Công giáo là một trong bốn tôn giáo (gồm Phật giáo, Cao đài, Tin lành và Công giáo) đang hoạt động trên địa bàn huyện Ðơn Dương; bà con theo đạo Công giáo luôn sống đoàn kết, chan hòa với toàn thể bà con nhân dân trên địa bàn huyện...
Công giáo là một trong bốn tôn giáo (gồm Phật giáo, Cao đài, Tin lành và Công giáo) đang hoạt động trên địa bàn huyện Ðơn Dương; bà con theo đạo Công giáo luôn sống đoàn kết, chan hòa với toàn thể bà con nhân dân trên địa bàn huyện. Ðồng bào Công giáo đang cùng với các tôn giáo bạn tích cực đóng góp xây dựng huyện Ðơn Dương trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần với chính quyền các cấp xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho toàn thể Nhân dân trong huyện.
|
Bà con giáo dân Đơn Dương đoàn kết vui đón Noel. Ảnh: N.Thu |
Được biết, bà con giáo dân quy tụ và sinh hoạt tại 12 giáo xứ, trải rộng khắp địa bàn huyện Đơn Dương. Bà con xây dựng nếp đạo truyền thống và tất cả sinh hoạt tôn giáo của các giáo xứ trong huyện đều theo đường hướng chung, tạo nề nếp ổn định. Với tinh thần “Đồng hành cùng dân tộc” và với phương châm sống đã được khẳng định trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo huyện Đơn Dương luôn đóng góp tích cực vào phong trào thi đua yêu nước tại địa phương trên mọi lĩnh vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, đa số đồng bào Công giáo trong huyện là những nông dân trồng các loại rau thương phẩm. Sau giai đoạn đầu tìm kiếm việc chuyển đổi mô hình trồng rau sạch trong các nhà lưới, hiện nay đa số các vườn rau của đồng bào Công giáo trong huyện đã mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao trong nhà kính và đã thành lập được một số công ty trồng rau thủy canh, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và đang từng bước tiếp cận thị trường lớn để xuất khẩu qua các thị trường nước ngoài. Nhờ đó, đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện, nâng cao đời sống kinh tế của người dân, tạo thêm công ăn việc làm cho một số hộ di dân từ các địa phương khác. Có thể nói, hiện nay đồng bào Công giáo huyện đã có một đời sống kinh tế ổn định, tăng nhanh số hộ khá, hộ giàu và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Trong lĩnh vực xã hội, theo đánh giá của Ban Đoàn kết Công giáo huyện, trong 5 năm vừa qua, đồng bào Công giáo huyện luôn có ý thức, trách nhiệm và tích cực đóng góp vào việc phát triển xã hội. Tất cả 12 giáo xứ đều đang nỗ lực xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, đây là điểm nổi bật trong đời sống của các giáo xứ.
Trong năm 2018 vừa qua, có 3 giáo xứ đã được chọn là những mô hình dân cư kiểu mẫu, đó là các Giáo xứ Lạc Lâm, Lạc Viên, Ka Đơn… Nhiều giáo xứ đã tích cực đóng góp vào việc xây dựng các công trình dân sinh công cộng như xây dựng các cây cầu, bê tông hóa các đường làng, ngõ xóm, nạo vét kênh mương nội đồng… Nhờ đó, bộ mặt khu dân cư và môi trường sống của người dân đã đổi mới và khang trang hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại địa phương, giúp cho việc đi lại của người dân cũng như việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn.
Về sự nghiệp giáo dục, Linh mục Đinh Viết Liêm - Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Đơn Dương cho biết, đây là mối ưu tư và quan tâm hàng đầu của tất cả các giáo xứ và các dòng tu trong huyện. Ngoài việc giáo dục đạo đức trong giờ giáo lý và tại những sinh hoạt thường xuyên ở giáo xứ, linh mục quản xứ luôn động viên các gia đình công giáo đưa con em đến trường, tạo điều kiện tốt nhất cho con cái trong việc học hành, nâng cao trình độ tri thức toàn diện. Các giáo xứ và các dòng tu đã tích cực đóng góp vào sự nghiệp giáo dục tại địa phương qua nhiều hoạt động đa dạng như thành lập các nhóm trẻ, trường mầm non. Hiện nay, đã có 1 trường mẫu giáo do các nữ tu xây dựng và điều hành đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, các ciáo xứ trong huyện đã thường xuyên trợ cấp học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học, giúp các cháu có điều kiện vươn lên trong học tập.
Trong lĩnh vực từ thiện, nhân đạo; đồng bào Công giáo huyện Đơn Dương luôn tích cực hưởng ứng, đóng góp vào các hoạt động từ thiện nhân đạo do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phát động như: “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ trợ cấp các nạn nhân nhiễm chất độc da cam”... Những hoạt động từ thiện nhân đạo của bà con giáo dân, của các vị chức sắc linh mục, của các dòng tu trong huyện đều khá phong phú và đa dạng. Hàng năm, số tiền đóng góp của bà con Công giáo huyện vào những hoạt động từ thiện nhân đạo tại địa phương lên đến hàng tỷ đồng.
Là những người dân của huyện Đơn Dương, đồng bào Công giáo huyện luôn tự hào huyện Đơn Dương đã được công nhận là huyện thứ 6 của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt mới đây, lại được chọn là một trong bốn huyện trên cả nước xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Ý thức phong trào xây dựng nông thôn mới không những là cuộc vận động lớn của Đảng trong giai đoạn hiện nay của đất nước, mà còn đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân; vì thế, ngay từ đầu, đồng bào Công giáo huyện đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới và quyết tâm cùng với chính quyền các cấp, các tôn giáo bạn và toàn thể đồng bào huyện, nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng huyện Đơn Dương thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. 5 năm vừa qua, người dân trong huyện lạc quan trước sự phát triển của địa phương, bộ mặt của huyện đang từng ngày đổi mới, khang trang hơn, đời sống kinh tế - xã hội của người dân được nâng cao rõ rệt.
Để tiếp tục phát huy sáng tạo các nội dung thi đua trong đồng bào Công giáo trên mọi lĩnh vực, Linh mục Đinh Viết Liêm - Trưởng Ban Đoàn Kết Công giáo huyện Đơn Dương đề xuất: Mong chính quyền huyện Đơn Dương sớm thực hiện việc nâng cấp hệ thống giao thông tại địa bàn huyện, nhất là khu vực Nam Sông Đa Nhim; sớm có kế hoạch nạo vét lòng sông Đa Nhim nhằm bảo vệ môi trường, giúp phát triển kinh tế, tránh được tình trạng ngập úng mỗi khi đập Đa Nhim xả nước, gây thiệt hại lớn đến bà con nhân dân. Đồng thời, bà con mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để từng bước xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới và xây dựng thương hiệu rau Đơn Dương ngày càng uy tín.
NGUYỆT THU