Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện Ðam Rông cho biết: Ðam Rông có trên 73% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên, qua nhiều năm thực hiện phong trào HMTN và tiếp nhận máu tại huyện, phần lớn người tham gia hiến máu là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện, rất ít người hiến máu là bà con đồng bào DTTS địa phương.
Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện Ðam Rông cho biết: Ðam Rông có trên 73% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên, qua nhiều năm thực hiện phong trào HMTN và tiếp nhận máu tại huyện, phần lớn người tham gia hiến máu là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện, rất ít người hiến máu là bà con đồng bào DTTS địa phương.
|
Cô giáo Rơ Ông K’Huyền đã 3 lần tham gia HMTN. Ảnh: A.Nhiên |
Vì vậy, theo ông Ha Hai, để hoạt động HMTN huyện phát triển mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong đó có bệnh nhân của huyện, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nhất là trong thanh niên đồng bào DTTS, đây là đối tượng quan trọng nhất, loại bỏ những nhận thức chưa đúng về HMTN và giúp mọi người hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình, từ đó tích cực tham gia HMTN, đặc biệt là trong các đợt HMTN hàng năm của huyện. Do địa bàn huyện chia cắt, xa trung tâm, đi lại khó khăn nên việc tổ chức các đợt HMTN cần linh hoạt hơn, đưa đến các cụm xã để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên và thanh niên đỡ phải di chuyển xa, chờ đợi lâu và phong trào phát triển đồng đều, sâu rộng hơn ở các khu dân cư, thôn, buôn. Tiếp tục làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân tham gia tích cực phong trào HMTN.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Đam Rông cho biết: Phong trào HMTN ở huyện nếu tính từ năm 2015 về trước thì 10 năm liền không đạt chỉ tiêu HMTN. Hội CTĐ huyện đã xác định là phải đi từ con số 0 ban đầu, rất khó khăn, suy nghĩ giải pháp làm thế nào để khơi dậy phong trào HMTN tại địa phương. Đầu tiên, Hội lựa chọn đối tượng sẽ vận động HMTN trước, gặp gỡ các ban giám hiệu nhà trường, các thủ trưởng cơ quan, đơn vị để vận động thuyết phục lãnh đạo đơn vị quan tâm động viên anh em tham gia phong trào HMTN. Năm 2015 là năm đầu tiên phong trào HMTN của huyện vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao 36% và từ dấu mốc này phong trào HMTN của huyện đã không ngừng đi lên. Năm 2015, huyện Đam Rông vận động HMTN đạt 408/300 đơn vị máu; năm 2018 vận động đạt 471/400 đơn vị máu; riêng trong Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4/2019, huyện Đam Rông đã vận động HMTN tiếp nhận 267 đơn vị máu, đạt 148,3% kế hoạch đề ra.
Trong quá trình tổ chức vận động HMTN, Hội chia cụm, đưa về các địa bàn khu dân cư để người HMTN không phải đi lại xa, đặc biệt là cán bộ, công nhân, viên chức, giáo viên có thể hiến máu được mà không mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, Hội bắt đầu vận động, tuyên truyền tác động đến đối tượng thanh niên đồng bào DTTS là đối tượng rất ít khi tham gia hiến máu và e ngại khi tham gia HMTN. Nhờ đó, kể từ 2015 đến nay, phong trào HMTN của huyện đã được vực dậy, năm nào Đam Rông cũng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong tháng 4/2019, huyện Đam Rông tổ chức Ngày toàn dân HMTN, đây là đơn vị đầu tiên của tỉnh ra quân nên công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội facebook, zalo, phát tờ rơi, vận động tất cả các cha xứ ở các nhà thờ tuyên truyền giáo dân tham gia HMTN. Do đặc thù vùng DTTS, để có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân về HMTN, giải pháp chủ yếu của Hội CTĐ huyện là mỗi thôn có một vài thanh niên làm hạt nhân của phong trào HMTN, được Hội vận động tham gia hiến máu và trở thành nhân tố tuyên truyền, vận động bà con đồng bào trong thôn tham gia. Hiện nay, phong trào đang tập trung vào xây dựng đối tượng đoàn viên, thanh niên hạt nhân HMTN của thôn buôn, sau đó sẽ nhân rộng ra trong cộng đồng. Năm 2019, là năm đầu tiên Hội CTĐ huyện tập trung vào hoạt động xây dựng CLB thanh niên đồng bào DTTS tham gia HMTN.
“Một số cán bộ, đảng viên người đồng bào DTTS đã tích cực tham gia HMTN và năm nay, Hội cũng đã vinh danh biểu dương các điển hình tiêu biểu trong phong trào HMTN. Đối với người Kinh, tham gia HMTN trên 10 lần được tôn vinh, khen thưởng, nhưng đối với đồng bào DTTS thì hiến máu 5 - 6 lần Hội đã tôn vinh, khen thưởng là có sự ưu tiên nhất định để đẩy mạnh phong trào HMTN trong vùng đồng bào DTTS” - chị Thu Hương nhấn mạnh.
Cô giáo Rơ Ông K’Huyền, sinh năm 1991, giáo viên Trường Tiểu học Liêng Srol cho biết: “Đây là lần thứ ba tôi tham gia HMTN. Việc này giúp ích cho người bệnh nên tôi cảm thấy vui vẻ. Từ hồi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tôi đã HMTN, về địa phương công tác tôi tiếp tục tham gia vào hoạt động ý nghĩa này. Do bà con đồng bào DTTS còn chưa hiểu hết ý nghĩa của HMTN, cho nên cần phải tuyên truyền rộng rãi hơn cho đoàn viên, thanh niên trong thôn, xã hiểu biết nhiều hơn và tổ chức các hoạt động HMTN ngay tại chỗ để mọi người được biết thông tin rộng rãi về HMTN và tham gia hiến máu dễ dàng hơn”.
Cô giáo K’Blin Cil, sinh năm 1984, giáo viên dạy Vật lý, Trường cấp 3 Đạ Tông, cô đã dạy 11 năm và lần đầu tiên tham gia HMTN, chia sẻ: “Trước đây, do sức khỏe không được đảm bảo, bởi vậy mình chưa HMTN, gần đây sức khỏe mình đã được hồi phục nên mình tham gia HMTN. Trong gia đình mình, ông xã đã 10 lần HMTN và đã được tôn vinh điển hình HMTN. Mình thấy ông xã hiến máu về sức khỏe tốt, nên mình yên tâm tham gia. Lần đầu đi HMTN, mình có cảm giác hơi sợ, nhưng không khí có nhiều người cùng hưởng ứng đúng là ngày hội. Về trường, mình sẽ vận động, tuyên truyền cho học sinh và người dân địa phương nên tham gia HMTN vì nó không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm cho mình vui vì giúp đỡ được nhiều người”.
Một thanh niên đang điền vào tờ đăng ký HMTN tên là Cil Ha Lý, sinh năm 1999, làm nông, ở Thôn 4, xã Đạ Long, cho biết: “Em đăng ký hiến máu là để giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình đang cần máu để chữa bệnh. Hiện nay, em đang tham gia sinh hoạt đoàn ở thôn. Lúc này, em đang chờ hiến máu, cũng có chút hồi hộp, lo lắng nhưng mà cảm thấy vui vì được hiến máu để cứu người”.
AN NHIÊN