Từ năm học 2013 - 2014 đến nay, Sở Giáo dục và Ðào tạo Lâm Ðồng đã chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực giáo dục nhằm góp phần nâng cao chất lượng GDÐT để đáp ứng thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Từ năm học 2013 - 2014 đến nay, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GDÐT) Lâm Ðồng đã chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế thuộc lĩnh vực giáo dục nhằm góp phần nâng cao chất lượng GDÐT để đáp ứng thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
|
Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, Lâm Đồng đã có 3 lần tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF. Ảnh: V.H |
Theo ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng, giai đoạn 2013 - 2018, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Sở GDĐT đã tăng cường chỉ đạo công tác hội nhập quốc tế đến các cơ sở giáo dục, các trường phổ thông, các trường cao đẳng, trung cấp và các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bố trí cán bộ phụ trách công tác hội nhập quốc tế tại Sở cũng như đưa tiêu chí hội nhập quốc tế vào xếp loại thi đua của các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng GDĐT cho từng năm học.
“Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đã tiếp cận được các phương pháp dạy học và quản lý giáo dục tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên và năng lực quản lý của các cấp quản lý giáo dục. Nổi bật là trình độ tin học, ngoại ngữ của học sinh và giáo viên được nâng cao, chất lượng giáo dục ngày càng bền vững; phụ huynh học sinh ý thức được tầm quan trọng của việc học tin học, ngoại ngữ trong giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước nên đã chú trọng đầu tư cho con em”, ông Long cho hay.
Giai đoạn 2013 - 2018, công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tại Lâm Đồng được triển khai với nhiều chương trình. Đối với giáo dục phổ thông, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “Trường học mới” (thuộc Dự án GPE-VNEN) cho bậc tiểu học và trung học cơ sở; Triển khai mở rộng chương trình học tiếng Anh ở bậc tiểu học tại các trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5; ứng dụng Chương trình dạy tiếng Pháp tăng cường cho học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Trường THCS&THPT Tây Sơn và Trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt) theo "Chương trình giảng dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp” do Bộ GDĐT ký kết với Tổ chức Đại học Pháp ngữ - AUF. Bên cạnh đó ngành đã Phối hợp với Tổ chức Thương mại Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tiến hành các hoạt động giáo dục tại Trung tâm hỗ trợ, phát triển công tác giáo dục hòa nhập Hàn Quốc cho học sinh khuyết tật. Thực hiện Dự án “Tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin cho giới trẻ hội nhập và phát triển - YouthSpark Digital Inclusion” cho 20 trường THCS do Bộ GDĐT và Microsoft tổ chức, Sở GDĐT Lâm Đồng đã triển khai nhân rộng cho 159 trường THCS và 255 trường tiểu học; Phối hợp với Tổ chức Room to Read mở những Thư viện thân thiện cho các trường tiểu học; Tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi quốc tế và giao lưu với học sinh các nước ASEAN…
Đối với giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên, Sở GDĐT phối hợp với các trường đại học, các công ty chuyên về ngoại ngữ tổ chức bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ, các hội nghị, hội thảo để bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm cho giáo viên. Bên cạnh đó, cử giáo viên tham gia bồi dưỡng tiếng Anh và giảng dạy các môn học tự nhiên bằng tiếng Anh do Trung tâm SEAMEO RETRAC của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á đào tạo. Đồng thời, phối hợp với Đại học RMIT tập huấn cho giáo viên về công tác hướng nghiệp và ứng dụng CNTT trong dạy học cho đội ngũ giáo viên trường THPT trên toàn tỉnh.
Đặc biệt, chương trình hợp tác phát triển GDĐT với tỉnh Chăm Pa Sắk - Lào theo Chương trình hợp tác toàn diện của tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Chăm Pa Sắk, Sở GDĐT làm đầu mối phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt tiếp nhận sinh viên Lào sang học ngành Môi trường tại Đại học Đà Lạt. Hiện có 3 giáo viên của Lâm Đồng đang dạy tiếng Việt tại Trường Năng khiếu Hữu nghị Chăm Pa Sắk - Lào.
“Tuy nhiên, hoạt động hợp tác quốc tế trong ngành Giáo dục nhìn chung còn chưa ngang tầm với nhiệm vụ. Nguyên nhân do đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và giảng viên các nhà trường chủ yếu tập trung vào công tác giảng dạy truyền thống, chưa chú trọng nhiều vào công tác hội nhập quốc tế. Phần khác, trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã từng bước có cải thiện, tuy nhiên năng lực giảng dạy các môn văn hóa bằng tiếng Anh của giáo viên còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ việc học tin học, ngoại ngữ còn thiếu. Đầu tư nguồn lực cho hội nhập quốc tế chưa tương xứng. Công tác xã hội hóa giáo dục trong hội nhập quốc tế còn hạn chế, chưa có nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế tại Lâm Đồng.
Vì vậy, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong toàn ngành; triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế của ngành Giáo dục; triển khai chương trình nghiên cứu về khoa học giáo dục; thực hiện tốt chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục...”, ông Long cho biết thêm.
VIỆT HÙNG