Ðổi thay dưới chân núi R'Chai

09:04, 04/04/2019

Núi R'Chai, một điểm cao nằm ven con đường trải nhựa bê tông (Tỉnh lộ 724). Một vùng đất khô cằn, sỏi đá, đây là điểm đóng chốt của quân đội ngụy Sài Gòn. Trên điểm cao này, chúng có thể quan sát những con đường tiến quân của các đội vũ trang tuyên truyền và bộ đội vào tiếp cận với Nhân dân ở vùng Tùng Nghĩa - Phú Hội (huyện Ðức Trọng).

Núi R’Chai, một điểm cao nằm ven con đường trải nhựa bê tông (Tỉnh lộ 724). Một vùng đất khô cằn, sỏi đá, đây là điểm đóng chốt của quân đội ngụy Sài Gòn. Trên điểm cao này, chúng có thể quan sát những con đường tiến quân của các đội vũ trang tuyên truyền và bộ đội vào tiếp cận với Nhân dân ở vùng Tùng Nghĩa - Phú Hội (huyện Ðức Trọng). Tại điểm chốt, địch trang bị nhiều vũ khí bộ binh ngoài ra còn có một khẩu pháo 81 ly để bắn ngăn chặn quân ta từ xa. Ðã có lần chúng tôi đi công tác qua vùng R’Chai bị địch phục kích gây nhiều thương vong. Dưới chân núi ngày ấy là một vùng rừng thưa, chỉ có cây dầu Trà Ben mọc rải rác quanh các gò đồi.
 
Trang trại hoa lan Vũ nữ của anh Võ Văn Quốc (bìa trái)
Trang trại hoa lan Vũ nữ của anh Võ Văn Quốc (bìa trái)
 
Anh cán bộ trẻ Trần Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội, đã hướng dẫn tôi trở lại vùng đất xưa, nơi đã từng in dấu chân của đoàn quân giải phóng, giờ đây đã thay đổi nhiều. Những vườn dâu xanh mượt, vườn cà phê vừa mới phục hồi, cho trái trĩu quả. Từ năm 1976 và những năm tiếp theo, xã Tân Hội đã đón bà con đi xây dựng kinh tế mới từ xã Phú Hội, thị trấn Tùng Nghĩa, thành phố Đà Lạt và các xã vùng phụ cận vào đây khai hoang, lập ấp dưới chân núi R’Chai.
 
Xã Tân Hội ngày nay có dân số là 10.700/2.400 hộ, sống rải rác trong 8 thôn. Diện tích tự nhiên 2.300 ha, trong đó đất canh tác nông nghiệp có 1.800 ha. Cây trồng chủ lực là cà phê và dâu tằm, ngoài ra còn có cây tiêu, rau màu như cà chua, ớt xanh, ớt xào, xà lách… Nguồn thu nhập chính của người dân trong xã 85% dựa vào nông nghiệp. Gần đây, cà phê rớt giá bà con đã phá bỏ một số diện tích già cỗi, sâu bệnh và tái trồng giống cà phê mới Xanh Lùn. Lấy ngắn nuôi dài, bà con đã phát triển sang trồng cây dâu theo phương châm “Nhà nhà trồng dâu, người người nuôi tằm”. Nhà ít nhất nuôi nửa hộp giống tằm, nhà nhiều trên 2 hộp. Thu nhập hàng năm từ 45 đến 48 triệu đồng/người, đây là mức thu nhập cao, phần lớn đã có nhà xây kiên cố, có ít hộ đã sắm ô tô con. 
 
Cảnh nắng bụi, mưa lầy ở Tân Hội giờ đây không còn. Những con đường xương cá trải bê tông cứng, xuyên qua các thôn xóm, vườn cà phê, vườn dâu, vườn tiêu chiếm 70%, bảo đảm ô tô đi lại quanh năm, phần còn lại là đường cấp phối. Ngân sách làm đường do Nhân dân tự đóng góp và Nhà nước hỗ trợ một phần. Nhờ có đường bê tông trải dài khắp thôn xóm nên nhiều gia đình đã sắm được xe máy, máy kéo, máy cày... để vận chuyển hàng hóa và phục vụ sản xuất.
 
Một ngôi nhà sạch đẹp vừa mới xây nằm ven đường nhựa ở thôn Ba Cản, đó là gia đình của anh Lê Khắc Thạnh. Nhà anh chuyên trồng dâu nuôi tằm giống để cung cấp cho bà con trong xã và các vùng lân cận. Với giọng từ tốn anh nói với tôi: “Mỗi năm gia đình em thu nhập từ bán giống tằm, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 5 sào cà phê năm được, năm mất cũng thu lãi trên 50 triệu đồng”. Tìm hiểu thêm tôi được biết con số thu nhập ở gia đình này gấp 3 lần như anh nói. Mỗi năm anh bán ra 1.000 hộp giống tằm, giá một hộp 1 triệu đồng, vị chi tổng thu là 1 tỉ đồng, trừ chi phí 50%, gia đình anh ít nhất vẫn còn trên dưới 500 triệu đồng. 
 
Theo con đường cấp phối, anh Sơn đưa tôi đến sát chân núi R’Chai để vào trang trại của anh Võ Văn Quốc, với diện tích vỏn vẹn chỉ 1 ha, trong đó 6 sào anh trồng Phúc bồn tử, 3,5 sào trồng hoa lan Vũ nữ, còn lại là nhà ở và nơi chế biến cà phê sạch. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch trên 1 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng. 
 
Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông - Lâm - Súc Bảo Lộc, anh Quốc vào Tân Hội sinh sống. Khó khăn buổi ban đầu không sao tránh khỏi, là một nông dân có tri thức, vốn bản tính chịu thương chịu khó, anh phải chuyển đổi cây trồng xoay sang trồng mía đường, chăn nuôi heo, làm trại nấm, làm nhà kính trồng ớt, cà chua và giờ đây là trồng Phúc bồn tử, lan Vũ nữ. Anh cho biết: “Nhờ có số vốn kha khá, tôi đánh bạo bỏ ra 4 tỉ đồng để đầu tư làm trang trại này. Mới đầu trồng cây Phúc bồn tử (tên thông dụng là cây Mâm xôi đỏ), đầu tư vốn không nhiều, đầu ra ổn định. Từ đó, tôi mới phát triển thêm lan Vũ nữ (tên khoa học Onsidium). Loài hoa này đòi hỏi đầu tư nhà lồng và giàn đế trên cao không để chậu dưới đất. Giàn tưới phun và bón phân rất hiện đại, chi phí rất tốn kém. Việc phòng trừ sên nhớt hại mầm lan vô cùng vất vả. Hàng đêm tôi phải đốt đèn bắt sên từng chậu lan, nhưng vẫn không khắc phục được. Tôi đã xuống TP HCM tìm gặp những người thầy cũ để hỏi cho rõ căn nguyên diệt loại sâu này”.
 
Quả thật, khi tham quan vườn hoa lan, tôi mới thấy anh đầu tư giàn nhà lồng kiên cố, trong nhà lồng có nhiệt kế theo dõi thời tiết và không khí sao cho thích hợp với sự sinh trưởng của cây. Thử hỏi nếu không yêu nghề, dám nghĩ, dám làm một cách quyết đoán ai dám bỏ ra 4 tỉ đồng để đầu tư trang trại. Anh mời tôi và anh Sơn thưởng thức nước si rô được chế biến từ trái Mâm xôi đỏ gia đình anh sản xuất (đã trở thành thương phẩm). Anh tâm sự: “Mọi việc gia đình tôi làm mới là bước đầu nhưng tôi suy nghĩ mình phải cho ra thị trường những sản phẩm “hot” nhất và phải đạt tiêu chí 3 Đ (độc - đỉnh - đạt). Độc là ít người làm - thị trường hiếm, Đỉnh là chất lượng sản phẩm phải thật cao - uy tín, Đạt là hiệu quả kinh tế thiết thực... Kể ra cũng có phần hơi liều, nếu số tiền ấy mà tôi đi làm cò đất, thì giàu lắm. Nhưng thiết nghĩ, mình sống được nhờ xã hội, vậy mình phải làm ra của cải để trả lại cho con người. Không làm ra sản phẩm cho đời sao gọi là yêu nước; dân giàu, nước mạnh, Tổ quốc mới trường tồn”.
 
Anh Quốc còn cho biết thêm: Vừa qua trang trại đã xuất đi 3.000 cành hoa lan chào hàng nội địa. Trong tương lai sẽ xuất bán ra nước ngoài. Việc thu mua chế biến cà phê bột cũng được tuyển chọn, nhất là khâu nguyên liệu. Hạt cà phê mua vào là loại cội (trên sàn). Khâu chế biến theo công thức riêng không pha nguyên liệu khác. Bước đầu tiêu thụ mỗi tháng 3,5 tạ. Cơ sở phấn đấu trong 2 năm tới sẽ xuất thành phẩm mỗi tháng 1 tấn cà phê sạch, chất lượng cao mang tên Ngọc Bảo.
 
Nắng đã lên cao, chúng tôi quay về trụ sở UBND xã Tân Hội. Tiếp tôi là ông Hoàng Mạnh Dũng - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng bộ xã Tân Hội. Khi biết tôi là quân giải phóng đã từng ở vùng đất này ông rất vui mừng cho tôi biết thêm nhiều chuyện về vùng đất dưới chân núi R’Chai. Ngược dòng thời gian, trước khi có phong trào nông thôn mới, xã đã đột phá đưa điện về cho toàn dân trong xã. Có điện về bà con rất phấn khởi. Từ đó, các phong trào xã hội hóa trong cộng đồng dân cư nở rộ. Việc làm đường bê tông nông thôn Nhà nước hỗ trợ 50% vốn, phần còn lại mỗi hộ dân đóng tiền tính theo tỉ lệ diện tích canh tác. Năm 2002, Tân Hội được huyện chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của toàn huyện. Qua 2009, xã được Trung ương chọn là 1 trong 11 xã điểm trên toàn quốc làm thí điểm xây dựng phong trào nông thôn mới. Đến năm 2010, xã đạt chuẩn văn hóa đầu tiên của tỉnh, năm 2014 UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới. Tình hình an ninh trật tự thôn xóm cũng chuyển biến tích cực. Các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, xã không còn tệ nạn trộm cắp. Ông nhận xét: “Làm được như trên trước tiên phải nói đến sự đoàn kết, nhất trí cao trong hệ thống chính trị. Từ Đảng bộ đến chính quyền, các đoàn thể, phòng ban trong xã xuống đến các hộ dân , cán bộ phải thật sự trải lòng để phục vụ Nhân dân. Vì thế nên 15 năm liền Đảng bộ xã Tân Hội đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, xã cũng còn 2 hộ đói, 6 hộ nghèo do hoàn cảnh neo đơn, mất sức lao động. Bên cạnh đó, là nỗi lo của xã về nguồn nước để phục vụ Nhân dân sinh hoạt và sản xuất về mùa khô thường hay thiếu hụt. Chuỗi liên kết trong sản xuất chưa được chặt chẽ, nông phẩm làm ra đôi khi được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
 
Vùng đất dưới chân núi R’Chai ngày nào, đang ngày càng thay đổi, phát triển. Nơi ấy ngày xưa bao lớp người đã đổ xương máu, ngày nay bà con nông dân đã đổ những giọt mồ hôi để tạo nên một vùng quê bạt ngàn cà phê, dâu tằm. Đời sống của họ đã đi lên từ vùng đất đỏ ba zan. Nhờ vậy mà niềm tin của bà con nơi đây đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền xã ngày càng được củng cố và phát triển. 
 
Ghi chép: VÕ TRẦN PHÚ