợp triển khai tuyên truyền đẩy mạnh XKLĐ nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình người lao động tại địa phương. 
 
Trong năm 2018, Phòng đã tổ chức được 2 đợt với 6 hội nghị tư vấn việc làm - XKLĐ tại 3 cụm dân cư cho 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và tại các hội nghị đã thu hút trên 400 người là cán bộ LĐTBXH, Trưởng các thôn, tổ dân phố, hội viên, đoàn viên thanh niên, phụ huynh và người lao động tham gia. Ngoài ra, Phòng còn phối hợp với Công ty XKLĐ Thăng Long tổ chức được 9 hội thảo tư vấn trực tiếp tại các thôn đặc biệt khó khăn của huyện thu hút trên 200 lượt người tham gia. Mặt khác, lồng ghép chương trình truyền thông giảm nghèo của huyện, Phòng đã phối hợp với Công ty XKLĐ Thăng Long tổ chức tuyên truyền XKLĐ cho trên 500 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện… Nhờ đó, trong năm 2018, toàn huyện đã có 94 lao động (kế hoạch là 70 người, đạt 134% kế hoạch), xuất khẩu đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, du học Nhật Bản, Đà Loan.
 
Ông Lê Minh Trường (Giám đốc Chi nhánh phía Nam Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD): “Thế mạnh thị trường Nhật Bản" 
 
Công ty chúng tôi đã tiếp cận với địa bàn Lâm Đồng 15 năm nay và chuyên đào tạo và cung ứng nguồn lao động cho thị trường Nhật Bản. Trong năm 2018, tổng số lao động xuất cảnh thuộc địa bàn Lâm Đồng là 24 người, chiếm 12% trong số lao động xuất cảnh chi nhánh phía Nam của công ty, với các ngành nghề như: đúc, hàn, gia công kim loại, may vải bạt… Phần lớn lao động ý thức rõ và tìm hiểu kỹ việc XKLĐ tại thị trường Nhật Bản. Đối với nguồn lao động tại tỉnh Lâm Đồng, khả năng đào tạo tiếng Nhật và tay nghề cũng khá tốt, tạo nên sự uy tín đối với khách hàng. Công ty chúng tôi cũng mong muốn các ngành chức năng của tỉnh tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về các chính sách XKLĐ, giúp cho người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ các thông tin về XKLĐ; đào tạo giáo dục, định hướng cho NLĐ kỹ càng trước khi XKLĐ nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm của người lao động. 
 
Đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: “Mở rộng đối tượng cho vay” 
Hiện, đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, lao động thuộc gia đình bị thu hồi đất. Riêng đối với các huyện nghèo thì tất cả người lao động tại đây đều được vay vốn đi XKLĐ. Mức cho vay hiện tại là 100% chi phí đi XKLĐ và có chia ra, từ 50 triệu đồng trở xuống thì không phải bảo đảm tài sản, trên 50 triệu đồng thì phải bảo đảm tài sản; lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, hiện tại là 0,55%/tháng, với thời gian cho vay tối đa bằng thời gian đi lao động ở nước ngoài. Riêng trong năm 2019 này, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về sử dụng nguồn ngân sách địa phương để cho vay một số đối tượng, ngoài số đối tượng của Trung ương quy định đi XKLĐ. Cụ thể: Người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh được tuyển dụng đi lao động ở nước ngoài được vay vốn tại Ngân hàng CSXH từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH. Mức cho vay, thời hạn cho vay, điều kiện và các thủ tục thực hiện theo quy định của NHCSXH Trung ương. Hiện tại, NHCSXH tỉnh phối hợp cùng Sở LĐTBXH, Sở Tài chính đã hoàn thiện dự thảo và trình qua UBND tỉnh để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Anh Hồ Ngọc Phong Hải - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, trong đó, hỗ trợ XKLĐ là biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu nhập ngoại tệ và góp phần mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Vì vậy, trong năm qua, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ cho thanh niên và cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, Tỉnh Đoàn đã thường xuyên cập nhật và tuyên truyền các chủ trương, chính sách và thông tin các chương trình việc làm, XKLĐ trên các kênh thông tin của Đoàn Thanh niên như Website, fanpage, tài liệu sinh hoạt Đoàn - Hội, các chương trình tư vấn hướng nghiệp tại các đơn vị trường học được tổ chức thường xuyên. Qua đó, nhiều bạn ĐVTN, học sinh đã nắm bắt kịp thời các thông tin về thị trường lao động và các chính sách XKLĐ. Ngoài tuyên truyền tại các điểm trường, các đơn vị còn chủ động phối hợp với hội đoàn thể tuyên truyền lồng ghép vào các câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm… góp phần tạo hiệu ứng tích cực.

Trong năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp và việc làm với sự tham gia của hơn 4.000 ĐVTN. Qua ngày hội, nhiều ĐVTN đã được giới thiệu việc làm cụ thể và cũng có nhiều bạn có đủ điều kiện đăng ký tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, các huyện, thành đoàn trong tỉnh đã chủ động và thường xuyên phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giới thiệu việc làm thanh niên tổ chức hội nghị tư vấn việc làm, XKLĐ sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Song song với đó, Tỉnh Đoàn còn chỉ đạo các cơ sở đoàn kiện toàn và củng cố đội ngũ chuyên trách làm công tác XKLĐ cấp cơ sở; tham mưu cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến việc hỗ trợ thanh niên học nghề, giáo dục định hướng, vay vốn đi XKLĐ; liên kết với các doanh nghiệp tổ chức giáo dục định hướng và ngoại ngữ tại Trung tâm theo quy định; huy động vốn ngân sách nhà nước phục vụ cho người lao động vay vốn và bảo lãnh đặt cọc cho người lao động…
 
Theo ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ XKLĐ. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương, các doanh nghiệp XKLĐ triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, tư vấn tuyển dụng từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động các huyện, thành phố được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện, can thiệp, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi cố ý vi phạm quy định của Nhà nước về xuất khẩu lao động. 
 
Kết thúc năm 2018, tổng số lao động xuất cảnh trên địa bàn tỉnh là 650 người, đạt 108% kế hoạch năm. Trong đó, tập trung vào các thị trường Nhật Bản: 472 người (chiếm 72%), Hàn Quốc 25 người, Ðài Loan 46 người, Trung Ðông 62 người, hợp đồng lao động cá nhân 22 người, thị trường khác 23 người…
 
Cũng trong năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức được 6 lớp đào tạo nghề, ngoại ngữ cho 163 người lao động có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động do UBND tỉnh giao. 
 
Còn đó những khó khăn
 
Công tác giải quyết việc làm nói chung, XKLĐ nói riêng tuy đạt được kết quả tích cực, song số lao động của tỉnh đi XKLĐ còn ít, trong khi số lao động chưa có việc làm, việc làm không ổn định, kể cả lao động đã được đào tạo còn rất nhiều. Tại Hội nghị Tổng kết công tác XKLĐ năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 mới đây do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, có nhiều nguyên nhân được đưa ra, đó là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa coi công tác XKLĐ như một giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập. 
 
Thêm một nguyên nhân nữa đó là do người lao động có tâm lý ngại đi xa gia đình, hạn chế về trình độ học vấn, tay nghề và tác phong công nghiệp; đa số lao động ở vùng nông thôn nên khó khăn về tài chính, việc tiếp cận thông tin về thị trường lao động còn hạn chế. Việc chủ động học tiếng nước ngoài và học để nâng cao kỹ năng nghề chưa được quan tâm chuẩn bị, do đó gặp khó khăn khi đăng ký tham dự các kỳ thi lựa chọn lao động đi làm việc ở các nước có việc làm ổn định và thu nhập khá. Một số thị trường nước ngoài không đòi hỏi cao về chất lượng lao động, chi phí phù hợp với điều kiện của lao động tỉnh, nhưng mức lương thấp. Trong khi các thị trường có việc làm ổn định và thu nhập khá như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... nhưng đòi hỏi cao về chất lượng lao động và chi phí, số lượng tiếp nhận thấp nên người lao động của tỉnh tiếp cận còn ít. Ngoài ra, có một bộ phận lao động muốn có việc làm ngay để có tiền chứ không nghĩ đến việc đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, thay đổi cuộc sống, hoặc chỉ muốn hưởng thụ, không muốn lao động. Một số trường hợp khi nghe địa phương tích cực vận động thì đăng ký tham gia, nhưng nửa chừng ngại khó lại bỏ cuộc, thậm chí có trường hợp học tập được vài tháng lại bỏ về địa phương. Mặt khác, một số doanh nghiệp có đăng ký tuyển dụng nhưng lại ít phối hợp với địa phương tuyển dụng ở cơ sở. Đặc biệt, có một số trường hợp lao động đã hết hạn hợp đồng vẫn ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp trên nước bạn; một số thực tập sinh bỏ trốn khỏi nơi làm việc ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người lao động tỉnh Lâm Đồng…
 
Có thể nói, thông qua XKLĐ không chỉ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề, hòa nhập thị trường lao động. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lao động như: Đẩy mạnh việc phân luồng học sinh phổ thông gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giới thiệu việc làm và sử dụng lao động, tạo nguồn cho XKLĐ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp đến tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi xuất khẩu. Đối với bản thân người lao động muốn nâng cao cơ hội việc làm phải chủ động học hỏi, mở rộng kiến thức, phát huy sự sáng tạo, thay đổi tư duy khoa học, trau dồi ngoại ngữ và không ngừng nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Xây dựng tác phong lao động chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao và nâng cao đạo đức nghề nghiệp...
 
THY VŨ