Huyện Ðức Trọng là địa phương hiện có 4 tôn giáo được Nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài với trên 86 ngàn tín đồ, chiếm 48,7% dân số. Những năm qua, lãnh đạo huyện Ðức Trọng đặc biệt quan tâm tới việc kết nạp đảng viên là người có đạo và đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo.
Huyện Ðức Trọng là địa phương hiện có 4 tôn giáo được Nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cao đài với trên 86 ngàn tín đồ, chiếm 48,7% dân số. Những năm qua, lãnh đạo huyện Ðức Trọng đặc biệt quan tâm tới việc kết nạp đảng viên là người có đạo và đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo. Ðiều này đã tăng sức mạnh tổng hợp cho tổ chức đảng cũng như tạo nên sự đồng thuận, ổn định trong Nhân dân.
|
Việc phát triển đội ngũ đảng viên là người có đạo, người tham gia sinh hoạt tôn giáo đã góp phần đưa những kế hoạch của địa phương đến gần với người dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: N.N |
Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp
Sau khi có Quy định số 123 ngày 28/9/2004 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy về kết nạp đảng đối với người có đạo và đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo, Huyện ủy Đức Trọng đã kịp thời ban hành công văn hướng dẫn chi tiết để các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng trong Đảng bộ huyện tiến hành nghiên cứu, học tập, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nội dung này. Đó cũng là cơ sở định hướng cho công tác kết nạp đảng đối với người có đạo và sinh hoạt tôn giáo. Đồng thời xóa bỏ những định kiến đối với người có đạo khi xem xét kết nạp vào Đảng và đặc biệt giải tỏa tâm lý của một số quần chúng khi còn băn khoăn cho rằng đứng vào hàng ngũ của Đảng sẽ hạn chế hoạt động của tín đồ theo giáo luật.
Để thực hiện quyết định này, Huyện ủy Đức Trọng đã xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và giao chỉ tiêu kết nạp cho các TCCS đảng. Riêng trong vấn đề phát triển đảng viên là người có đạo, người sinh hoạt tôn giáo, Huyện ủy Đức Trọng xác định đó là yếu tố quan trọng góp phần tăng cường sự lãnh đạo của đảng, tạo nguồn cán bộ tại chỗ và xóa được những thôn chưa có tổ chức đảng. Để phát triển lực lượng này, vấn đề căn bản là những giải pháp tạo môi trường và động lực để quần chúng có đạo phấn đấu trở thành đảng viên.
Ông Đỗ Minh Thế - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Trọng cho rằng: “Để thực hiện tốt việc kết nạp đảng viên là người có đạo, người tham gia sinh hoạt tôn giáo, công tác tư tưởng luôn phải tiến hành trước với nhiều phương pháp linh hoạt và sáng tạo. Chính quyền luôn giữ mối quan hệ tốt với các chức sắc tôn giáo - cầu nối gắn kết quần chúng có đạo với Đảng, chính quyền. Bên cạnh đó, hàng năm, Huyện ủy đều xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra chỉ tiêu phát triển đảng cụ thể cho từng loại hình, từng TCCS đảng. Trên cơ sở đó, cấp ủy các TCCS đảng phân bổ chỉ tiêu phát triển đảng viên cho các chi bộ trực thuộc. Các chi bộ chủ động tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển đảng thông qua các phong trào thi đua lao động, các hoạt động tại cơ sở. Đặc biệt, việc các TCCS đảng thường xuyên quan tâm và coi trọng việc xây dựng lực lượng cốt cán trong các tôn giáo, nhất là ở những vùng có đạo, vùng có các tôn giáo và Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể chú trọng bồi dưỡng, lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú cũng góp phần tạo nguồn dồi dào để giới thiệu tham gia lớp nhận thức về Đảng hàng năm do Huyện ủy tổ chức. Nhờ các giải pháp được thực hiện đồng bộ vậy nên lượng đảng viên có đạo tăng lên khá nhanh”.
Cân bằng cơ cấu đội ngũ đảng viên
Theo số liệu thống kê từ Ban tổ chức Huyện ủy Đức Trọng: Nếu như năm 2003 trở về trước, Đảng bộ huyện có khoảng 60 đảng viên có đạo, người tham gia sinh hoạt tôn giáo thì từ 2004 đến nay, con số này đã tăng lên 243 đồng chí, tăng 141,2% so với thời điểm trước khi có Quy định 123. Trong đó, Công giáo 114 đồng chí (chiếm 46,9%), Tin lành 64 đồng chí (chiếm 26,3%), Phật giáo 50 đồng chí (chiếm 20,5%)… Trong số đó có 30 đồng chí là nữ (chiếm 32,25%). Một số đảng bộ kết nạp được nhiều đảng viên tham gia sinh hoạt tôn giáo như: Đa Quyn, Tà Hine, Phú Hội, Bình Thạnh, Hiệp An.
Bà Nguyễn Thị Xuân Uyên - Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh, nói: “Xã Bình Thạnh có 8.000 hộ dân, trong đó 98% hộ dân theo đạo. Đảng ủy xã hiện có 103 đảng viên. Đa phần đảng viên là người có Đạo Thiên chúa. Hện nay, đa phần cán bộ chủ chốt trong bộ máy của xã là đảng viên có đạo. Điều này rất thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương trong tất cả các vấn đề cần sự góp sức của bà con Nhân dân. Để phát triển đảng viên là người có đạo, ngay từ đầu mỗi năm, Đảng ủy xã đều xây dựng nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, từ đó quán triệt và giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên về cho các chi bộ. Các chi bộ chủ động tuyên truyền vận động và tạo nguồn phát triển đảng viên. Đảng ủy xã luôn xác định, mặc dù được giao chỉ tiêu song đảng viên được kết nạp phải thật sự chất lượng. Các quần chúng ưu tú phải thực sự muốn vào Đảng và cống hiến thì mới hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; tuyệt đối không để đảm bảo số lượng được giao mà “chiếu cố” về tiêu chuẩn khi kết nạp”.
Nhận xét về chất lượng công tác kết nạp đảng viên là người có đạo, người tham gia sinh hoạt tôn giáo, Phó bí thư Thường trực huyện ủy Đức Trọng nhấn mạnh: “Trong những năm qua, công tác kết nạp đảng viên trong các tôn giáo đạt kết quả tốt. Các đảng viên được kết nạp có đạo đức, ý thức, kỷ luật luôn cố gắng vươn lên hoàn thành trách nhiệm và nhiệm vụ của mình. Hiệu quả từ việc phát triển đảng viên là người có đạo, người tham gia sinh hoạt tôn giáo đã góp phần cân bằng cơ cấu đội ngũ đảng viên. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tại các vùng đạo, vùng tôn giáo. Tăng sự đồng thuận trong dân cư, củng cố vững chắc thêm niềm tin của bà con với đảng và sự lãnh đạo của chính quyền địa phương. Các cấp ủy cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà Nước, sống “tốt đời đẹp đạo”. Điều này đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng ưu tú có đạo, từng bước xóa đi những mặc cảm tự ti và nhận thức chưa đúng đối với quần chúng có đạo về việc đứng vào hàng ngũ của Đảng”
Tuy nhiên, Huyện ủy Đức Trọng vẫn thẳng thắn chỉ ra việc hiện nay công tác tuyên truyền giáo dục, giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người có đạo, người sinh hoạt tôn giáo còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một số cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng còn hạn chế, chưa thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các dân tộc, tôn giáo. Một bộ phận chưa đóng góp tích cực vào các hoạt động của địa phương. Nhiều TCCS đảng còn thụ động, chờ nguồn tự phát. Chất lượng đảng viên mới có nơi còn hạn chế…Đồng thời đó cũng là những nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho các TCCS Đảng trên địa bàn cần thực hiện để tiếp tục phát triển lớn mạnh các tổ chức đảng.
Đảng viên là nhân tố quyết định cho việc lớn mạnh của tổ chức đảng cũng như địa phương. Riêng ở khu vực đông bà con có đạo, việc phát triển đảng viên lại càng trở nên quan trọng. Điều này đòi hỏi các cấp ủy đảng phải có chương trình, giải pháp phù hợp để tạo nguồn và phát triển đảng viên, tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo ổn định các xứ đạo.
N. NGÀ