Xây dựng xã hội học tập góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

11:03, 15/03/2019

Đó là khẳng định của ông Phan Văn Đa - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" trên địa bàn Lâm Đồng do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 14/3.
 

(LĐ online) - Đó là khẳng định của ông Phan Văn Đa - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn Lâm Đồng do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 14/3.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và gia đình tiêu biểu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và gia đình tiêu biểu.
Sau 3 năm triển khai Đề án, nhận thức của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của người dân đối với mô hình xây dựng xã hội học tập (XHHT) ngày càng được nâng cao. Việc xây dựng XHHT, học tập thường xuyên, học tập suốt đời được đưa vào Nghị quyết của các cấp Ủy, HĐND các cấp. Mọi người dân nhận thấy rõ đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời là nhu cầu tất yếu để nâng cao hiểu biết, nâng cao trình độ đáp ứng sự phát triển của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Vì vậy, nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng đã hưởng ứng tham gia xây dựng các mô hình học tập. 
 
Kết quả 3 năm xây dựng các mô hình XHHT, toàn tỉnh có gần 240 ngàn gia đình học tập, tỷ lệ 78%; 250 dòng họ học tập, tỷ lệ 43%; hơn 1.300 cộng đồng học tập, tỷ lệ 88%; 847 đơn vị học tập, tỷ lệ 86%. Có 6 sở, ngành cấp tỉnh đạt đơn vị học tập, 4 huyện làm tốt việc xây dựng XHHT. 
 
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án vẫn còn gặp những khó khăn như: nhận thức của một số cán bộ lãnh dạo và nhân dân về mô hình xây dựng XHHT còn hạn chế; một số nơi sự phối hợp giữa Hội Khuyến học các cấp với ngành Giáo dục chưa sâu; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến học các cấp thiếu, khối lượng công việc nhiều và phụ cấp ít nên không động viên và khuyến khích cán bộ khuyến học hoàn thành tốt nhiệm vụ; khó khăn về kinh phí, khó khăn về Quy trình đánh giá… 
 
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa ghi nhận, đánh giá cao kết quả của các huyện, thành phố đạt được sau 3 năm thực hiện Quyết định 281. Đồng thời nhấn mạnh, để quyết định thắng lợi trong việc thực hiện Quyết định 281, 2 năm còn lại 2019, 2020 nhiệm vụ trọng tâm gồm: cần thúc đẩy mạnh mẽ triển khai thực hiện trên địa bàn hành chính cấp xã; xây dựng các mô hình học tập mới; triển khai thực hiện chương trình giáo dục của người lớn theo văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT và Hội Khuyến học Việt Nam, xem việc học tập thường xuyên của người lớn là nhiệm vụ cấp bách để thực hiện cuộc cách mạng 4.0 mà UBND tỉnh đang triển khai kế hoạch thực hiện; đưa phong trào xây dựng các mô hình XHHT lồng ghép với các phong trào khác do Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT…
 
Dịp này, 73 tập thể và gia đình trong toàn tỉnh có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, MTTQ tỉnh và Hội khuyến học tỉnh. 
 
Tuấn Hương