Cảnh báo việc lạm dụng sinh mổ

09:04, 03/04/2019

Tỉ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới tăng nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là các nước phát triển. Việt Nam từ một nước có tỉ lệ mổ lấy thai thấp đã chuyển dịch sang nhóm nước lạm dụng kỹ thuật này. Tại Lâm Ðồng, tỉ lệ mổ lấy thai tăng cao qua nghiên cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt.

Tỉ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới tăng nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là các nước phát triển. Việt Nam từ một nước có tỉ lệ mổ lấy thai thấp đã chuyển dịch sang nhóm nước lạm dụng kỹ thuật này. Tại Lâm Ðồng, tỉ lệ mổ lấy thai tăng cao qua nghiên cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt.
 
BSCKI Nô Duy Tâm - Trưởng Khoa Phụ sản BV Hoàn Mỹ Đà Lạt phổ biến kiến thức cơ bản cho các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con
BSCKI Nô Duy Tâm - Trưởng Khoa Phụ sản BV Hoàn Mỹ Đà Lạt phổ biến kiến thức cơ bản cho các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con
 
Sinh đẻ là một hoạt động sinh lý bình thường của các sinh vật, trong đó có con người. Khi khung chậu của thai phụ bình thường, không có bệnh lý toàn thân gì đặc biệt; sự phát triển của thai, ngôi thai, phần phụ, thời gian vỡ ối, tình hình nước ối, thời gian mang thai, cơn co tử cung bình thường thì cuộc sinh đẻ có thể diễn ra bình thường qua ngả âm đạo. Nếu các yếu tố trên có gì bất thường thì quá trình chuyển dạ bị rối loạn và cần phải can thiệp nhanh chóng để tránh nguy cơ cho mẹ và con bằng kỹ thuật mổ lấy thai.
 
Mổ lấy thai là phẫu thuật lấy thai, phần phụ của thai ra khỏi tử cung qua đường rạch ở thành bụng và đường rạch ở thành tử cung. Tỉ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới tăng nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là các nước phát triển.
 
Ở Hoa Kỳ, năm 1988 tỉ lệ mổ lấy thai trung bình là 25%, đến năm 2004 tỉ lệ mổ lấy thai tăng lên 29,1%. Ở Pháp, từ năm 1972 -1981, tỉ lệ mổ lấy thai tăng gần gấp đôi, từ 6% lên 11% và gần đây khoảng 20 - 25%. Tại Việt Nam, tỉ lệ mổ lấy thai ngày càng gia tăng, theo nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương qua các năm: 1988 tỉ lệ mổ lấy thai là 34,6%; năm 2000 tăng lên 35,1%; năm 2005 là 39,1%.
 
Hơn nữa, khuynh hướng sản khoa hiện nay thường không còn áp dụng các thủ thuật sanh ngả âm đạo vì lo sợ có nhiều biến chứng. Vì vậy, cùng với sự tiến bộ của các ngành gây mê, hồi sức và kháng sinh, mổ lấy thai đã ngày càng phổ biến và góp phần không nhỏ làm hạ thấp tỉ lệ tử vong mẹ và con. Ngoài ra, bác sĩ ngày càng chịu nhiều áp lực chi phối nên đã đẩy tỉ lệ mổ lấy thai của bệnh viện cao lên.
 
Một đề tài nghiên cứu về “Khảo sát thực trạng mổ lấy thai tại Khoa Sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt” do nhóm BSCKI Nô Duy Tâm -Trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện tiến hành, đã nghiên cứu trên các hồ sơ của thai phụ đến sinh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt trong 6 tháng đầu năm 2018, với tổng số hồ sơ bệnh án được đưa vào nghiên cứu là 1.083 trường hợp.
 
Kết quả, qua nghiên cứu 1.083 trường hợp đến sinh, có 563 sinh ngả âm đạo (chiếm 51,99%) và 520 ca mổ lấy thai (chiếm 48,01%), bao gồm 12 trường hợp mổ theo yêu cầu thai phụ (chiếm 1,11%). Nguy cơ mổ lấy thai tăng theo tuổi mẹ và tình trạng con so (con đầu lòng), con rạ, tuy có ý nghĩa thống kê nhưng độ chênh rất thấp. Những thai phụ có tiền sử mổ lấy thai có nguy cơ mổ lấy thai rất cao so với thai phụ chưa từng mổ lấy thai (chiếm 95%). Vấn đề hiện nay của Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt là phải nghiên cứu đưa tỉ lệ mổ lấy thai xuống thấp càng sớm càng tốt bằng cách đưa ra các chỉ định rõ ràng, thông tin cho thai phụ đầy đủ.
 
Theo BSCKI Nô Duy Tâm - Trưởng Khoa Phụ sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, tỉ lệ tuổi thai phụ thường gặp ở trường hợp mổ lấy thai và sinh thường đều thuộc nhóm tuổi 25 - 29; trẻ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 47 tuổi. Số bà mẹ trong độ tuổi 25 - 34 đi sinh chiếm tới 69,16%. Tuổi bà mẹ trung bình chọn mổ lấy thai là 29 tuổi và sinh thường là 27 tuổi. 
 
Số thai phụ tới sinh con so (lần đầu) vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất (55,49%) và thai phụ sinh con từ lần thứ ba trở lên chiếm tỉ lệ thấp nhất (10,53%). Số lần sinh có liên quan tới chỉ định mổ lấy thai, cụ thể: con đầu lòng tỉ lệ mổ lấy thai chiếm 53,27%; con thứ hai có tỉ lệ mổ lấy thai chiếm 35,96% và con thứ 2 trở đi tỉ lệ mổ lấy thai chiếm 10,77%. Tuổi thai trung bình của các thai phụ sinh mổ là 39 tuần. 
 
Đánh giá của nhóm nghiên cứu là tỉ lệ mổ lấy thai tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt chiếm 48%, tuy nhiên mổ chủ động theo yêu cầu chỉ 1,1% diễn ra chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018 (thời điểm nghiên cứu) là mức đang ở ngưỡng cao so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO. 
 
Phân tích nguyên nhân mổ lấy thai bệnh lý bao gồm: nguyên nhân của thai có 118 trường hợp (chiếm 22,7%) bị suy thai, thai máy ít; ngôi thế bất thường; song thai; suy dinh dưỡng bào thai, thai to; con quý (thụ tinh nhân tạo). Nguyên nhân từ phần phụ của thai (chiếm 10,6%) như: ối vỡ non, thiểu ối, ối vỡ sớm; nhau tiền đạo, bám thấp, bong non, sa dây rốn. Nguyên nhân từ đường sinh dục (chiếm 61,5%): cơn gò cường tính; vết mổ cũ; cổ tử cung xóa mờ khó; bất xứng đầu chậu; cổ tử cung ngưng tiến triển; đầu không lọt; rặn không chuyển. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ bệnh lý của mẹ (chiếm 2,9%) và nguyên nhân xã hội chiếm 2,3% (mổ lấy thai chủ động) với lý do chưa rõ. Trong khi đó, theo một nghiên cứu tại Hà Nội năm 2007 thì lý do xã hội chiếm 14,6% và có 14% bà mẹ mổ lấy thai do muốn chọn ngày tốt, có 16,7% mổ lấy thai chủ động do tác động từ gia đình. Nghiên cứu của Khoa Sản Đại học Y Dược TP HCM từ 2007 - 2009 cho thấy, tỉ lệ mổ lấy thai chủ động chiếm 36,5% tổng số ca mổ lấy thai. 
 
 
Theo WHO, năm 2010 khảo sát 137 nước trên thế giới đã chia tỉ lệ mổ lấy thai các nước như sau: Mổ lấy thai thấp, dưới 10% có 54 nước, trong đó có Việt Nam (với tỉ lệ 9,9% năm 2008); mổ lấy thai trung bình từ 0 - 15% có 14 nước và tỉ lệ mổ lấy thai trên 15% có 69 nước là các nước được xem là lạm dụng kỹ thuật mổ lấy thai. Tỉ lệ mổ lấy thai tăng dần theo thời gian tại Việt Nam và chuyển từ mức thấp lên mức lạm dụng kỹ thuật. Vào những năm 1960 - 1970, ở Việt Nam chỉ có khoảng 7 - 14% mổ lấy thai. Nhưng đến thập niên đầu của năm 2000, tỉ lệ này tăng dần từ 20% (Thái Nguyên) - 36,97% (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) lên 43,25 (Khoa Sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM).
 
Do tỉ lệ mổ lấy thai quá cao tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị: Các chỉ định cần phải rõ ràng, thông tin cho thai phụ đầy đủ và triển khai các kỹ thuật mới như phương pháp hỗ trợ đẻ không đau nhằm hạ thấp tỉ lệ này.
 
DIỆU HIỀN