Trong khi hầu hết các địa phương trong cả nước bùng phát dịch sởi với nhiều ca bệnh tăng cao thì tại địa phương Lâm Ðồng bệnh sởi vẫn "yên ắng". Tuy nhiên, "có một mặt trận không tiếng súng" đó là lực lượng y tế dự phòng không ngừng tăng cường kiểm soát dịch bệnh sởi trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2018 đến nay.
Trong khi hầu hết các địa phương trong cả nước bùng phát dịch sởi với nhiều ca bệnh tăng cao thì tại địa phương Lâm Ðồng bệnh sởi vẫn “yên ắng”. Tuy nhiên, “có một mặt trận không tiếng súng” đó là lực lượng y tế dự phòng không ngừng tăng cường kiểm soát dịch bệnh sởi trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2018 đến nay.
|
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em tại Trạm Y tế Phường 4 - Đà Lạt. Ảnh: D.Hiền |
Trên toàn cầu, bệnh sởi đang quay trở lại. Ngày 1/3/2019, UNICEF đưa ra cảnh báo dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động và tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng. Theo UNICEF, tại 10 quốc gia, trong đó có Ukraine, Philippines và Brazil, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74% tổng số ca nhiễm mới và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố loại bỏ được căn bệnh này đã phát hiện bệnh sởi quay trở lại. Trong năm 2018, dịch sởi đã xảy ra tại một số nước ở khu vực châu Âu với việc ghi nhận sự lây lan dịch sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước trước đó đã công bố loại trừ bệnh sởi như Đức và Nga. Đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, đặc biệt tại Ukraine, Philippines và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố; trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực và nỗ lực của người dân trong việc khống chế dịch bệnh sởi.
Tại Việt Nam, bệnh sởi bùng phát bắt đầu từ tháng 10/2018. Tính đến đầu tháng 3 đã ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 ca mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố, và đến thời điểm này số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm.
Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và vùng có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn. Cụ thể, đầu năm 2019, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3.316 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó số ca chưa được tiêm chủng chiếm 54%. Tại Hà Nội, quý I/2019 đã ghi nhận 412 ca mắc sởi (tăng 366 ca so với cùng kỳ năm trước), có đến 92% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Tại Lâm Đồng, theo ThS-BS Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã chủ động trong việc phòng chống bệnh sởi. Cụ thể: chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường tiêm vắc xin và giám sát phòng chống bệnh sởi - rubella, ho gà trong TCMR số 145/YTDP-KSBTN ngày 6/8/2018; thực hiện Công văn số 2994/SYT-NVY ngày 16/10/2018 của Sở Y tế Lâm Đồng về việc tăng cường công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và SXHD; thực hiện Công văn số 2672/SYT-NVY ngày 17/9/2018 của Sở Y tế Lâm Đồng về việc tăng cường giám sát và thống kê báo cáo các trường hợp mắc bệnh sởi; thực hiện Công văn số 36/SYT-NVY ngày 7/1/2019 của Sở Y tế Lâm Đồng về việc tăng cường phòng phống bệnh sởi trong dịp lễ, tết 2019. Qua đó ghi nhận, tình hình bệnh sởi xuất hiện số ca rải rác tại các huyện, thành phố. Trong năm 2018, toàn tỉnh có 49 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó chỉ có 1 ca sởi dương tính (ở Đạ Tẻh). Trong quý I/2019, toàn tỉnh ghi nhận 31 ca sốt phát ban nghi sởi, phát hiện 10 ca sởi dương tính ở các địa phương như: Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Bảo Lâm.
Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đưa ra giải pháp triển khai phòng chống bệnh sởi hiệu quả tại địa phương đó là: Chủ động rà soát và lập danh sách trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi, sởi - rubella, tiêm chủng vắc xin sởi mũi 1 cho đối tượng trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích của việc tiêm phòng bệnh sởi để người dân nhận thức và đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, tăng cường truyền thông sâu rộng cho người dân biết cách nhận biết các dấu hiệu mắc bệnh sởi và cần thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh bằng nhiều hình thức khác nhau như qua loa đài, tờ rơi, hoặc trực tiếp... Thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh như: vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế, các trang bị phòng hộ cá nhân. Hướng dẫn người nhà bệnh nhân biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình, tránh lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện. Theo dõi các trường hợp sốt phát ban nghi sởi hàng ngày để thực hiện điều tra, xác định ca bệnh/ổ dịch/dịch sởi và các biện pháp xử lý theo đúng Quy định 4845/2012/QĐ-BYT ngày 5/12/2012 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella. Đẩy mạnh công tác giám sát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và chủ động phòng chống bệnh sởi, rubella. Thống kê, báo cáo, phản hồi các trường hợp mắc bệnh sốt phát ban nghi sởi, bệnh sởi.
AN NHIÊN